Loạn tin đồn thất thiệt về ngân hàng

08/06/2011 23:18 GMT+7

Chủ tịch công ty chứng khoán bị thôi chức; tổng giám đốc ngân hàng (NH) bỏ trốn, thậm chí tự tử... những tin đồn thất thiệt trong lĩnh vực tài chính - NH ngày càng xuất hiện nhiều hơn, gây hoang mang cho người dân.

Tin... "vịt"

Vào cuối tháng 5, một số báo mạng đưa thông tin về tin đồn Tổng giám đốc NH TMCP Phương Nam (SouthernBank) ông Phan Huy Khang bỏ trốn. Đang có việc ở miền Bắc, ông Khang phải bay gấp về TP.HCM để bác tin đồn này. Ông Trầm Bê - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) SouthernBank cho biết trước đó tin đồn này nhắm vào ông. Thấy có vẻ không ăn thua, tin đồn chuyển qua vị chủ tịch HĐQT rồi sau đó lan sang tổng giám đốc. Ông Bê nói: “Không biết tin đồn ác ý này xuất phát từ đâu nhưng các hoạt động kinh doanh của NH vẫn diễn ra một cách bình thường”. Chỉ vài ngày sau đó, tin đồn ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Sacombank (SBS) và Tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) Trần Xuân Huy sắp rời khỏi vị trí lãnh đạo và Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Sài Gòn Thương tín (Sacomreal) ông Đặng Hồng Anh bỏ trốn lại được tung ra. Trưa 8.6, liên lạc qua điện thoại với ông Đặng Hồng Anh, ông cho biết hiện đang thi đấu "giải golf vô địch Việt Nam" tại Đà Nẵng. Chiều cùng ngày, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Sacombank, ông Thành cho biết: “Những tháng đầu năm nay, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành tài chính nói riêng đứng trước khá nhiều thách thức. Do vậy, những tin đồn thiếu căn cứ trong thời gian gần đây đối với lãnh đạo các đơn vị, đặc biệt trong ngành ngân hàng là điều đáng quan ngại và thiếu tinh thần xây dựng. Đối với riêng Tập đoàn Sacombank, chúng tôi luôn theo sát tình hình hoạt động của các thành viên. Về chứng khoán, khó khăn của các công ty chứng khoán hiện nay là tình hình chung chứ không riêng gì SBS. Chúng tôi chủ trương ổn định nhân sự, linh hoạt trong kinh doanh để đảm bảo các chỉ tiêu tài chính phù hợp với thực tế và kế hoạch đã xây dựng. Với các biện pháp Chính phủ hiện đang triển khai, tôi tin là từ đây đến cuối năm tình hình thị trường tài chính sẽ được cải thiện hơn, lãi suất sẽ giảm.

 

 Lượng khách hàng giao dịch tại các NH diễn ra bình thường - Ảnh: D.Đ.Minh

Các tin đồn xuất hiện trong hầu hết các lĩnh vực nhưng hoạt động NH bị dính nhiều nhất. Do đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan tiền gửi người dân nên việc tin đồn xuất hiện ngày càng nhiều gây lo lắng, hoang mang cho chính các NH và người dân. Còn nhớ năm 2003, tin đồn thất thiệt Tổng giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB) bỏ trốn khiến hàng loạt khách hàng kéo đến rút tiền gửi. Sự có mặt và tuyên bố bác bỏ tin đồn thất thiệt của lãnh đạo NH Nhà nước (NN) lúc đó đã trấn an được dư luận cũng như lấy lại lòng tin của người gửi tiền.

Ngân hàng Nhà nước cần lên tiếng

Dễ nhận thấy, tin đồn thường xuất hiện khi nền kinh tế gặp khó khăn. TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp (ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho biết gần đây nhiều tin đồn bất động sản, chứng khoán sụp đổ… gây hoảng mang cho xã hội nhưng chưa thấy cơ quan chức năng nào đứng ra bác bỏ những thông tin này như trường hợp NH Phương Nam đã làm vừa qua. Ông Dương phân tích, khi khủng hoảng xuất hiện sẽ kèm theo các tin đồn. Tình hình kinh doanh diễn ra khó khăn, người ta sẽ kèn cựa nhau nhiều hơn. Những người tạo ra tin đồn nhằm mục đích “đục nước béo cò”. Có nhiều động cơ để tin đồn xuất hiện nhưng tin đồn thường có nguồn gốc từ đối thủ cạnh tranh mà ra. Trên thế giới có nhiều tin đồn ác ý không chỉ đối với các DN mà cả các nguyên thủ quốc gia cũng gặp phải. Theo ông Dương, có 4 nguyên tắc khi xử lý tin đồn đó là DN phải quyết đoán và hành động ngay. Khi hành xử thì quan tâm đến yếu tố con người là chính. Ngoài ra người lãnh đạo cần phải xuất hiện khi các tin đồn bắt đầu nổi lên. Biện pháp hữu hiệu nhất đó là người lãnh đạo gia tăng giao tiếp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hiệp hội… Có như vậy tin đồn mới nhanh chóng giảm nhanh. Theo ông Lê Thẩm Dương, những NH bị tin đồn thường phải báo lên cơ quan quản lý là NHNN. Cơ quan này sẽ đứng ra thông tin về tình hình NH hoặc các thông tin liên quan để người dân nắm rõ. Đối với người dân, cần thích nghi với cơ chế thị trường và sống với mặt trái của nó đó là tin đồn. Người dân cũng phải tập thói quen tin vào các thông tin chính thống, đừng theo tâm lý đám đông, nếu không phần thiệt hại vẫn thuộc về người dân.

Truy xét các đối tượng tung hoang tin về ngân hàng

Trao đổi với Thanh Niên vào chiều qua, 8.6, đại tá Tào Văn Minh, Phó cục trưởng Cục An ninh - Tiền tệ, Bộ Công an cho biết, trong thời gian gần đây xuất hiện nhiều loại tin đồn về các lãnh đạo NH bỏ trốn ra nước ngoài đã khiến nhiều người dân hoang mang và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của NH. Qua công tác điều tra, nắm tình hình cho thấy, đây là một dạng thông tin hoang báo mà  kẻ tung tin đang nhằm mục đích không lành mạnh.

Cũng theo đại tá Minh, hiện Cục đang tập trung truy xét những đối tượng đã tung các thông tin hoang báo. Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng khác làm rõ trách nhiệm một số trang tin điện tử đã đưa các thông tin thất thiệt nói trên.

“Hoạt động trong lĩnh vực NH rất nhạy cảm, chỉ cần một thông tin không chính xác cũng có thể gây ra phản ứng dây chuyền và hậu quả rất lớn. Do vậy, chúng tôi cho rằng các phương tiện thông tin đại chúng khi đưa thông tin về hoạt động NH cụ thể thì cần phải có sự kiểm chứng của cơ quan quản lý hoặc người có trách nhiệm tại NH đó, tránh những hậu quả đáng tiếc”, đại tá Minh khuyến cáo.

Thái Sơn

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.