Dễ mù lòa vì thiếu vitamin A

08/06/2011 10:44 GMT+7

Những ngày đầu tháng 6, hàng ngàn trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi được gia đình đưa đến các trạm y tế phường, xã để uống viên dầu cá vitamin A.

Điều đáng lưu ý là khi được hỏi thì có hơn 50% số các bà mẹ đều nói chỉ biết đưa con đến theo thông báo của địa phương chứ không biết gì về lợi ích của  vitamin A, một số khác thì chỉ biết đại khái là “uống cho bé khỏe”.

Các bà mẹ cần biết thêm rằng vitamin A là một trong những sinh tố quan trọng bậc nhất đối với cơ thể vì nó tham gia vào nhiều chức năng cả trong xây dựng, phát triển và bảo vệ cơ thể. Vitamin A cũng cần thiết cho việc phát triển xương, sinh sản, sự phân chia tế bào, sao chép gien, điều chỉnh hoạt động của hệ miễn dịch bằng cách tạo bạch cầu chống lại vi trùng và virus gây bệnh. Chức năng đặc trưng nhất của vitamin A là tác dụng trên quá trình nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu, nên thiếu vitamin A thì sẽ gây ra tình trạng “quáng gà”. Vitamin A còn giúp cho sự toàn vẹn của da, mắt, niêm mạc hô hấp, tiết niệu, tiêu hóa.

Cơ thể thiếu vitamin A sẽ dễ dẫn đến sừng hóa biểu mô giác mạc, có thể gây loét và mù lòa (gọi là bệnh khô mắt), dễ viêm da, viêm hô hấp, tiêu chảy... Các nghiên cứu gần đây còn cho thấy vitamin A còn làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, giảm nguy cơ ung thư và các bệnh về tim mạch, đục thủy tinh thể…

Vì sao trẻ em thường bị thiếu vitamin A? Là vì cơ thể của trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt dưới 36 tháng tuổi, tăng trưởng rất nhanh và lại hay bị bệnh nhiễm trùng nên nhu cầu vitamin A rất cao. Nếu chế độ ăn không đáp ứng đủ thì sẽ đưa đến tình trạng cơ thể thiếu hụt vitamin A khiến trẻ chậm lớn, thường xuyên mắc bệnh hô hấp và tiêu chảy, nếu thiếu ở mức độ nặng thì có thể sẽ khô mắt dẫn đến mù vĩnh viễn. Trẻ không được bú sữa mẹ hoặc sữa mẹ thiếu vitamin A; chế độ ăn bị thiếu thịt, cá, gan, trứng, sữa, chất béo, rau xanh... thì cũng sẽ không có đủ vitamin A.

Ngay tại phòng sinh, người mẹ thường được các bác sĩ cho uống một liều vitamin A rất cao để cung cấp đủ vitamin A cho trẻ qua sữa mẹ. Vì vậy, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, bú sớm trong vòng 30 phút đầu sau sinh, ăn giặm vào tháng thứ 6 bằng cách tập làm quen dần các thức ăn thịt, cá, rau, củ… đa dạng cho đủ chất. Dầu mỡ trong bữa ăn ngoài việc cung cấp năng lượng còn giúp hấp thu vitamin A trong thực phẩm.

Vitamin A được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc động vật như gan, thịt, cá, trứng, sữa nguyên kem. Tiền vitamin A (beta caroten) vào cơ thể sẽ được chuyển thành vitamin A, có nhiều trong rau lá xanh đậm và củ quả màu vàng cam (như các loại rau: ngót, muống, dền, mồng tơi, đay, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ, gấc…).

Bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ độ tuổi nguy cơ (6 đến 36 tháng tuổi) là một cách hiệu quả để phòng chống mù mắt do thiếu vitamin A, giảm bệnh tật và tử vong cho cộng đồng. Mỗi liều uống sẽ giúp trẻ có đủ vitamin A sử dụng dần dần trong 4-6 tháng, cho nên mỗi năm có đến 2 chiến dịch vào đầu tháng 6 và tháng 12.

Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ, trẻ 3 đến 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, sau mắc bệnh sởi, viêm hô hấp, tiêu chảy kéo dài... cũng nên đến cơ sở y tế phường, xã để uống bổ sung vitamin A ngoài những đợt chiến dịch.

Vitamin A rất quan trọng với cơ thể như thế nhưng lưu ý là liều vitamin A bổ sung rất cao. Vì thế, không được tự ý dùng hay uống thêm sẽ gây ngộ độc (buồn nôn, đau đầu, khó chịu) và có thể gây quái thai ở phụ nữ mang thai. Việc sử dụng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.