Những thiên thần của danh họa Picasso: Người đẹp màu hồng Fernande Olivier

12/06/2011 23:21 GMT+7

Năm nay thế giới kỷ niệm 130 năm ngày sinh của danh họa người Tây Ban Nha - Pablo Picasso (1881 - 2011). Trong di sản to lớn mà Picasso để lại cho hậu thế, đáng chú ý là hàng loạt bức chân dung phụ nữ, những người tình là nhân tố kích thích sự thăng hoa của ông lên đỉnh cao nghệ thuật.

Không có nghệ sĩ vĩ đại nào mà có nhiều mối tình và yêu mãnh liệt như Pablo Picasso. Có lần ông đã nói: “Quả là bất hạnh, nhưng cũng có thể là hạnh phúc khi tôi nhìn sự vật qua lăng kính của tình yêu”. Ông cần phụ nữ như người ta cần không khí để hít thở. Họ thắp sáng ngọn lửa tài năng nơi ông. Tuy vậy, sau đó họ lại giống như thanh củi khô, cháy tàn lụi đến tận gốc khi trở thành chính nạn nhân của Picasso…


Người phụ nữ nằm khỏa thân - Ảnh: Wikipedia                       Picasso

Tất cả những người tình, vợ của họa sĩ người Tây Ban Nha này đều trẻ và đẹp. Khi Picasso còn trai tráng - 19 tuổi, rồi 35 tuổi, 50, hay là cụ ông 74 tuổi thì người tình của ông vẫn luôn là những cô gái tuổi 17, 23… Điều đáng chú ý hơn, như số phận run rủi, mỗi một người đẹp của Picasso đều ghi dấu ấn trong các giai đoạn sáng tạo nghệ thuật của ông. Với người tình đầu tiên - Fernande Olivier, đó là người đẹp của “thời kỳ màu hồng”. Chuyện tình của Picasso và Olivier lãng mạn nhưng cũng đầy bi thương.

Jazz trên khung vải

Vào năm 1904, do quá đau buồn và sốc khi người bạn thân là Carlos Casagemas tự tử, để thay đổi không khí nặng nề, Picasso chuyển đến sinh sống tại khu phố nghèo Bateau Lavoir ở Paris. Nơi đây ông đã gặp và yêu người hàng xóm là Olivier. Khi đó Picasso 23 tuổi, còn Olivier mới 17 (có tài liệu nói Olivier lúc này 23 tuổi). Cô hàng xóm có thân hình đầy đặn, ngay lập tức hút hồn danh họa. Picasso mời Olivier làm người mẫu để vẽ tranh và chỉ một vài lần như thế, cô trở thành người tình của họa sĩ.

Hai người sống khá đạm bạc, nhưng Picasso hứng khởi trước sắc đẹp của Olivier nên vẽ rất nhiều chân dung về cô. Đặc biệt, danh họa bị cuốn hút trước thể hình của người tình nên đã thử nghiệm cả về phong cách lẫn hình thức trong sáng tác của mình. Vẽ Olivier, lúc thì ông phóng to đôi bàn tay của người mẫu, khi lại làm lớn đôi chân hay kéo dài thân thể của Olivier. Có lẽ chính vì sự cách tân này mà một số nhà phê bình mỹ thuật cho rằng danh họa vẽ tranh có phần “thô kệch”. Trong khi đó, nhiều người khác thừa nhận đó mới là sáng tạo nghệ thuật đích thực. Dường như Picasso muốn tìm tòi, khám phá những chuẩn mực trong nét đẹp của Olivier. Nhưng công bằng mà nói, dù là thể nghiệm hay sáng tạo nhưng khi vẽ chân dung Fernande Olivier, danh họa đã chạm tới ranh giới của cái đẹp và sự cân đối, hài hòa. Kết quả của giai đoạn này là vào năm 1905, Picasso vẽ bức họa Fernande mặc áo choàng đen, hay Người phụ nữ nằm khỏa thân… là hai trong nhiều chân dung của người tình mà Picasso thực hiện theo trường phái hiện thực.

Chính trong thời gian yêu Olivier, Picasso đoạn tuyệt với “giai đoạn xanh” (chuyên sử dụng gam màu xanh u tối, nặng nề) để hướng tới màu sắc hồng - vàng tươi sáng đầy sức sống mà các nhà phê bình mỹ thuật gọi là “giai đoạn màu hồng”. Một trong những sáng tác tiêu biểu của giai đoạn màu hồng là tuyệt phẩm Cô gái trên quả cầu mà sự ra đời của nó là nhờ mối tình giữa Picasso với Olivier.

Sau giai đoạn màu hồng, khi vẫn còn yêu Olivier, danh họa chuyển qua “giai đoạn châu Phi”, rồi thử nghiệm trường phái “lập thể”. Vào năm 1909, ông vẽ bức tranh Người đàn bà với những trái lê. Với tác phẩm này, Picasso đã thể nghiệm các nguyên tắc mà họa sĩ Paul Cezanne đề ra: “Bạn phải nhìn thấy trong thiên nhiên các khối trụ, khối cầu và khối chóp nhọn”. Dựng chân dung người phụ nữ nhưng các nét vẽ trên gương mặt lại là các đường nét của hình học căn bản. Đến nỗi người xem có cảm giác đó là sự phi lý. Không gian và sự vật đã được lồng ghép, đan chéo, thậm chí còn đè lên nhau giống như một sự lộn xộn. Song, chúng được bàn tay và khối óc của một nghệ sĩ tài ba sắp đặt có chủ ý một cách hoàn hảo.

Có thể thấy, yêu Olivier, Picasso đã tìm thấy niềm đam mê, sự hứng khởi trong hội họa. Thời kỳ này, các nhà phê bình mỹ thuật ví các bức tranh của ông như thể loại jazz trên khung vải. Nhưng tiếc thay, sau 9 năm chung sống, cô hàng xóm lúc đầu yêu “người Tây Ban Nha gàn dở có đôi mắt biết nói” và cao hơn Picasso một cái đầu lại muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai người. Khi đó, Olivier luôn nói đến chuyện kết hôn, sinh con và hai người sống dài lâu bên nhau. Nhưng danh họa lại chưa, hay nói chính xác hơn là, không sẵn sàng với những đòi hỏi như thế.

Và khi Olivier muốn hướng đến cuộc sống bền chặt thì tình cảm của Picasso với thiên thần này bắt đầu nguội lạnh. Trạng thái tình cảm đó được danh họa thể hiện trong hai tác phẩm về Olivier mang tên Tượng bán thân người đàn bà và Đầu người đàn bà. Trong hai tác phẩm này không còn thấy sự ngợi ca vẻ đẹp của người đàn bà đang yêu mà lại khắc họa những khiếm khuyết về ngoại hình của người phụ nữ. Cuối cùng thì Picasso cũng bị một vẻ đẹp khác thu hút. Vẻ đẹp đó mang tên Eva Gouel.

9 năm Picasso sống với Olivier để rồi đi đến một kết thúc không có hậu. Cuộc tình qua đi nhưng dấu ấn nghệ thuật còn lưu đọng trong hàng loạt bức chân dung người tình của danh họa. Hơn thế, còn nhiều tác phẩm khác mà trong đó hình tượng Olivier giống như một mô-típ để họa sĩ thỏa sức thể nghiệm sáng tạo cho ra đời nhiều tuyệt phẩm để lại cho hậu thế.

Hoàng Hoài Sơn
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.