Ông Lê Ngọc Minh - Cục phó Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia, từng cho biết nội dung bộ phim không có sai phạm về chính trị, không hạ thấp vị trí lịch sử của Việt Nam. Cũng theo ông, nhà sản xuất đã kiên trì, nghiêm túc trong việc chỉnh sửa theo đúng yêu cầu của hội đồng duyệt. Ở bản duyệt cuối, nhà sản xuất đã cắt bớt các cảnh quay mang dấu ấn nước ngoài, sửa những từ ngữ chưa đúng với lịch sử, các câu chữ quá hiện đại trong phim... Ông cho rằng phim đã được khắc phục cơ bản, tuy nhiên vì phim được quay ở nước ngoài nên việc sửa tất cả các cảnh là không thể.
|
Sau khi xem bản sửa lần thứ ba của Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, nhà sử học Lê Văn Lan (thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia) không đồng ý việc duyệt và công chiếu bộ phim. “Mặc dù nhà sản xuất đã chỉnh sửa, nhưng từ nội dung cho tới trang phục, đạo cụ, ngôn ngữ trong phim vẫn không mang tinh thần lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam” - ông bày tỏ. Ông đưa ví dụ cụ thể về việc thể hiện cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất (980 - 981) của dân tộc ta: “Đây là cuộc kháng chiến mà chúng ta đã giành thắng lợi vẻ vang, là niềm tự hào của dân tộc, vậy mà trong phim, nó đã bị biến thành một trận đánh rất tầm thường, chả có giá trị gì”. Theo ông, đến lần sửa cuối, nhà làm phim vẫn kéo toàn bộ cuộc kháng chiến oanh liệt vào trận đánh ở núi Chu Tước không có thật. Ngược lại, các cuộc đấu đá nội bộ trong triều chính lại được tô đậm với những hình ảnh rất rùng rợn, đặc biệt có cảnh nhân vật Hạng Lang sau khi đánh nhau với anh ruột là Lê Long Đĩnh đã chết vì những mũi chông cắm xuyên từ gáy sang mặt.
Mặc dù nhà sản xuất đã chỉnh sửa, nhưng từ nội dung cho tới trang phục, đạo cụ, ngôn ngữ trong phim vẫn không mang tinh thần lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam |
||
Nhà sử học Lê Văn Lan |
||
Theo ông Lê Văn Lan, sử sách đã ghi Lý Công Uẩn lên ngôi ở Hoa Lư, nhưng trong phim, vua Lý lại lên ngôi ở một ngôi chùa mang hoàn toàn phong cách Trung Quốc. Nhiều chi tiết như đầu tóc, trang phục đều được vị giáo sư này cho là không phải của Việt Nam. Ông cho rằng vào thời Lý, tóc vua được búi tó củ hành. Nhưng trong phim, vua Lý Công Uẩn lại vấn tóc cao như kiểu của người Hán. Trang phục vua quan, thần dân..., nhà cửa, chùa chiền, cung điện, theo ông đều không mang dấu ấn văn hóa Việt Nam.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, người đã từng xem bản phim đầu tiên của Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, nói: “Tôi chưa xem bản sửa cuối cùng, nhưng theo tôi, để sửa lại bộ phim từ bối cảnh, trang phục... đúng với văn hóa Việt Nam là điều rất khó”.
Mặc dù là người đã từng tham gia chỉnh sửa kịch bản ban đầu, nhưng sau khi xem bộ phim, ông Lê Văn Lan đã phản đối cách làm của bộ phim ngay từ lần duyệt phim đầu tiên. Dù nhà sản xuất đã chỉnh sửa tới lần thứ ba, nhưng ông vẫn không tán thành việc duyệt và phát sóng bộ phim trên truyền hình.
Nhà sản xuất phim nói gì? Về lần chỉnh sửa gần đây nhất của bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, Giám đốc sản xuất phim - ông Trịnh Văn Sơn cho biết: “Trên tinh thần hướng tới một bộ phim đạt chất lượng tốt và phù hợp với Luật Điện ảnh, là nhà sản xuất, chúng tôi hoàn toàn tôn trọng và chỉnh sửa theo những yêu cầu của Cục Điện ảnh và Hội đồng duyệt phim quốc gia. Theo đó, hội đồng “đề nghị chỉnh sửa một số chi tiết bối cảnh về đại cảnh lớn và một số chi tiết lời thoại của nhân vật mà hội đồng đánh giá là không phù hợp”... và các chỉnh sửa này đã được Hội đồng duyệt phim quốc gia ghi nhận, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã đồng ý cho phép phổ biến bộ phim. Đương nhiên, trong quá trình hoàn thiện, chúng tôi phải chỉnh sửa sao cho đảm bảo chủ đề tư tưởng và nội dung bộ phim vẫn giữ được nguyên như kịch bản xây dựng ban đầu. Trong lần thẩm định cuối cùng, đa số các thành viên của hội đồng đã đồng ý cho phép phổ biến bộ phim”. Nguyên Vân (ghi) |
Minh Ngọc
Bình luận (0)