Đề nghị chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc tại Vinashin

03/06/2011 00:27 GMT+7

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng đồng ý với kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ (TTCP).

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc điều hành Vinashin, các bộ, ban ngành liên quan, theo chức năng nhiệm vụ tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của TTCP. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá đúng giá trị tài sản thực tế hiện có và dư nợ phải thanh toán của Vinashin; kiểm soát chặt chẽ việc cơ cấu vốn mà tập đoàn này đã đầu tư vào các lĩnh vực không trực tiếp gắn kết với lĩnh vực hoạt động của tập đoàn; nghiên cứu trình CP, Thủ tướng ban hành trong quý 3/2011 cơ chế xử lý tái cơ cấu tài chính, giảm thiểu tổn thất về tài sản, tiền vốn của Nhà nước khi thực hiện việc thoái vốn, chuyển nhượng dự án. Đồng thời có cơ chế xử lý nguồn tài chính để tập đoàn tái cơ cấu thành công theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Thủ tướng CP.

Theo kết luận của TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Vinashin, chỉ trong thời gian từ 2005 đến giữa 2010, Vinashin đã huy động 72 nghìn tỉ đồng nhưng đã tùy tiện, buông lỏng quản lý dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát lớn cho nhà nước.

Đối với khoản vay 750 triệu USD từ nguồn vay trái phiếu quốc tế của CP, Vinashin không trung thực, thiếu trách nhiệm trong sử dụng nguồn vốn. Nhiều dự án (DA) mới chỉ là ý tưởng đầu tư, chưa và không tồn tại trên thực tế vẫn được đưa vào đề án xin vay vốn. Ngay trong ngày ký hợp đồng (HĐ) vay từ nguồn trái phiếu quốc tế này, Vinashin sử dụng 1.000 tỉ đồng để mua lại khoản nợ của các đơn vị thành viên và của bản thân công ty mẹ, trong đó có nhiều khoản nợ xấu tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV). Việc mua nợ trên là trái với quy chế mua bán nợ; sử dụng không đúng mục đích khoản vay trái phiếu quốc tế; có nhiều dấu hiệu cố ý làm trái quy định của pháp luật, dùng thủ đoạn hoán đảo nợ đã mua để che giấu thiệt hại.

Từ năm 2007 đến nay, Vinashin đã không đủ năng lực về cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ tay nghề, trình độ quản lý và tiềm lực tài chính để thực hiện các HĐ đã giao kết với khách hàng. Cụ thể, từ 2006 đến nay Vinashin đã ký 85 HĐ, giá trị 58.224 tỉ đồng, nhưng chỉ hoàn thành được 15 hợp đồng. Số HĐ đã bị hủy và dự kiến hủy chiếm tới 47%. Chỉ tính riêng tiền phạt, tiền lãi phải trả do hủy HĐ đã lên đến trên 1.000 tỉ đồng.

Theo kết quả kiểm toán, năm 2009 Vinashin lỗ 1.682,5 tỉ đồng, nhưng con số lỗ thực chất theo TTCP là 4.985,16 tỉ đồng, tăng thêm 3.302,66 tỉ đồng so với báo cáo của kiểm toán. Ngoài ra, TTCP khuyến cáo Vinashin đặc biệt lưu ý kiểm soát khả năng lỗ tiềm tàng trên 20 ngàn tỉ, thể hiện rất hiện thực ở các nội dung nhiều HĐ đóng tàu bị hủy, kéo theo bị phạt và trả lãi do vi phạm HĐ và chênh lệch các khoản phải thu nội bộ nhưng không xác định được đối tượng phải thu.

TTCP kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra, Bộ Công an 7 vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm, gồm: Vụ dùng 1.000 tỉ đồng trái phiếu quốc tế để mua nợ tại BIDV; Vụ cố ý làm trái trong DA nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn 1, gây thiệt hại 59 tỉ đồng; Vụ thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu tham nhũng trong chuyển nhượng cổ phiếu Ngân hàng Nhà Hà Nội; Vụ cố ý làm trái tại Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh; Việc sử dụng vốn vay 300 tỉ sai mục đích, có khả năng mất vốn ở Công ty CP đầu tư Cửu Long; Thất thoát, lãng phí tại DA công nghiệp tàu thủy Lai Vu; Sai phạm tại Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân.

Ngoài ra, TTCP cũng kiến nghị Bộ Công an tiếp tục xem xét, nghiên cứu xử lý 4 vụ việc khác.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.