Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã lấy các mẫu nước ở hai cống xả thải của KCN Hòa Cầm, các ao hồ cá chết. Dự kiến kết quả sẽ công bố sau 1 tuần để xác định thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước.
Trước đó, người dân bức xúc vì tình trạng cá chết dày đặc thường xuyên tái diễn sau mỗi trận mưa trong khoảng 3 năm trở lại đây. Mới đây nhất, sau trận mưa ngày 11.6, các ao, hồ có hiện tượng nổi bong bong cá và cá bắt đầu chết trắng trên mặt nước.
Cá chết hàng loạt tại P.Hòa Thọ Tây - Ảnh: Nguyễn Tú
|
Ông Trần Tuấn, Bí thư Chi bộ 3 Thôn 7A cho biết, mỗi lần trời mưa, nước thải ở các cống xả đổ ra nhiều hơn bình thường kèm theo mùi hôi nồng nặc hơn mọi khi.
Hộ gia đình ông Trần Mẫn (36 tuổi, trú tổ 7A P.Hòa Thọ Tây) có 1.400 m2 diện tích 2 hồ nuôi ếch, tuy nhiên 2 năm gần đây ếch thường chết hoặc bị mù mắt, hình thù quái dị. “Khi mưa lớn, nước từ cống thải tràn ra các ao hồ, bốc mùi hôi thối khiến cá, ếch đều không sống được” - ông Mẫn nói.
Theo ông Nguyễn Văn Lý - Chủ tịch Hội Nông dân P.Hòa Thọ Tây, chỉ khoảng 5 năm trước, nước trong kênh, mương đều trong veo nhưng nay chỉ toàn một màu đỏ quạch, nổi váng dầu và hôi khủng khiếp. Nhiều hộ dân đã bỏ nghề do không thể nuôi được vì ô nhiễm.
Ông Đinh Thanh - Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường Q.Cẩm Lệ đặt nghi vấn: “Năm ngoái ở KCN Hòa Cầm cũng đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Hiện nay KCN Hòa Cầm chưa có nhà máy xử lý nước thải nên vẫn giao cho các doanh nghiệp tự xử lý nước thải đạt loại B trước khi xả ra môi trường. Nhưng thực tế, nếu nước thải đạt loại B thì cá không thể nào chết được”.
Nước thải từ KCN Hòa Cầm có màu đỏ quạch, nổi váng dầu - Ảnh: Nguyễn Tú
|
Ông Bùi Đức Lợi - Trưởng Ban quản lý dự án Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm (Hoacamizi) cho biết, KCN Hòa Cầm có 46 doanh nghiệp đầu tư nhưng hiện chỉ có 30 doanh nghiệp đang hoạt động, trung bình xả thải 350 m3/ngày đêm. Các đơn vị đều có bể tự hoại nhưng chỉ có 4 doanh nghiệp có hệ thống xử lý cục bộ trước khi xả ra môi trường.
“KCN Hòa Cầm chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp điện tử, cơ khí thuộc nhóm các ngành công nghiệp ít gây ô nhiễm môi trường theo chủ trương của TP Đà Nẵng. Tuy nhiên chúng tôi không đủ cơ sở pháp lý để kiểm tra hệ thống xử lý nước thải và chất lượng nước thải sau khi xử lý, thải ra môi trường của doanh nghiệp” - ông Lợi nói.
Trước thực trạng cá chết hàng loạt, Hoacamizi vừa cho xây dựng tạm thời bể chứa dung tích 500 m3 để tạm thời thu gom nước thải, xử lý cục bộ trước khi xả thải. Ông Lợi cho biết thêm sắp tới sẽ cùng phối hợp với các đơn vị tiến hành quan trắc bất thường ở các đơn vị bởi việc quan trắc định kỳ có báo trước 2 lần/năm không phát hiện được sai phạm.
Còn công trình Nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Hòa Cầm chỉ vừa khởi công vào ngày 18.5.2011 với vốn đầu tư 25 tỉ đồng (giai đoạn 1), công suất 2.000 m3/ngày đêm, dự kiến đến cuối năm 2011 mới hoạt động.
Trong khi đó, ông Đinh Thanh cảnh báo, vị trí cống xả nước thải của KCN Hòa Cầm chỉ cách Nhà máy nước Cầu Đỏ, nơi lấy nước từ sông Cầu Đỏ để cung ứng cho TP Đà Nẵng khoảng 2km. Người dân khu vực lân cận đang sử dụng nguồn nước giếng cũng đang hết sức lo lắng về nguy cơ bị nhiễm độc lâu dài từ nguồn nước ngầm.
Nghêu chết trắng bãi biển Trong mấy ngày qua, hàng trăm héc-ta nghêu nuôi của Hợp tác xã Thắng Lợi (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) chết đột ngột. Nghêu chết nằm trắng trên khu vực bãi bồi ven biển rộng lớn. Ngày 14.6, ông Lâm Hoàng Tuấn, Chủ nhiệm HTX Thắng Lợi cho biết, HTX có trên 220 héc-ta nuôi nghêu dọc bờ biển, nhưng qua kiểm tra đã có hơn 90% diện tích nghêu nuôi đã chết, trong đó có khoảng 50% diện tích nghêu chuẩn bị cho thu hoạch, thời gian nuôi từ 8-9 tháng tuổi. Số còn lại diện tích nghêu được 2-3 tháng tuổi cũng chết sạch. Nghêu chết đang lây lan rất nhanh, số diện tích nghêu nuôi ít ỏi còn lại vẫn tiếp tục chết.
Hiện tại, HTX cũng không thể thu hoạch, vì bán không thương lái nào mua nghêu mắc bệnh. Nghêu chết có biểu hiện đen miệng, vẫn chưa xác định được nguyên nhân do thời tiết hay môi trường gây ra. Nghêu chết chưa rõ nguyên nhân đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hàng ngàn bà con xã viên, bởi nguồn thu nhập chính của họ chủ yếu được chia lợi nhuận từ nuôi nghêu của HTX. Hiện có gần 100 lao động thường xuyên của HTX cũng mất thu nhập, do mất việc làm. Trần Thanh Phong |
Bình luận (0)