Nỗi lo hàng ngoại nhập

12/06/2011 23:33 GMT+7

Loạt bài Đối mặt với làn sóng hàng ngoại nhập đăng trên Thanh Niên (từ 9.6 đến 12.6) đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Tạo hành lang pháp lý về kỹ thuật

Trước đây, chúng ta bảo hộ DN bằng thuế nhập khẩu. Đến nay, khi thuế suất nhập khẩu được dỡ bỏ, chúng ta nên bảo vệ nền kinh tế nước nhà bằng cách tạo ra hành lang pháp lý về kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm… Cần thắt chặt về chất lượng đối với những mặt hàng nhập khẩu. Một số nước trên thế giới đã áp dụng các loại rào cản về chất lượng đối với hàng Việt Nam thì tại sao ta không làm điều đó với họ. (nguyendungls@yahoo.com)

Chậm thích ứng

Trước khi gia nhập WTO, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo về những khó khăn mà các DN Việt Nam phải đối mặt. Tuy nhiên, chúng ta đã quá chủ quan, không đẩy mạnh đầu tư nâng cao về kỹ thuật, dẫn đến sản phẩm của ta chất lượng thấp nhưng giá thành lại cao nên không đủ sức cạnh tranh. Là người tiêu dùng Việt Nam, tôi cũng rất muốn ủng hộ hàng Việt Nam nhưng thật lòng mà nói sản phẩm của ta còn thua nhiều so với các mặt hàng nhập khẩu. Nếu hai sản phẩm cùng loại, giá tương đương thì hàng nhập khẩu đẹp và chất lượng hơn nhiều. Do vậy, việc làm cần thiết hơn cả trong giai đoạn này là các DN cần đầu tư nâng cao trình độ sản xuất, cải tiến máy móc thiết bị, nếu DN không đủ khả năng thì Nhà nước phải hỗ trợ. Có như vậy mới hy vọng tăng sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. (nguyenphong72@yahoo.com)

Mừng nhưng lo

Tôi cảm thấy mừng vì người dân chúng ta có cơ hội để hưởng những mặt hàng có chất lượng cao, giá rẻ. Nhưng bên cạnh đó, tôi thấy lo lắng vì cứ cái đà này thì sẽ có nhiều DN Việt Nam phá sản, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao. Việc gia nhập WTO là phù hợp với xu thế của thế giới. Bên cạnh những cơ hội phát triển thì cũng đặt ra nhiều thách thức. Điều này đã được nhận thức từ trước khi gia nhập, thế nhưng rất tiếc chúng ta vẫn chủ quan, quá quen với sự bảo hộ của Nhà nước. Đến nay, khi những khó khăn ập đến thì không trở tay kịp. Bây giờ, thay vì than thở, sao không đặt câu hỏi vì sao những nước khác họ có thể sản xuất được những mặt hàng có chất lượng nhưng giá thành lại rẻ hơn chúng ta. Nếu chúng ta biết chuẩn bị sớm, có lẽ sẽ không khó khăn như hôm nay. Nguyễn Thanh Toàn (Q.7, TP.HCM)

Hướng đến người tiêu dùng

Việc bảo hộ các DN trong nước là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, Nhà nước cũng nên quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nhiều khi có cơ hội để người tiêu dùng thụ hưởng sản phẩm giá rẻ, chất lượng nhưng Nhà nước không cho họ cơ hội, đó là thiếu công bằng. Thiết nghĩ, để đối phó với làn sóng hàng ngoại nhập, chúng ta nên có những kế sách để phát triển nền kinh tế trong nước, tạo ra các hành lang pháp lý để thắt chặt chất lượng hàng nhập khẩu. Không nên khống chế bằng thuế suất để tước đi cơ hội sử dụng hàng giá rẻ của người tiêu dùng Việt Nam. Thái Thành (Q.10, TP.HCM)

Ban CTBĐ (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.