Thăm bảo tàng động đất

04/06/2011 10:11 GMT+7

Những bóng đèn lắc lư. Những tòa nhà cao tầng đổ sụp. Lửa cháy. Những đường sắt bị gãy đứt làm những toa tàu nghiêng cả về một phía. Các đường cao tốc bị đổ sập xuống dưới. Và ngay dưới chân chúng tôi, nền rung lên bần bật. Động đất...

Đã có những tiếng hét lên (có thể là vì sợ). Nhiều người có cảm giác tim mình như đang bị bóp nghẹt. Và khi đèn sáng lên, trong phòng là những gương mặt vẫn còn cảm giác thảng thốt, những đôi mắt đỏ hoe và cả những cánh tay vội đưa lên lau nước mắt. Thảm họa của cơn động đất khủng khiếp ở Kobe (tỉnh Hyogo, Nhật Bản) vừa mới tái hiện trước mắt khán giả trong khán phòng của bảo tàng động đất ngay tại nơi này bằng những thước phim tư liệu. Thật khủng khiếp! Thật kinh hoàng! Và có lẽ không còn tính từ nào đủ mạnh có thể diễn tả được những phút nhói tim vừa trải qua...

Cơn địa chấn dữ dội Hanshin

Những ngày này, dư âm của thảm họa động đất và sóng thần lẫn nỗi ám ảnh về phóng xạ hạt nhân ở Fukushima vẫn còn đâu đó trong tâm trí mọi người. Bảo tàng động đất ở Kobe trở thành một điểm đến rất ý nghĩa cho bất cứ ai. Vì thế, không khó hiểu khi mỗi ngày nơi này đón tiếp hơn 2.000 khách tham quan, trong đó chủ yếu là các em học sinh.

Bảo tàng động đất ở Kobe thuộc Viện Tái thiết nhân lực và ngăn ngừa thảm họa, chính thức được mở cửa vào năm 2002 - bà Shibusawa Mitsuyo, một trong nhiều người dân địa phương tình nguyện đến làm việc tại bảo tàng, cho biết. Bà chia sẻ những hình ảnh trong bộ phim vừa coi chính là hình ảnh cơn động đất kinh hoàng đã xảy ra cách đây bảy năm tại Kobe và vùng phụ cận.

Vào đúng 5g46 (giờ Nhật Bản) ngày 17-1-1995, một trận động đất 7,2 độ Richter (độ mạnh lớn nhất từng có ở Nhật Bản tính đến thời điểm đó), với chấn động kéo dài 20 giây đã làm rung chuyển cả phía nam tỉnh Hyogo, Nhật Bản, để lại những thiệt hại nặng nề: hơn 6.400 người chết, hơn 300.000 người mất nhà cửa, 200.000 ngôi nhà sụp đổ, nhiều kho cảng và những nơi khác bị phá hủy, nhiều phần của đường cao tốc Hanshin bị đổ sụp (thế nên trận động đất này còn được gọi là cơn địa chấn dữ dội Hanshin).

Bảo tàng được dựng nên để lưu giữ những hình ảnh, những thước phim, lẫn những mô hình mô phỏng những ngày tháng đau thương ấy, cũng là để giáo dục những bạn trẻ Nhật Bản hiểu được những mất mát của một sự kiện thảm khốc và cách đối phó khi động đất xảy ra.

Chúng tôi đã đoàn kết với nhau hơn

Đau thương là thế. Nhưng động đất có thể làm những căn nhà sụp đổ, cướp đi sinh mạng con người, chứ không thể làm lung lay niềm tin và ý chí của con người. Nước Nhật đã quyết tâm tái thiết, xây dựng lại từ đầu thành phố tan hoang này. Ba năm là mục tiêu mà chính quyền Nhật Bản đặt ra, và thực tế đạt được còn kỳ diệu hơn thế.

Bảo tàng động đất ở Kobe ra đời không đơn thuần chỉ để tưởng niệm hay mang mục tiêu giáo dục mà còn để ghi nhận những thành tựu kỳ diệu của một thành phố vươn mình mạnh mẽ sau động đất. Do đó, bảo tàng dành nhiều không gian để giới thiệu những hình ảnh của một Kobe hiện đại hơn cả trước khi bị tàn phá. Đặc biệt hơn, còn có cả những đồ vật ấm áp tình người: chiếc xe của người dân Ý, quần áo của người dân châu Á... và nhiều món quà khác khắp nơi trên thế giới gửi đến để san sẻ với người dân Kobe trong hoạn nạn.

Bà Mitsuyo chia sẻ: ở một hòn đảo của Indonesia, người ta còn sáng tác cả bài hát với những câu rất dễ nhớ để nhắc nhở mọi người những việc cần làm khi xảy ra động đất, sóng thần như khi có động đất hãy bảo vệ đầu trước tiên, khi có sóng thần hãy chạy lên núi cao... Nhật Bản chưa có một bài hát như thế, nhưng qua những mô hình có ở bảo tàng, mọi người có thể hình dung được cách tính toán để giảm thiểu những thiệt hại khi động đất xảy ra, di chuyển đến nơi nào khi nước dâng... Những tờ hướng dẫn mà bảo tàng cung cấp cho khách tham quan cũng rất chi tiết về cách đối phó khi động đất xảy ra.

Cầu mong sẽ không có trận động đất kinh hoàng nào xảy ra nữa với Kobe, và nếu có cũng thật nhẹ, thật nhẹ. Vì một lý do nào đó, người ta không cho phép chụp hình, quay phim ở bảo tàng ấy. Văng vẳng trong đầu người xem là lời của một cô bé người Nhật 15 tuổi trong bộ phim được chiếu ở bảo tàng: Chúng tôi đã đoàn kết với nhau hơn, chúng tôi đã yêu thương nhau nhiều hơn, để cùng san sẻ và vượt qua những khó khăn. 

Chuẩn bị cho 30 năm sau

Ở tầng trệt của bảo tàng có một bức tường với những con số đáng giật mình. Bên cạnh thông tin về những trận động đất đã qua còn có cả thông tin dự báo, trong đó đáng chú ý nhất: 30 năm nữa, theo các nhà khoa học, sẽ có một cơn động đất mạnh hơn xảy ra ở nơi này, nhiều khả năng có cả sóng thần cao đến 15m (hãy nhớ, những cơn sóng thần vào ngày 11-3 vừa qua tại Fukushima cao từ 4-10m).

Tòa bảo tàng này cũng được xây bằng kính chịu lực để giảm thiểu những thiệt hại nếu động đất xảy ra. Niềm tự hào của Hyogo - cây cầu treo Akashi Kaikyo bắc qua vịnh Akashi có khả năng chịu đựng được sức gió 286 km/giờ, chịu được động đất 8,5 độ Richter. Nói về những gì mà người Nhật đã chuẩn bị cho những cơn động đất có thể xảy đến bất cứ lúc nào, và cho cả một cơn động đất được dự báo trước cả 30 năm, gương mặt người hướng dẫn viên Nhật Bản vẫn lạc quan, như thể họ từng vượt qua những khó khăn và cũng đang sẵn sàng đối mặt với những khó khăn như thế.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.