Đối mặt với làn sóng hàng ngoại nhập: Thép - giấy đều khó

10/06/2011 00:14 GMT+7

Sức cạnh tranh kém của hàng hóa trong nước, cộng thêm tình trạng “bỏ của chạy lấy người” của nhiều liên doanh sau khi hàng rào thuế nhập khẩu giảm dần khiến VN có nguy cơ thành sân sau cho hàng hóa các nước.

 

Nhiều doanh nghiệp vẫn sản xuất thép với quy mô nhỏ lẻ - ảnh: D.Đ.M

Nỗi lo từ thép Trung Quốc

Hiện cả nước có khoảng 31 doanh nghiệp tham gia cán thép với công suất khoảng 9 triệu tấn thép xây dựng/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường chỉ khoảng 6 triệu tấn/năm. Nhiều doanh nghiệp đã phải cạnh tranh khá quyết liệt để tìm chỗ đứng cho mình trên thị trường nội địa. Do đó, dù thời hạn để nhiều sản phẩm thép nhập khẩu vào VN còn 0% chậm hơn các sản phẩm khác, đến 2014 mới thực hiện, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp thép trong nước khá lo lắng.

Trên thực tế, con đường cạnh tranh của doanh nghiệp thép đã bắt đầu từ năm 2009 khi thuế nhập khẩu cho sản phẩm này từ khu vực ASEAN vào Việt Nam chỉ còn 0% theo cam kết AFTA (khu vực mậu dịch tự do ASEAN). Tuy nhiên lượng thép từ ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam vẫn chưa nhiều do người tiêu dùng trong nước vẫn chưa quen với những thương hiệu lạ. Thế nhưng, với mức thuế nhập khẩu theo lộ trình WTO còn 0% thì nỗi ám ảnh thực sự của ngành thép trong nước lại đến từ người láng giềng Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), sức cạnh tranh của thép trong nước còn yếu, tiêu hao lớn dẫn tới giá thành cao. Thép ngoại thường có giá thấp hơn từ 500.000 - 700.000 đồng/tấn, chưa kể có thời điểm thấp hơn tới 1 triệu đồng/tấn, nên không ít lần thị trường thép trong nước đã phải chịu sóng gió. Nếu được hưởng thuế suất 0%, thép Trung Quốc, ASEAN sẽ dễ dàng lấn lướt thép trong nước.

Lâu nay, mỗi khi chịu sức ép từ thép nhập, VSA lại thay mặt các DN trong nước kêu với chính phủ áp dụng các biện pháp bảo vệ bằng thuế. Nhưng sự ỷ lại này sẽ khó kéo dài do thời hạn cuối cùng của các cam kết tới gần. Khi ấy, các DN trong nước chỉ có hai lựa chọn: cạnh tranh để tồn tại hoặc tự đào thải.

Thách thức thị trường giấy

Ngành giấy hiện có khoảng 500 DN nhưng đều với quy mô nhỏ và vừa, công nghệ lạc hậu. Năm 2010, sản lượng giấy cả nước đạt 1,85 triệu tấn, tuy nhiên lượng tiêu thụ thực tế chỉ khoảng 1,2 triệu tấn, xấp xỉ bằng lượng giấy nhập khẩu cả năm (1 triệu tấn). Phụ thuộc tới 50% nguyên liệu nhập khẩu, giá giấy trong nước cao hơn giấy nhập khẩu là bất lợi lớn của các DN trong cạnh tranh. Đầu năm 2011, giá giấy trong nước điều chỉnh tăng. Đơn cử giá giấy viết khoảng 23,1 triệu đồng/tấn (tăng 2,2 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2010), trong khi giấy viết nhập khẩu từ Malaysia chỉ khoảng 22 triệu đồng/tấn.

Theo ông Cao Tiến Vị - Tổng giám đốc Công ty giấy Sài Gòn - việc thuế NK các loại giấy theo lộ trình WTO từ năm 2012 giảm còn 20% sẽ không tác động nhiều đến thị trường trong nước. Đối với một số chủng loại như giấy công nghiệp hoặc giấy tiêu dùng sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nên việc nhập khẩu giấy là chuyện dễ hiểu. Nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước với công nghệ lạc hậu nên chất lượng không cao và giá thành cũng khó cạnh tranh. “Có một nghịch lý thường thấy là giấy sản xuất trong nước lại cao hơn giá giấy NK khoảng 10%. Hoặc nếu mức giá tương đương thì giấy NK luôn có chất lượng cao hơn. Bản thân doanh nghiệp sản xuất giấy phải tập trung gia tăng đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, từ đó nâng cao được chất lượng đồng thời hạ chi phí để giảm giá thành sản phẩm. Có như vậy mới có thể cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập trong thời gian tới”, ông Cao Tiến Vị nói.    

Như vậy, việc gia tăng quy mô sản xuất để thực hiện được bài toán hạ giá thành là giải pháp mà doanh nghiệp Việt Nam trong ngành sản xuất thép và giấy phải nghĩ đến để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Nếu không, việc dồi dào nguồn cung giấy của nhiều nước có thể sẽ biến VN thành nơi tiêu thụ sản phẩm dư thừa với mức giá rẻ hơn nhiều.  

Mai Phương - Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.