Du lịch nhà vườn kêu khổ!

16/06/2011 10:16 GMT+7

Năm 2010, ngành du lịch Tiền Giang đón gần một triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế chiếm gần một nửa. Đây là địa phương dẫn đầu ở ĐBSCL về du lịch sinh thái, nhờ thế mạnh sông nước, vườn cây ăn trái và gần TP.HCM. Thế nhưng, những người trực tiếp làm du lịch sinh thái thì kêu khổ!

Giá tour tăng, phí phục vụ giảm

Một người dân ở cồn du lịch Thới Sơn (TP Mỹ Tho) nhận xét: “Tiền Giang hiện có trên 20 công ty du lịch lữ hành đưa khách tới Thới Sơn. Nhưng họ chỉ dựa vào dân để khai thác, chỉ bán tour mà không đầu tư gì trở lại cho dân. Sau gần 20 năm khai thác mà không đầu tư, nâng cấp, con đường cặp bờ sông Tiền chỉ chừng vài cây số dành cho khách đi bộ, ngắm cảnh, đến bây giờ vẫn là đường đá đỏ, loang lổ theo thời gian, nắng bụi, mưa sình, dơ bẩn nhếch nhác”.

 

Du lịch bằng xe ngựa trên đường quê - Ảnh: Hoàng Phương

Ông Hoàng, chủ một điểm du lịch ở ấp Thới Thạnh, cho biết: “Năm 1996, tôi ký hợp đồng nhận khách với đơn giá 5.000đ/khách. Không tăng thì thôi, mấy năm sau các công ty lữ hành hè nhau giảm xuống còn 4.500đ/khách, rồi tiếp tục tuột còn 4.000- 4.300đ/khách cho tới bây giờ, trong khi vật giá leo thang”.

Ca nhạc tài tử Nam bộ là một trong những “đặc sản cây nhà lá vườn”. Ở mỗi điểm du lịch tại cù lao Thới Sơn thường có một đội ca nhạc tài tử từ 5 - 10 người, trong đó có cả thiếu nhi. Theo ông Hoàng thì trước đây các công ty trả tiền phục vụ mỗi đoàn khách là 15.000đ, sau giảm xuống còn 6.000đ rồi… dẹp luôn. Không có thu nhập từ giá bán tour nên lực lượng này chủ yếu là giúp vui và trông chờ vào tiền thưởng của khách. Với đơn giá chỉ 4.000đ/khách nhưng lại bao gồm các khoản như nước trà, mật ong, 5 loại trái cây, điện, nước, nhà vệ sinh... Các điểm du lịch nói họ phải “gồng mình” chịu đựng và nhờ vào số nhiều, còn khách đi lẻ thì chịu lỗ.

Tuy nhiên, nhiều du khách cũng rất ngạc nhiên vì kiểu làm du lịch “sao y bản chính”, điểm này làm ra sao thì điểm khác giống y chang như vậy. Điểm du lịch nào cũng quanh quẩn ăn trái cây, kẹo dừa, nếm mật ong rồi nghe đờn ca tài tử, đi đò chèo. Không có sản phẩm mới lạ, độc đáo, gây ấn tượng. Chỉ cần tới một điểm là biết hết các điểm khác luôn.

 

Đờn ca tài tử chủ yếu trông vào tiền thưởng của khách - Ảnh: Hoàng Phương

Ngựa ăn thì… người nhịn

Giữa trưa hè chói chang, tiếng vó ngựa lộc cộc trên con đường quê tạo nên khung cảnh thật thanh bình, yên ả. Ngồi trên xe ngựa là những vị khách Tây đầu trần phơi nắng nhưng họ tỏ ra rất thích thú. Đó là sản phẩm du lịch “cây nhà lá vườn” của người dân nghèo tại 2 xã Tân Thạch và Quới Sơn (H.Châu Thành, Bến Tre). Trong đó, đội xe ngựa hùng hậu nhất là của gia đình ông Sáu Náo.

Ông tên là Trần Văn Hồng, 72 tuổi, nhưng người ta quen gọi là Sáu Náo - xe ngựa bởi gia đình ông đã 4 đời làm nghề này. Khoảng năm 1940 của thế kỷ trước, cha ông đã làm nghề xe ngựa. Đến đời ông, rồi các con ông và bây giờ thêm các cháu của ông cũng tiếp tục theo nghề. Đội xe ngựa của gia đình ông hiện có 15 chiếc với 26 con ngựa.

Mỗi ngày, ông Sáu Náo túc trực bên điện thoại chờ nghe các công ty lữ hành từ Mỹ Tho và Bến Tre thông báo sẽ có bao nhiêu khách, cần bao nhiêu xe ngựa, rồi phân công các con đánh xe tới các điểm du lịch ngồi chờ. Khi nào khách có yêu cầu thì đưa đi. Tuyến xe ngựa thường xuyên là chở du khách từ điểm du lịch Quới An thuộc Công ty CP Du lịch Bến Tre (ấp 3, xã Quới Sơn) đến điểm du lịch Bến Trúc (xã Tân Thạch), khoảng cách chừng 2 cây số. Từ đây khách sẽ đi đò chèo tới các điểm du lịch khác. Nếu khách nội địa thì mỗi xe chở 5 người, khách Tây thì 4 người. Mỗi lượt như vậy người đánh xe ngựa được các công ty du lịch trả 20.000đ.

Với giá đó, ông Sáu Náo cũng biết là quá thấp. Nhưng ông thật thà: “Lúc đầu, khi mới hợp đồng chúng tôi được trả 20.000đ/xe và đến bây giờ, sau gần 10 năm các công ty vẫn giữ giá như vậy, chúng tôi đề nghị nâng giá hoài mà không được. Biết làm sao bây giờ? Không làm thì lấy gì mà sống”.  Rồi ông nhẩm tính: “Mỗi ngày một con ngựa ăn hết 2 kg lúa, 1 kg cám và một bao cỏ. Lúa 7.000đ/kg, cám 6.000đ/kg và cỏ 15.000đ một bao, vị chi hết 35.000đ. Như vậy, nếu ngày nào chạy được 3 chuyến thì có ăn. Còn chạy 2 chuyến thì chỉ đủ cho ngựa ăn, người… nhịn!”.

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.