Người tình trí thức Dora Maar

16/06/2011 23:57 GMT+7

Vào nửa đầu thập niên 1930, khi còn ràng buộc với người vợ là Olga Khokhlova và người tình Marie-Therese, Picasso lại có thêm thiên thần mới - nữ nhiếp ảnh gia Dora Maar.

Không giống khởi đầu khi quan hệ với Marie-Therese, mối tình của Picasso với Dora Maar được công khai ngay từ đầu. Một lần Marie và Dora chạm mặt nhau tại xưởng vẽ của Picasso khi ông đang vẽ bức Guernica. Hai người phụ nữ ghen tuông cùng yêu cầu Picasso chọn một trong số họ. Danh họa trả lời là họ cần phải tranh đấu để chiếm hữu ông.

Cuộc chiến giữa Marie và Dora để giành giật Picasso không nói ra chắc ai cũng hình dung được sự cay đắng của nó. Không rõ có phải vì điều này hay không mà trong các phác thảo thời gian này của Picasso và cả những tác phẩm hoàn thiện là hình ảnh người phụ nữ tuyệt vọng hay đang khóc lóc. Sau này, họa sĩ từng thổ lộ, cuộc đánh ghen giữa hai người tình là một trong những điểm đáng nhớ nhất trong cuộc sống của ông. Cuối cùng, danh họa chọn giải pháp mà ai hiểu ông cũng nhận đoán được: rời bỏ hẳn Olga và Marie để đến với Dora.

Có lẽ sau những năm dài yêu nhiều và khá bạo liệt, Picasso đã mệt mỏi với mẫu người có phần nặng về thân xác kiểu như Marie và muốn hướng tới hình mẫu người phụ nữ trí tuệ. Dora Maar là người phụ nữ như thế, vừa tài năng lại vừa có học thức.

Trước khi yêu Picasso, vào thập niên 1920 - 1930, Dora Maar (tên thật là Henriette Theodora Markovitch) là nhà nhiếp ảnh thương mại. Cô chuyên chụp ảnh quảng cáo. Trong giới nghệ thuật “đường phố” ở Paris, Dora còn được nhìn nhận như nhà nhiếp ảnh theo trường phái siêu thực, họa sĩ và nhà thơ. Tuy thế, Dora được thế giới biết đến chỉ từ khi cô bắt đầu yêu Picasso.

Picasso và Dora làm quen với nhau vào năm 1936 tại quán cà phê Les Deux Magots ở Paris. Khi đó danh họa đã 55 tuổi, còn Dora đang ở tuổi 29. Đó là lúc sau khi danh họa đi dạo vào buổi chiều tối như thường lệ rồi ghé vào quán cà phê này để ăn tối cùng người bạn là nhà thơ Paul Eluard. Ngồi bàn bên cạnh là thiếu nữ khá xinh đẹp - Dora Maar - khiến danh họa không thể không để ý. Thấy vậy, Paul Eluard liền giới thiệu Picasso với Dora. Khá lúng túng nên danh họa đã nói vài từ bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng điều này lại khiến cuộc làm quen trở nên thú vị bởi thời thơ ấu Dora từng sống ở Argentina.

 
Tuyệt phẩm Guernica

 
Chân dung Dora Maar -1937

 
Chân dung Dora Maar - 1936 - Ảnh: Wikipedia

Sau khi Paul Eluard ra về, Picasso chuyển sang ngồi với Dora. Hai người khá tâm đầu ý hợp. Nhiều năm sau, danh họa nhớ lại và kể: Trong buổi gặp đầu tiên ấy, Dora đeo đôi găng tay màu đen có thêu mấy bông hồng. Trong lúc trò chuyện, cô “thư giãn” bằng cách cầm con dao ở bàn tay trái, rồi liên tục đâm mũi dao xuống các kẽ hở giữa các ngón của bàn tay phải đang xòe ra trên mặt bàn. Khi hai người tạm biệt nhau, Picasso đã hỏi xin đôi găng tay đó và suốt đời lưu giữ chúng trong một tủ kính của mình. Cuộc tình kéo dài 7 năm giữa Picasso và Dora bắt đầu như thế. 

Dora Maar là người dễ bị kích động, bản tính bốc đồng, trong các bức tranh của Picasso, cô được phản ánh bằng hình tượng “người đàn bà khóc”. Cùng với hình tượng này, danh họa đã làm “cuộc du ngoạn” xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của mình. Picasso ứng dụng lại các trường phái, phong cách mà trước đây ông đã vẽ để dựng chân dung Dora. Tuy thế, chính Picasso thừa nhận, ông không bao giờ có thể vẽ Dora cười. Đặc điểm dễ nhận thấy trong các bức vẽ Dora là đôi mắt to và sâu đang khóc hoặc suy tư, hay đang lo lắng, xúc động. Picasso còn rất ưa thích khuôn mặt tròn trịa, gò má đầy đặn mềm mại, những ngón tay thanh mảnh với móng tay sơn đỏ như những giọt máu của Dora.

Vào tháng 4.1937, phát xít Đức ném bom tàn phá thành phố Guernica ở phía Bắc Tây Ban Nha, giết chết nhiều phụ nữ và trẻ em. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm hòa bình, người dân vô tội bị giết nhiều như thế. Thế giới đã mang bộ mặt mới: chiến tranh. Tin tức không tốt lành làm Picasso chấn động. Ông hầu như quẳng bút không vẽ nữa. Tuy vậy, nhờ có Dora, người phụ nữ thông minh và cảm nhận tính quan trọng của sự kiện, đã động viên vỗ về danh họa để sáng tạo nên tuyệt phẩm Guernica. Đóng góp của Dora trong tác phẩm này không chỉ có thế, trong khi Picasso vẽ, cô đã chụp và in nhiều bức phác họa giúp ông hoàn thành Guernica. Ngoài ra, Dora còn chụp nhiều bức phác thảo và chân dung Picasso. Việc này giúp ông sau đó thử nghiệm vẽ tranh kết hợp với chạm khắc hay cắt dán giấy.

Trở lại với tuyệt phẩm Guernica, vào ngày 14.6.1940, khi phát xít Đức đánh chiếm Paris, một viên sĩ quan Đức tìm đến gặp Picasso, rút từ trong túi áo bức ảnh chụp bức tranh này và hỏi: “Ông làm cái này à?”. Danh họa trả lời: “Không, đó là do các ông làm”. Guernica là tác phẩm tiêu biểu mà thông qua đó Picasso tố cáo đanh thép và phản đối gay gắt cuộc chiến tranh tàn bạo của phát xít Đức.

Có thể thấy, quan hệ giữa Picasso với Dora là sự kết hợp tình cảm và công việc của hai người nghệ sĩ. Tuy thế, theo năm tháng, tính khí Dora ngày càng bốc đồng, tâm lý lại hay thất thường. Danh họa không thể chịu đựng được chứng loạn thần kinh của người phụ nữ này. Ông và các bạn bè lo lắng Dora sẽ tự tử nên gửi cô đến viện tâm thần để chữa trị. Sau khi Dora xuất viện, Picasso đã xa lánh bà. Có hai cuốn sách và cả phim đề cập đến chuyện tình của Picasso và  Dora. Chúng giống như huyền thoại về một mối tình đẹp trong nghệ thuật. 

Hoàng Hoài Sơn
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.