Giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông

06/06/2011 02:21 GMT+7

Lập trường và chính sách quốc phòng gắn với an ninh biển rất rõ ràng của Việt Nam nhận được sự ủng hộ tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu quan trọng trong ngày cuối cùng của Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh thường niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, lập trường và chính sách quốc phòng của VN thể hiện rõ nét tinh thần hòa hiếu, hợp tác và hữu nghị. Bài phát biểu của đại tướng Phùng Quang Thanh phác họa một bối cảnh quốc tế với an ninh biển đóng vai trò sống còn không chỉ với những quốc gia ven biển. Đặc biệt, ở khu vực biển Đông, nơi đang có những nguy cơ xung đột cần được kiềm chế, chính sách đối ngoại và quốc phòng của VN là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì ổn định.


Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen chúc mừng sau bài phát biểu và trả lời của đại tướng Phùng Quang Thanh - Ảnh: Thục Minh

Đại tướng Phùng Quang Thanh nói: “Là một quốc gia biển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, chính sách quốc phòng của VN là hòa bình và tự vệ. VN luôn chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với quân đội các nước trong và ngoài khu vực, tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh chung, trong đó có an ninh biển”.

An ninh quốc gia của VN gắn liền với an ninh khu vực và thế giới, đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định. Vì thế, VN “mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tăng cường xây dựng lòng tin, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển”, ông nói.

Cũng cố cơ sở pháp lý về hoạt động trên biển

Đại tướng Phùng Quang Thanh nhận định: “Tình hình biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, nhưng đôi khi vẫn xảy ra các va chạm, gây lo ngại cho các quốc gia ven biển”. Ông nêu ra sự cố đang gây chú ý: “Gần đây nhất là vụ ngày 26.5.2011, tàu khảo sát Bình Minh 02 của VN bị cắt cáp thăm dò khi đang hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN, gây lo ngại đến việc duy trì hòa bình ổn định ở biển Đông cũng như khu vực và trên thế giới”.

Là một quốc gia biển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, chính sách quốc phòng của VN là hòa bình và tự vệ. 

Đại tướng Phùng Quang Thanh

Về phản ứng của VN trước sự cố này, đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết: “VN đã kiên trì giải quyết vụ việc trên bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông và giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng”. “Chúng tôi mong muốn những sự việc tương tự không tái diễn”.

Theo ông, củng cố các cơ sở pháp lý về các hoạt động trên biển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển, ngăn chặn những hành động phương hại đến lợi ích chung của khu vực cũng như của từng nước, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia và xử lý tốt những vấn đề nảy sinh như tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ... là việc phải làm đầu tiên. Cụ thể là tuân thủ thực hiện đầy đủ Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Trong khu vực Đông Nam Á, cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (DOC), tiến tới ASEAN và Trung Quốc (TQ) cùng xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Bên cạnh đó, tăng cường hiệu lực của các cơ chế hiện hữu và các cấu trúc an ninh mới như Cấp cao Đông Á (EAS) với sự tham gia của Nga và Mỹ, hay Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) sẽ đem lại một tương lai tốt đẹp khi có sự thống nhất, đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các nước đối tác.

Ngoài ra, các bên cần tăng cường hợp tác phát triển trên biển, cả song phương và đa phương, nhằm xây dựng và tăng cường lòng tin giữa quân đội các nước, tuyệt đối không sử dụng vũ lực, đồng thời giữ gìn hòa bình, ổn định, bảo vệ lao động và các hoạt động kinh tế, hàng hải, hòa bình trên biển. Khi có các vấn đề, vụ việc xảy ra trên biển, các bên cần kiên trì, kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch.

Quan tâm của cộng đồng quốc tế

Diễn đàn hoan nghênh phát biểu, trả lời của đoàn Việt Nam

Tiến sĩ John Chipman, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) là cơ quan tổ chức Đối thoại Shangri-La 2011, đánh giá rất cao phần trả lời rất toàn diện và thành công của Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh. Ông Teo Chee Hean, quyền Thủ tướng Singapore trong khi ông Lý Hiển Long đang tạm vắng mặt, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen và nhiều đại biểu khác đã đến bắt tay và chúc mừng đại tướng Phùng Quang Thanh sau khi kết thúc phiên họp.

Trong cuộc họp báo kết thúc diễn đàn vào chiều qua, Giám đốc IISS khu vực châu Á Tim Huxley nhận định phiên thảo luận vấn đề an ninh biển là một thành công, đáp ứng tốt mục tiêu của nhà tổ chức. Mục tiêu đó là tạo cơ hội cho các quốc gia Đông Nam Á có liên quan trực tiếp trong cuộc tranh chấp ở biển Đông trình bày về các thách thức đang gặp phải. Ông cũng đánh giá cao bài phát biểu của đại tướng Phùng Quang Thanh.

Bài phát biểu của đại tướng Phùng Quang Thanh nhận được sự quan tâm lớn của các nhà quân sự, nhà chiến lược, học giả và giới ngoại giao từ 35 quốc gia. Đại tướng nhận được 10 câu hỏi xoay quanh nhiều chủ đề và thể hiện mối quan tâm toàn cầu đối với vấn đề biển Đông và chính sách quốc phòng của VN.

Đầu tiên là câu hỏi của chuyên gia Christopher Nelson từ Mỹ, hỏi thông tin chính xác về vụ tàu Bình Minh 02. Bởi trước đó, trong bài phát biểu kéo dài hơn 45 phút, Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lương Quang Liệt đã không đề cập gì đến các vụ va chạm giữa TQ với VN, Malaysia, Philippines trên biển Đông. Ông Lương nói những nghi kỵ của thế giới đối với TQ chẳng qua là do “hiểu nhầm và diễn dịch sai các chính sách, và chủ ý tốt đẹp của TQ”.

Trả lời cho câu hỏi này, đại tướng Phùng Quang Thanh nói: “Trước hết tôi hoan nghênh và đánh giá cao bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng TQ đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại hòa bình và trách nhiệm của mình trong quá trình phát triển hòa bình. Chúng tôi luôn coi một TQ mà phát triển hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và hợp tác với các nước láng giềng, trong khu vực và trên thế giới, trong đó có VN, là điều kiện thuận lợi cho VN và các nước trong khu vực, trên thế giới. Chúng tôi luôn mong muốn TQ thực hiện như là những tuyên bố của mình, công khai với toàn thế giới”. Tuy nhiên, “Sự cố như tôi đã trình bày ở phần trước là có xảy ra”, đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định và cho biết thêm đó không phải là lần đầu. “Năm 2010, khi VN tiến hành khảo sát để lập hồ sơ báo cáo LHQ về ranh giới ngoài của thềm lục địa thì tàu khảo sát của VN cũng bị tàu hải giám của TQ cắt cáp”, ông cho biết. Ngoài ra, còn có những vụ va chạm khác như bắt tàu cá, ngăn cản các hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của VN... Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định những hành động đó là vi phạm luật quốc tế, xâm phạm chủ quyền VN, gây lo ngại cho thế giới, làm cộng đồng quốc tế băn khoăn về những tuyên bố công khai của TQ về các vụ việc xảy ra không chỉ với VN mà cả với Philippines và Malaysia.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng phủ nhận đường tuyên bố 9 đoạn trên biển Đông của TQ bởi nó không có cơ sở pháp lý và phản đối lệnh cấm đánh bắt cá vô lý mà TQ áp đặt trong cả những vùng thuộc chủ quyền của VN.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trả lời những câu hỏi liên quan đến hợp tác khai thác dầu khí giữa VN, TQ và Philippines; hoạch định ngư trường cho ngư dân, hợp tác và giao lưu văn hóa giữa các đơn vị VN và Philippines đóng trên các đảo trong khu vực nam biển Đông, vai trò Chủ tịch ASEAN của Indonesia...

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh gặp gỡ báo chí quốc tế

Trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh trả lời đại biểu các nước trong phòng hội nghị của Diễn đàn Shangri-La, Thứ trưởng Quốc phòng, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh gặp gỡ phóng viên quốc tế trong phòng họp báo.

Thanh Niên xin giới thiệu một số câu hỏi và phần nội dung trả lời của trung tướng Nguyễn Chí Vịnh:

Ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện ở châu Á. Một trong những bước tăng cường đó là bố trí thêm tàu ở vùng Singapore. Tôi muốn biết VN có hoan nghênh thông tin này không?

Việc Mỹ có tăng cường sự hiện diện ở châu Á hay bố trí thêm tàu ở Singapore là vì lợi ích của Mỹ. Nếu sự hiện diện ấy mang lại hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực, mang lại sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia thì VN hoan nghênh.

Chính phủ VN gần đây tuyên bố mở cửa cảng Cam Ranh cho cộng đồng quốc tế. Tôi muốn hỏi việc mở của đó có đồng nghĩa với việc cho phép tàu quân sự của Mỹ, Nga và các quốc gia khác vào cảng Cam Ranh hay không?

Vịnh Cam Ranh thì trước hết chúng tôi đã tuyên bố không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự và trú đóng tàu quân sự ở đấy. Một phần ở vịnh Cam Ranh chúng tôi sẽ xây dựng thành căn cứ hải quân của VN. Còn một phần thì sẽ xây dựng thành một khu dịch vụ, kỹ thuật, hậu cần cho tàu quân sự và dân sự của tất cả các nước sử dụng. Khi đó, khu dịch vụ, kỹ thuật và hậu cần sẽ đón tàu của tất cả các nước vào sửa chữa, làm dịch vụ hậu cần theo luật pháp quốc tế và luật VN.

Tuyên bố các bên về ứng xử biển Đông (DOC) năm 2002 nay đã có hiệu lực 9 năm, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa đạt được sự đồng thuận để có một văn bản hướng dẫn thực hiện các điều khoản của nó. Trong khi đó chúng ta lại đang cố phát triển DOC thành Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) để nó có tính ràng buộc pháp lý hơn. Ông có cho việc đó là thiết thực trong thời điểm này?

Các nước ASEAN thống nhất với nhau COC là rất cần thiết. Hội nghị Cấp cao ASEAN gần đây nhất đã đạt được kết luận là sẽ bàn bạc với TQ để sớm đạt được COC.

***

Sau khi phải chấm dứt cuộc gặp gỡ vì hạn chế về thời gian, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh tiếp tục bị phóng viên các hãng thông tấn quốc tế vây quanh  ngoài hành lang với nhiều câu hỏi khác. Ông nhanh chóng trả lời các câu hỏi trước khi rời đi.

T.M

Trung Quốc lại cam kết phát triển hòa bình

Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt một lần nữa khẳng định nước này luôn mong muốn khu vực biển Đông được “hòa bình, ổn định”. Ông Lương cũng kêu gọi các nước không xem Trung Quốc như một mối đe dọa. “Tôi biết nhiều người tin rằng cùng với sự phát triển kinh tế, Trung Quốc cũng sẽ trở thành một mối đe dọa về quân sự”, AFP dẫn lời ông Lương nói, “Tôi xin cam kết đó không phải là lựa chọn của chúng tôi”. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng bác bỏ các cáo buộc rằng nước này đứng sau nhiều vụ tấn công mạng gần đây nhằm vào các mục tiêu ở nước ngoài.

Trọng Kha

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.