Lao động Việt Nam bị hành hung ở Malaysia

10/06/2011 23:25 GMT+7

Tối 7.6 vừa qua, 200 lao động Bangladesh đã xông vào ký túc xá (KTX) đuổi đánh lao động VN đang làm việc tại Nhà máy dệt Recron (Malaysia) và đập phá đồ đạc.

Theo ông Nguyễn Tiến San, Tham tán, Trưởng ban Quản lý lao động VN tại Malaysia, Nhà máy dệt Recron đóng tại Taman Semarak, bang Kedah, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 60 km về phía nam, hiện có 1.700 lao động VN làm việc, trong đó 50% là lao động nữ.

 

 Công nhân Việt Nam tại Malaysia - Ảnh: T.H

Mâu thuẫn giữa lao động VN và Bangladesh đã xảy ra một vài năm nay, tuy nhiên chỉ xích mích ở một vài nhóm nhỏ. Các lao động VN kể lại, chủ Nhà máy dệt Recron là người gốc Ấn nên việc đối xử giữa lao động VN và lao động Bangladesh thiếu công bằng, gây bức xúc. Chưa đầy 10 ngày, từ ngày 29.5 đến ngày 6.6, đã xảy ra 3 cuộc ẩu đả giữa lao động hai nước khiến một vài lao động bị thương.

Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm khi một công nhân Bangladesh trêu chọc một nữ công nhân VN, dẫn tới vụ xô xát giữa lao động VN và một lao động Bangladesh vào ngày 6.6. Ngày 7.6, 200 lao động Bangladesh đã tấn công vào KTX lao động VN và đập phá đồ đạc. Hậu quả, 30 lao động bị thương, trong đó có 10 lao động VN. Ngay sau đó, hàng trăm cảnh sát và nhân viên, chính quyền địa phương đã tới giải tán, tránh đổ máu. Nếu không hậu quả khôn lường.

Hôm qua 10.6, ông Đào Công Hải, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho hay, đại diện doanh nghiệp đã bay sang Malaysia cùng Ban Quản lý lao động gặp gỡ người lao động VN để thông báo các biện pháp mà phía Malaysia đang triển khai để đảm bảo an toàn cho người lao động, khuyên người lao động bình tĩnh, không quá khích. Hiện Ban Quản lý lao động cũng phối hợp với Đại sứ quán Bangladesh tại Malaysia xử lý vụ việc và ngăn ngừa những vụ việc tương tự.

Đại diện Ban Quản lý lao động VN tại Malaysia cho hay, đã yêu cầu lực lượng cảnh sát tăng cường lực lượng bảo vệ trong KTX, điều tra tìm ra những nhân vật chủ mưu để xử lý theo pháp luật. Lao động VN chỉ đi làm việc khi nhà máy có các biện pháp an ninh đảm bảo an toàn cho lao động tại KTX và nơi làm việc. Phía Bangladesh cũng đã răn đe và cảnh cáo lao động, một số lao động sẽ bị đưa về nước trong thời gian tới.

Tháng 1.2003, cũng vì mối bất hòa giữa lao động VN và Bangladesh ở thành phố Penang, hàng trăm lao động hai nước đã lao vào hỗn chiến. Kết cục, 68 lao động VN bị trục xuất về nước. Cũng trong năm đó, một nhóm lao động VN ẩu đả với lao động Indonesia.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.