Theo ông Nguyễn Văn Danh - Phó giám đốc Sở Xây dựng - các văn bản luật này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chủ đầu tư (CĐT) lẫn cơ quan quản lý khi triển khai các dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị... Tuy vậy, còn tồn tại nhiều bất cập. Do đó, TP.HCM kiến nghị nhập hai bước xác định CĐT và chấp thuận đầu tư để rút ngắn thời gian.
Về thẩm quyền cho phép đầu tư, theo ông Danh, việc phải trình Thủ tướng cho phép đầu tư với khu đô thị mới có quy mô 200 ha trở lên và với các dự án phát triển nhà ở có quy mô từ 2.500 căn trở lên trong khu đô thị mới là trùng lắp, bởi khi cho phép đầu tư khu đô thị mới đã xác định quy mô dân số và số lượng căn hộ.
Ngoài ra, NĐ 71 quy định nhà ở xã hội đầu tư bằng ngân sách chỉ được cho thuê, không giải quyết thuê mua. Như vậy, Nhà nước phải bỏ ra vốn lớn nhưng thời gian thu hồi vốn quá lâu (30 - 40 năm), dẫn tới khả năng tái đầu tư chậm. Mặt khác, người dân có thói quen sở hữu căn hộ nên nếu hạn chế quyền sở hữu sẽ không thu hút người dân, dẫn đến lãng phí.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Toàn - Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc - cho rằng, không nên quy định cứng nhắc mọi dự án quy mô 10 ha trở lên buộc phải bố trí 20% nhà ở xã hội. Bởi thực tế, nhiều dự án căn hộ cao cấp nếu xen kẽ nhà ở xã hội sẽ không phù hợp về quy hoạch, sinh hoạt. Do đó, có thể cân nhắc cho CĐT lựa chọn bố trí 20% nhà ở xã hội ngay trong dự án, làm riêng một dự án khác hoặc nộp khoản tiền tương ứng để lập quỹ nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn chỉnh và trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn cụ thể về mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, quản lý nhà ở chung cư...
P.Thanh
Bình luận (0)