Cần tiếp tục công khai thông tin về biển Đông

07/06/2011 23:57 GMT+7

Đó là đề xuất chung của các chuyên gia Hội đồng tư vấn về dân chủ - pháp luật, Hội đồng tư vấn về đối ngoại và kiều bào của Ủy ban T.Ư MTTQ VN, tại buổi tọa đàm chiều 7.6.

Công khai để đồng thuận

Theo Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về đối ngoại và kiều bào Phạm Văn Chương, sau vụ việc tàu Trung Quốc (TQ) cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 và hành động uy hiếp ngư dân VN, MTTQ cần tăng cường thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, cụ thể tới các tầng lớp nhân dân để bày tỏ chính kiến về vấn đề này; đồng thời thông qua tuyên truyền, giúp người dân nhận thức đúng đắn về chủ trương, quan điểm, biện pháp của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng con đường hòa bình và ngoại giao, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để cùng bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

 
Thông tin trên Thanh Niên liên tục cập nhật về vấn đề Biển Đông

GS Trần Ngọc Đường, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật, đề xuất Mặt trận nên kiến nghị với Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết về ứng xử của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong mối quan hệ với láng giềng TQ. “Trong các tầng lớp nhân dân còn nhiều cách hiểu khác nhau về đường lối đối ngoại của VN với TQ. Có quan niệm cho rằng chúng ta mềm dẻo quá trước hành vi xâm phạm chủ quyền của phía TQ và quan điểm này bị một số phần tử lợi dụng để tạo tâm lý bức xúc, căng thẳng trong một bộ phận quần chúng. Một luồng quan điểm chính thức khác thì cho rằng như thế là mềm dẻo, phù hợp trong tình hình hiện nay. Các cách hiểu khác nhau dẫn tới việc người dân chưa có nhận thức đồng nhất về vấn đề này. Trên cơ sở đó, các tổ chức chính trị - xã hội mới phổ biến, tuyên truyền, chuyển tải một cách đúng đắn, phù hợp tới các thành viên trong tổ chức mình, tới các tầng lớp nhân dân”, GS Đường phân tích.

Cùng quan điểm trên, luật gia Nguyễn Vĩnh Oánh kiến nghị thêm việc cần có định hướng thông tin rõ hơn để người dân yên tâm, hiểu đúng đắn về quan hệ Việt - Trung trong vấn đề biển Đông.

Còn theo luật gia Lê Đức Tiết,  trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” này, Mặt trận có thể ra tuyên bố bày tỏ quan điểm của mình về vụ việc 26.5 vừa qua. Đây cũng là kiến nghị chung của các thành viên dự buổi tọa đàm.

Nên kiện vì đủ chứng lý

Ngoài đề nghị công khai thông tin về chủ trương, quan điểm, biện pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Đảng, Nhà nước ta để tạo đồng thuận trong nhân dân, công khai cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hành vi sai trái của phía TQ, nhiều chuyên gia kiến nghị nên kiện tàu hải giám TQ về hành vi cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí VN khi đang hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế của VN ra tòa án quốc tế để đòi bồi thường thiệt hại.

Ủy viên Hội đồng tư vấn đối ngoại và kiều bào, ông Nguyễn Thắng Cảnh cho rằng MTTQ có thể ủy quyền cho Hội Luật gia VN khởi kiện.

GS Trần Ngọc Đường đề nghị: “Chúng ta không nên kiện ở cấp Nhà nước mà nên kiện dân sự. Tổ chức thăm dò dầu khí của chúng ta bị cắt 1 km đường cáp thì tập đoàn dầu khí đứng ra kiện tàu hải giám TQ ra tòa án quốc tế đòi bồi thường. Nếu làm được như thế cũng là bước đánh động TQ về việc gây thiệt hại cho chúng ta về kinh tế; gián tiếp phê phán hành động xâm phạm chủ quyền”.

Kết luận buổi tọa đàm, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha nêu rõ, Thường trực Ủy ban MTTQ VN trân trọng lắng nghe, ghi nhận ý kiến tâm huyết của các thành viên Hội đồng tư vấn và sẽ phân loại các ý kiến, kiến nghị để giải quyết trong thẩm quyền của Mặt trận. Những kiến nghị, đề xuất tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng sẽ được Mặt trận chuyển trong thời gian sớm nhất.

Sẽ ban hành Luật Tài nguyên và Môi trường biển, hải đảo

Trong khuôn khổ Tuần lễ biển và hải đảo 2011, ngày 7-8.6, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ TN-MT, Tổng cục Biển và hải đảo phối hợp Tổ chức đối tác về quản lý môi trường các quốc gia biển Đông Á (PEMSEA) tổ chức “Diễn đàn các nhà lãnh đạo quản lý tổng hợp vùng bờ tại VN”, với sự tham gia của hơn 70 nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước.

VN tham gia Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á (SDS-SEA) vào năm 2003. Đây là sáng kiến của PEMSEA nhằm liên kết các nước trong khu vực có bờ biển để có tiếng nói chung trong quản lý cũng như phát triển tối ưu lợi thế của vùng bờ. Theo Tổng cục Biển và hải đảo, trong giai đoạn 2003-2010, VN đã triển khai SDS-SEA ở một số lĩnh vực như tăng cường hệ thống thể chế, chính sách quản lý biển và vùng bờ; cải thiện môi trường và tài nguyên biển; ứng phó thiên tai và các sự cố môi trường biển; phát triển kinh tế biển; cải thiện sinh kế cho người dân ven biển...

VN hiện có 14 tỉnh, thành ven biển xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp ven bờ với 20% tổng chiều dài bờ biển. Theo kế hoạch, giai đoạn 2011-2015 VN sẽ ban hành Luật Tài nguyên và Môi trường biển, hải đảo; xây dựng thiết chế tổ chức lâm thời về quản lý tổng hợp vùng bờ; phổ biến cho người dân vùng biển một số nội dung cần thiết trong các công ước quốc tế về biển mà VN đã ký kết...

Lê Xuân

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.