Tàu TQ tham gia vụ phá hoại (phía xa), ảnh chụp từ boong tàu Viking II - ảnh: PetroTimes |
Hành động nói trên của các tàu cá và tàu ngư chính TQ là hoàn toàn có chủ ý, có tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng, đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của VN, vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở biển Đông |
||
Người phát ngôn Nguyễn Phương Nga |
||
Đây là thông tin được bà Nguyễn Phương Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN, cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều qua.
Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết vào hồi 6 giờ sáng 9.6, trong khi tàu Viking II do Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thuê đang tiến hành thu nổ địa chấn 3D tại lô 136.03 (6 độ 47,5’ bắc, 109 độ 17,5’ đông) thuộc khu vực thềm lục địa của VN thì tàu TQ mang số hiệu 62226, được sự yểm trợ của 2 tàu ngư chính TQ mang số hiệu 311 và 303, chạy ngang qua mũi tàu Viking II, sau đó đổi hướng và gia tăng tốc độ. Mặc dù phía VN đã phát pháo hiệu cảnh cáo, nhưng tàu 62226 của TQ vẫn cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking II và bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu 62226 đã mắc vào tuyến cáp của tàu Viking II, làm cho tàu Viking II không thể hoạt động bình thường. Ngay sau đó, hai tàu ngư chính 311 và 303 cùng vài tàu cá khác của TQ đã vào giải cứu cho tàu 62226.
Bà Nguyễn Phương Nga khẳng định khu vực thu nổ địa chấn nói trên của tàu Viking II nằm trong thềm lục địa 200 hải lý của VN, hoàn toàn thuộc chủ quyền của VN theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982. “Hành động nói trên của các tàu cá và tàu ngư chính TQ là hoàn toàn có chủ ý, có tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng, đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của VN, vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đi ngược lại nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình ổn định tại biển Đông, gây thiệt hại nghiêm trọng kinh tế đối với Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam”, bà Nguyễn Phương Nga nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 9.6, ông Đỗ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc PVN, khẳng định: “Tập đoàn dầu khí quốc gia VN phản đối hành động cắt cáp tàu Viking II của các tàu TQ, khi Viking II đang tiến hành thăm dò tại khu vực thềm lục địa VN. Hành động của các tàu cá và tàu ngư chính TQ là có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng”. Mai Hà |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết VN phản đối mạnh mẽ việc làm trên của phía TQ, yêu cầu phía TQ, xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ Việt - Trung, chấm dứt ngay và không để tái diễn hành động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của VN trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, bồi thường thiệt hại đã gây ra cho PVN.
Chiều cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao VN đã gặp đại diện Đại sứ quán TQ tại Hà Nội để phản đối hành động này của phía TQ và nêu rõ lập trường của VN.
Chân tướng thủ phạm
Tàu ngư chính 331 xuất thân là tàu 503 của đội tàu hải quân Nam Hải (tức Biển Đông) nhưng tới cuối năm 2006 đã được phân về Cục Ngư chính khu Nam Hải với mục đích “sử dụng cho công vụ quốc gia”. Tàu nặng 4.600 tấn, dài 113,5m, rộng 15,5m, có thể đi tới 3.500 hải lý mới cần nạp nhiên liệu, tốc độ chạy cao nhất có thể lên tới 20 hải lý/giờ. Tàu 311 được trang bị rất tối tân với hệ thống điều khiển GMDSS, là con tàu thuộc dạng có tốc độ nhanh nhất, trọng tải lớn nhất trong hệ thống tàu ngư chính của TQ hiện nay. Trên nhiều diễn đàn trên mạng TQ hiện nay như bbs.tiexue.net, đề tài “Liệu tàu ngư chính 311 có dám nổ súng?” đang được đem ra bàn luận sôi nổi với nhiều nội dung trái chiều. Tàu ngư chính 303 có trọng tải 1.000 tấn, dài 67,28m, rộng 9,60m. Ngay từ ngày 6.11.2009, 2 con tàu này đã được lệnh kết hợp thành một tổ tuần tra, chuyên trách khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngư chính chỉ là 1 trong 7 lực lượng tàu chuyên dụng của TQ hiện nay hoạt động trên biển, bên cạnh hải giám, hải cảnh, hải sự, hải tuần... Chỉ riêng tàu ngư chính cũng lên tới trên 300 chiếc, trong đó có tàu ngư chính Lôi Châu từng xâm phạm chủ quyền VN. Tổng số tàu hải giám được ước tính cũng xấp xỉ ít nhất 40 chiếc. Ngoài đội tàu chuyên dụng, TQ hiện còn có nhiều lực lượng vũ trang biển. Hải quân TQ đang khẩn trương đóng tàu sân bay đầu tiên, cơ sở đặt tại phía đông vịnh Nha Long, tỉnh Hải Nam. Ngọc Bi
Nỗ lực giải quyết hòa bình vấn đề biển Đông Hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 8 đã diễn ra ngày 8.6 tại Indonesia, với sự tham dự của nhiều quan chức quốc phòng cấp cao từ 23 quốc gia thành viên ARF (vắng CHDCND Triều Tiên và Pakistan). Đoàn Việt Nam do trung tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu. Phát biểu tại hội nghị, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định lập trường của Việt Nam về biển Đông và sông Mekong, coi đây là những vấn đề hết sức hệ trọng, có thể gây hệ lụy lâu dài nếu không được giải quyết và ngày càng chứng tỏ những thách thức này không phải của riêng những nước trực tiếp có biển hay sông Mekong hoặc những nước có lợi ích trực tiếp gắn liền mà là của tất cả các nước trong khu vực. Vấn đề biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình đa phương, trên cơ sở tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS 1982), thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và cố gắng tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trong thời gian sớm nhất. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với các đề xuất thiết thực và mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia về việc cuối năm nay sẽ có bước tiến mới về COC và của Thủ tướng Campuchia mong muốn COC sẽ được ký kết năm 2012 tại Campuchia. Tuy nhiên, trong khi chưa tiến tới được COC hoặc chưa thực hiện một cách đầy đủ UNCLOS 1982, thì tất cả những tranh chấp, bất đồng trong vấn đề này phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tránh những hành động đơn phương, đặc biệt tuyệt đối không được sử dụng bạo lực, sử dụng các biện pháp mạnh để hành xử với nhau. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ Việt Nam cho rằng để giải quyết tốt những thách thức, trước hết tất cả các nước thành viên ARF, những nước có lợi ích ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần có trách nhiệm đầy đủ hơn, mạnh mẽ hơn đối với các thách thức về an ninh, các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết, thống nhất, đặc biệt là tránh chia rẽ, tránh xung đột, để ASEAN luôn trở thành trung tâm trong các cấu trúc an ninh khu vực. Theo đánh giá tại hội nghị, hợp tác khu vực về cơ bản vẫn đang trong xu thế phát triển ổn định, tuy nhiên đang xuất hiện một số vấn đề cần tích cực hợp tác giải quyết thông qua các cơ chế hợp tác đa phương hiện nay. Hội nghị khẳng định vấn đề an ninh biển và lưu thông hàng hải tại khu vực hiện nay cần được quan tâm và đặt lên hàng đầu, trong đó nhấn mạnh đến việc cần phải thực thi nghiêm chỉnh UNCLOS 1982, DOC và tiến tới xây dựng COC. Phát biểu tại hội nghị, Trưởng đoàn Trung Quốc, Trung tướng Phó tổng tham mưu trưởng Ngụy Phụng Hòa khẳng định Trung Quốc sẽ nghiêm chỉnh tuân thủ nguyên tắc hòa bình và phát triển đã cam kết với cộng đồng thế giới, cam kết tiếp tục đóng vai trò duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực, ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, ủng hộ UNCLOS 1982, song không nhất trí đưa các vấn đề song phương như tranh chấp lãnh thổ ra các diễn đàn đa phương. Trưởng đoàn Mỹ khẳng định nước này cam kết tiếp tục mở rộng hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế đảm bảo các nước có thể tự do tiếp cận đầy đủ biển, trên không và trên đất liền, nhằm đảm bảo tự do lưu thông thương mại, hàng hóa; phản đối dùng vũ lực trong giải quyết các vấn đề tranh chấp; kêu gọi các nước tuân thủ UNCLOS 1982, tự do hàng hải và các bên tuyên bố chủ quyền thực hiện nghiêm chỉnh DOC và tiến tới COC. TTXVN |
Nguyên Phong
Bình luận (0)