Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết nếu được thành lập, lực lượng kiểm ngư sẽ thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi trên biển, tham gia cùng các lực lượng chức năng khác bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hoạt động của lực lượng kiểm ngư sẽ giúp ngư dân yên tâm làm ăn trên vùng biển chủ quyền - Ảnh: Trần Thị Duyên |
Cụ thể, theo đề án, lực lượng kiểm ngư sẽ bảo đảm tính răn đe của pháp luật thông qua công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thay mặt Nhà nước VN kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm của tàu cá nước ngoài trong vùng biển VN hoặc các vùng biển theo điều ước quốc tế về nghề cá mà VN là thành viên. Đây cũng sẽ là một trong những lực lượng tại chỗ quan trọng tham gia công tác phòng chống lụt bão và phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên các vùng biển.
Đề án nêu rõ, lực lượng kiểm ngư được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc thống nhất từ trung ương xuống địa phương về chuyên môn nghiệp vụ. Cơ quan kiểm ngư được tổ chức ở trung ương và các địa phương ven biển. Dự kiến sẽ có 5 kiểm ngư vùng trực thuộc trung ương, gồm: vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Hoàng Sa, Nam Trung Bộ và Trường Sa, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Tình trạng tàu thuyền nước ngoài xâm phạm đánh bắt trộm thủy sản diễn ra thường xuyên. Mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu thuyền nước ngoài, trong đó chủ yếu là tàu thuyền của Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước ta để đánh bắt trộm thủy sản. Thời gian qua, chúng ta chỉ chủ yếu phát hiện và xua đuổi, các trường hợp tàu cá nước ngoài bị ta bắt giữ thường chỉ bị lập biên bản, cảnh cáo và được ta phóng thích ngay trên biển - Trích đề án “Xây dựng lực lượng Kiểm ngư VN” |
Kiểm ngư vùng là lực lượng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá trên các vùng biển khơi, nơi bắt buộc phải có sự hiện diện của lực lượng kiểm tra, kiểm soát của trung ương. Ngoài việc quản lý hỗ trợ, giúp đỡ các tàu cá VN hoạt động nghề cá còn là lực lượng kiểm tra, kiểm soát dân sự của VN, có đầy đủ các thẩm quyền để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm của tàu cá nước ngoài trong vùng biển VN... Kiểm ngư địa phương hay còn gọi là kiểm ngư tỉnh, thuộc Sở NN-PTNT, có các trạm kiểm ngư và các đội tàu kiểm ngư tại các địa bàn trọng điểm, đảm trách việc tuần tra, kiểm soát vùng ven bờ và vùng khơi.
Ông Tám cho biết lực lượng kiểm ngư sẽ được trang bị tàu và được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhiệm vụ và phù hợp với tình hình mới. Về nhiệm vụ xây dựng các đội tàu kiểm ngư, đề án nêu rõ, dự kiến mỗi cơ quan kiểm ngư vùng sẽ có 2 tàu kiểm ngư công suất từ 3.000 CV trở lên, được trang bị hiện đại, có thể hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 8 - cấp 9 và hoạt động dài ngày trên biển. Trong khi đó, tàu kiểm ngư trang bị cho lực lượng kiểm ngư địa phương trong những năm tới sẽ gồm 3 loại chính. Loại 1, là các tàu có công suất máy chính từ 1.000 CV trở lên, kết cấu vỏ thép, có khả năng hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 7 - cấp 8; được trang bị đầy đủ các trang thiết bị vô tuyến MF/HF, định vị vệ tinh (GPS) và liên lạc qua vệ tinh IMMARSAT; các thiết bị kiểm tra chuyên dụng, quay phim, chụp ảnh bằng tia hồng ngoại... Loại 2, là các tàu công suất máy chính từ 600 CV trở lên, kết cấu vỏ thép, có khả năng hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 5 - cấp 6. Loại 3, là các tàu có công suất máy chính từ 100 CV trở lên, kết cấu vỏ thép, có khả năng hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 4 - cấp 5. Các tàu kiểm ngư địa phương loại 2 và 3 cũng được trang bị nhiều thiết bị hiện đại khác để hỗ trợ hoạt động.
Sẽ có tổng cộng 49 tàu kiểm ngư loại 1 và loại 2. Còn lại, tùy điều kiện thực tế mà các địa phương xây dựng đội tàu kiểm ngư loại 3 phù hợp. Tổng nguồn vốn đầu tư của đề án lên đến 2.079 tỉ đồng. Đề án nếu được phê duyệt sẽ được triển khai trong khoảng thời gian từ nay đến hết năm 2020.
Trong đề án, Bộ NN-PTNT nói rõ, hiện có 2 tàu kiểm ngư hoạt động tại vùng biển vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, 2 tàu này lại không thuộc tổ chức thanh tra (thuộc Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản) nên không có thẩm quyền xử lý các vi phạm mà chỉ hoạt động phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Cảnh sát biển, Hải quân. Tại các tỉnh ven biển hiện có 90 phương tiện tàu, xuồng, ca-nô phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá trên biển. Hầu hết các tàu này không được thiết kế để làm công tác kiểm tra, kiểm soát mà chủ yếu được cải hoán từ tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nên không đáp ứng được yêu cầu tính năng kỹ thuật của một tàu thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát lâu dài trên biển như: tốc độ của tàu không đảm bảo để thực thi nhiệm vụ, trang thiết bị thiếu đồng bộ và lạc hậu, phạm vi hoạt động chỉ giới hạn chủ yếu ở tuyến gần bờ, rất ít tàu có thể hoạt động ở tuyến lộng. Tổng công suất của đội tàu kiểm ngư khoảng 21.000 CV, trong đó chỉ có 5 tàu có công suất trên 600 CV, 8 tàu có công suất từ 500 - 600 CV. |
Quang Duẩn
Bình luận (0)