Nghịch lý kinh tế biển

10/06/2011 00:17 GMT+7

Là quốc gia biển nhưng kinh tế biển lại chiếm một tỷ trọng khiêm tốn trong GDP, đó là nghịch lý lớn nhất trong việc khai thác thế mạnh biển của Việt Nam lâu nay. Nhưng đến thời điểm này, trở thành "cường quốc biển" không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là sự khẳng định về chủ quyền của VN.

Còn nhớ lần đầu tiên đến Việt Nam, Giáo sư Micheal Porter, cha đẻ của chiến lược cạnh tranh, trong bài diễn thuyết của mình đã đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam không trở thành trung tâm hậu cần của thế giới khi có bờ biển kéo dài khắp nơi? Chọn lợi thế để xây dựng, phát triển và cạnh tranh là cách mà nhiều quốc gia trên thế giới đã làm.

Đơn cử như Thái Lan chọn du lịch; Đức chọn chế tạo máy; Nga chọn khai khoáng... Với VN, có thể khẳng định kinh tế biển là lợi thế số 1. Với tổng chiều dài bờ biển hơn 3.260 km, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ (chưa kể đến một số đảo). Bình quân cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển, cao gấp sáu lần chỉ số trung bình của thế giới. Đặc biệt, bờ biển mở ra cả ba hướng đông, nam và tây nam nên rất thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế  qua đại dương. Đây là lý do, trở thành cường quốc biển đã được nhắc đến rất nhiều lần trong những năm gần đây.

Muốn trở thành cường quốc biển, chúng ta phải có những doanh nghiệp biển lớn. Cụ thể, phải có những doanh nghiệp đóng tàu lớn, nổi tiếng để đóng những con tàu có trọng tải lớn, làm chủ được việc vận chuyển hàng hóa Việt Nam ra thế giới cũng như đưa hàng hóa từ các nước về Việt Nam. Chúng ta phải xây dựng được những cảng quốc tế để tiến tới mục tiêu trở thành cảng trung chuyển trong khu vực và thế giới. Phải tạo ra được các thương hiệu vận tải, logistic; du lịch... "made in Việt Nam" để khai thác tối đa tiềm năng biển. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, những lĩnh vực quan trọng nhất trong kinh tế biển chúng ta đều đi chậm, đi sau hoặc nhường sân cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Đơn cử như lĩnh vực xây dựng cảng biển. Sau nhiều năm nhức nhối vì không có cảng lớn cho tàu lớn thông thương thì hiện nay, hầu hết những dự án cảng có trọng tải lớn đều do các tập đoàn, công ty nước ngoài thực hiện và khai thác. Tương tự là ngành vận tải biển, hàng hóa của VN đã và đang bị các hãng tàu nước ngoài chèn ép bởi tàu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu vận chuyển... Đây cũng là thực trạng của các ngành dịch vụ biển khác đã và đang tồn tại. Thật nghịch lý khi thế giới nhìn vào Việt Nam với "lợi thế nhân công giá rẻ" thì lợi thế biển cực kỳ tiềm năng của Việt Nam lại đang được các doanh nghiệp nước ngoài khai thác tối đa tại sân nhà.

Một kế hoạch cụ thể, một tư duy đột phá, một chương trình hành động nhanh, một tầm nhìn dài hạn... là những điều phải thực hiện ngay để phát triển kinh tế biển, trở thành cường quốc biển như ước mơ lâu nay của hàng triệu người dân Việt Nam.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.