Ông Đinh Văn Tưng - Tổng giám đốc Công ty CP điện Bảo Tân (chủ đầu tư thủy điện Đạm Bol) cho biết: đường ống dẫn nước bị vỡ được làm bằng nhựa cuốn xoắn UPVC do Công ty TNHH liên doanh T&T Baoercheng cung cấp và lắp đặt.
“Phương án này được đối tác giới thiệu tốt, sử dụng công nghệ mới tiên tiến, có ưu điểm nhẹ, dễ di chuyển, thi công nhanh… nên chúng tôi lựa chọn để thay thế cho phương án bê tông ban đầu dù chi phí cao hơn. Trong hợp đồng, đối tác cũng đảm bảo chất lượng hàng hóa…” - ông Tưng cho hay.
Được biết, cuối tháng 11.2009, Công ty CP điện Bảo Tân đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH liên doanh T&T Baoercheng (gọi tắt là Liên doanh T&T Baoercheng, trụ sở chính ở H.Mỹ Hào, Hưng Yên) về việc cung cấp ống nhựa UPVC cuốn xoắn và tư vấn kỹ thuật lắp đặt tuyến kênh dẫn nước cho công trình thủy điện Đạm Bol.
Theo hợp đồng, Liên doanh T&T Baoercheng cung cấp ống nhựa cuốn xoắn UPVC có đường kính 1,2m và 1,6m với tổng giá trị hơn 22 tỉ đồng; trong đó, riêng loại ống có đường kính 1,6 m có giá trị trên 13 tỉ đồng.
“Công ty Tân Anh Tú thi công (đào) đường mương và bên Liên doanh T&T Baoercheng lắp đặt ống nhựa” - một đại diện Công ty CP điện Bảo Tân cho hay.
Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, sau khi hoàn thành 3,6 km công trình đường ống dẫn từ đập về tháp điều áp của nhà máy thủy điện (khoảng tháng 10.2010), tháng 12.2010 chủ đầu tư phát hiện một số đoạn bị rò rỉ và đã yêu cầu đối tác khắc phục nhưng sự cố vẫn không được giải quyết tốt.
Mới đây, tháng 5.2011, Công ty CP điện Bảo Tân cũng đã thông báo đến Liên doanh T&T Baoercheng đường ống dẫn nước bằng nhựa cuốn xoắn UPVC (đường kính 1,6m) do liên doanh này sản xuất không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật như hợp đồng: trong quá trình sử dụng ống bị vỡ, bị bóp méo khi dẫn nước, các khớp nối măng-xông, cút nối không đảm bảo, bị rò rỉ nước…
Công ty CP điện Bảo Tân cũng đã đề nghị đối tác khắc phục hậu quả.
Sau khi xảy ra sự cố nêu trên (làm 1 người chết, 1 người mất tích, 3 người bị thương và cuốn trôi 2 căn nhà), Công ty CP điện Bảo Tân đã tích cực tham gia khắc phục hậu quả.
Ông Đinh Văn Tưng cho biết, công ty đã dựng lại cho gia đình người bị nạn 2 căn nhà tạm và sắm sửa một số vật dụng khác; đồng thời lo hậu sự cho người chết và sẽ chịu toàn bộ viện phí điều trị người bị thương.
Đến cuối ngày 15.6, lực lượng cứu hộ, người dân và cán bộ, nhân viên công ty vẫn chưa tìm thấy nạn nhân mất tích.
Một lãnh đạo H.Bảo Lâm cho hay, hôm nay 16.6 sẽ thuê một trung tâm kiểm định độc lập để xác định nguyên nhân bể ống dẫn nước; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư cung cấp toàn bộ các hồ sơ liên quan đến công trình như: hồ sơ tư vấn, thiết kế, thi công, giám sát, nguồn gốc xuất xứ vật tư…
Ngoài ra, sẽ tiếp tục huy động lực lượng và bơm nước xối rửa bùn đất để tìm kiếm người mất tích.
Theo thống kê sơ bộ, vụ vỡ ống dẫn nước này gây thiệt hại khoảng 5 ha hoa màu và 10 ha rừng.
Đưa xe cứu hỏa tìm kiếm người mất tích
Trong khi đó, sáng 16.6, ông Nguyễn Văn Triệu - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) - cho biết, lực lượng cứu hộ, người dân và cán bộ, nhân viên Công ty CP điện Bảo Tân vẫn đang tích cực tìm kiếm người mất tích là bà Vũ Thị Lương (33 tuổi).
Đã có 4 xe cứu hỏa vào hiện trường để phun nước rửa đất để tìm kiếm người mất tích.
Nhiều khả năng nạn nhân bị vùi lấp cách nơi làm vườn khoảng 200m; bởi tại vị trí này có nhiều cây to, rất có thể nạn nhân bị cuốn trôi đến đây rồi bám hoặc vướng vào cây và bị vùi lấp.
|
Gia Bình
Bình luận (0)