Áp lực lớn cho ngành chăn nuôi
Mặc dù đã có thời gian để “gia cố” nhưng từ khi gia nhập WTO đến nay, ngành chăn nuôi vẫn chưa làm được gì nhiều. Đó là lý do nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không thận trọng, chúng ta có thể thua ngay trên sân nhà khi thuế nhập khẩu được cắt giảm.
Từ 1.1.2012, sản phẩm thịt nhập khẩu sẽ tăng mạnh - Ảnh: D.Đ.M |
“Cú sốc 2008” có lặp lại?
Đầu năm 2008, trước thiệt hại nặng nề của ngành chăn nuôi do dịch bệnh và rét, Nhà nước đã quyết định cắt giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, thịt gà từ 30% xuống còn 20% và 12% nhằm bù đắp sự thiếu hụt của nguồn cung thực phẩm trong nước. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, thịt ngoại đã tràn ngập thị trường và gây tổn thất nặng nề cho người chăn nuôi. Khi đó, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, ông Phạm Đức Bình, tại một cuộc họp do Bộ NN-PTNT chủ trì đã phải cay đắng thốt lên: “Thịt nhập đang góp phần giết chết ngành chăn nuôi nước nhà”. Trước diễn biến này, thuế suất các loại thịt nêu trên đã phải lập tức điều chỉnh tăng trở lại đồng thời nhiều biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi, từng bước vực dậy ngành chăn nuôi được triển khai.
Bài học năm 2008 đang khiến nỗi lo thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm chăn nuôi (SPCN) được cắt giảm từ đầu năm 2012 tăng cao. Cụ thể, thịt trâu, bò giảm từ 20% xuống còn 14%, thịt lợn đông lạnh từ 30% xuống còn 15%, thịt chế biến từ 40% còn 22%... Ông Nguyễn Đăng Vang - nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, mức thuế trên không phải là giảm sâu nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, PGS-TS Nguyễn Văn Nam lưu ý, nếu không khẩn trương với các biện pháp thúc đẩy chăn nuôi, nâng cao sức cạnh tranh của SPCN, nguy cơ chúng ta thua trên sân nhà là hiện hữu.
Khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô lớn Ông Nguyễn Xuân Dương - Cục phó Cục Chăn nuôi, cho rằng cần xây dựng một nền chăn nuôi quy mô lớn với hiệu quả cao. Cần có thêm những chính sách đủ mạnh để khuyến khích chăn nuôi tập trung như quy hoạch và thực hiện tốt quy hoạch vùng chăn nuôi, hỗ trợ vốn, đặc biệt đề nghị xem trang trại chăn nuôi là DN để các trang trại được hưởng những chính sách ưu đãi như đối với DN. Q.D |
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, nhận định: “Nếu không kiểm soát tốt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, hạ giá thành SPCN, chúng ta sẽ bị hở sườn và thua trên sân nhà”. Ông Dương thừa nhận, nền chăn nuôi nước ta cơ bản vẫn còn là chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi theo hộ gia đình còn chiếm tỷ trọng cao, chăn nuôi trang trại và công nghiệp thiếu quy hoạch, chưa phát triển bài bản và bền vững. Theo số liệu do Cục Chăn nuôi công bố, năm 2010 cả nước có tới 8,5 triệu hộ gia đình hoạt động chăn nuôi nhưng chỉ có 70% trong số này là có chuồng chăn nuôi, còn lại là thả rông. Hiện cả nước có trên 20.809 trang trại, SPCN công nghiệp, trong đó lợn chiếm 45 - 50%, gia cầm chỉ từ 30 - 35%, thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi mới đạt 53,8%.
Sức cạnh tranh kém
“Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún tiềm ẩn nhiều rủi ro và không đủ sức đọ với thịt ngoại”, TS Nam nhấn mạnh. Điều đáng lo - theo TS Nam, chính là bị dịch bệnh tấn công, gây thiệt hại lớn và cản trở người nông dân tái đàn, mở rộng sản xuất. Liên tiếp trong nhiều năm qua, dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh, dịch lở mồm long móng xảy ra liên miên hoặc bùng phát trên diện rộng, mỗi “mùa dịch” có tới hàng trăm ngàn con gia súc, gia cầm bị chết, tiêu hủy. Thêm vào đó, ngành chăn nuôi còn hứng chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai.
Trong khi đó, theo ông Dương, trình độ chăn nuôi của người dân còn lạc hậu nên năng suất không cao, giá thành cao. Ông Dương nói: “Tôi cho rằng ngành chăn nuôi ở nước ta đang đứng ở mức trung bình về chất lượng, giá thành lại ở mức khá cao so với khu vực”. Các chuyên gia kinh tế cho biết, giá thành chăn nuôi tại VN hiện nay quá cao, hơn 20% so với các nước trong khu vực, trong khi các nước này cũng có giá thành cao hơn 20% so với các nước có nền chăn nuôi phát triển. Nguyên nhân là do chi phí vận chuyển tăng, lãi suất ngân hàng cao, năng suất chăn nuôi của người nông dân thấp, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi quá cao.
Việc giảm thuế các SPCN theo cam kết WTO là bất khả kháng, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất tập trung, công nghiệp, nâng cao công nghệ chăn nuôi - theo TS Nam, điều chúng ta có quyền làm và nên làm là thiết lập các hàng rào kỹ thuật. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo khảo sát, chưa có nhiều bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm đủ mạnh để ngăn chặn phụ phẩm, SPCN kém chất lượng tràn vào nước ta.
Nông sản chưa tận dụng được cơ hội từ WTO Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, sau hơn 4 năm gia nhập WTO, sản xuất nông nghiệp của VN tăng trưởng chỉ từ 5-6%/năm, trong đó năm 2009 chỉ tăng 3,5%. Mặc dù vẫn có những dấu hiệu tích cực từ việc giá trị xuất khẩu nông sản của VN tăng mạnh trong 4 năm qua, đặc biệt ở các SP có lợi thế cạnh tranh như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, tiêu, rau quả, thủy sản... nhưng năng lực sản xuất và cạnh tranh của nhiều SP lại bị lấn át, chẳng hạn như các SPCN. Hiện các SP xuất khẩu chủ lực đều đã đến ngưỡng, không thể tăng thêm diện tích, năng suất thì chỉ tăng một cách chừng mực. Nhiều mặt hàng phải đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu như thủy sản, hạt điều, chế biến gỗ... Hiện mỗi năm VN phải nhập gần như 100% khô dầu đậu tương (khoảng 2-2,5 triệu tấn/năm), 1 triệu tấn bắp, 2,5-3 triệu tấn cám gạo... để chế biến thức ăn chăn nuôi. Với mức thuế nhập khẩu ngày càng giảm theo cam kết WTO, khả năng phát triển nguồn nguyên liệu thay thế trong nước lại càng xa vời. Quang Thuần |
Quang Duẩn
Bình luận (0)