Cá ngừ là thực phẩm rất dễ mua tại các chợ ở TPHCM. Ảnh: Xuân Thảo |
Cá ngừ rất giàu chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, trong thịt cá ngừ có chất béo thiết yếu omega 3 (tiền chất tạo DHA, EPA…) rất cần thiết cho sự tạo thành và phát triển, hoàn thiện hệ thần kinh của trẻ em, giúp trẻ thông minh. Omega 3 cũng là chất rất hữu hiệu để giảm mỡ trong máu, giảm nguy cơ xơ vữa mạch máu, giảm huyết áp, phòng ngừa bệnh tim mạch, hạn chế thoái hóa khớp…
Thủ phạm: Chất histamin
Cá ngừ là nguồn dinh dưỡng rất quý lại tương đối rẻ, sẵn có và phổ biến quanh năm. Tuy nhiên, chất đạm trong cá ngừ cũng như một số loại hải sản khác có thể gây ra phản ứng dị ứng trên những người có cơ địa dị ứng (có nghĩa là không phải ai cũng bị dị ứng với cá ngừ).
Cũng như các loại cá hay hải sản khác, cá ngừ có khả năng gây dị ứng rất cao khi bị ươn, vì khi cá ươn sẽ sinh ra nhiều chất histamin trong thịt cá. Ngay cả đối với người trước đây không hề dị ứng cá ngừ nhưng nếu ăn phải cá ngừ ươn, chất histamin cũng có thể gây ra các phản ứng như nổi mẩn đỏ, mẩn ngứa, sưng môi, co thắt ruột gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, co thắt phế quản gây khó thở, hen suyễn…
Năm điểm lưu ý
Để phòng ngừa dị ứng do cá ngừ, chúng ta cần chú ý một số điểm sau đây:
- Khi mua nhớ chọn con còn tươi để hạn chế tối đa lượng histamin. Có thể lựa chọn qua cảm quan với các dấu hiệu: Thịt thân cá chắc, mắt trong, mang đỏ, cắt ra còn máu đỏ tươi, hậu môn ở gần đuôi cá nhỏ, bụng ruột cá còn kín, vây cá dính chắc vào thân, mùi tanh nhẹ…
- Cá chết lâu và bảo quản không tốt sẽ bị ươn làm thịt cá mềm nhũn, ấn vào thân cá để lại vết lõm, thân cá rũ xuống, mang đỏ bầm, đổ ruột, mùi tanh nồng.
- Không ăn cá ngừ ươn.
- Dù cá còn tươi cũng nấu chín kỹ để giảm bớt khả năng dị ứng.
- Mua cá ngừ ở các nơi bán hàng uy tín như siêu thị, cửa hàng tươi sống đủ điều kiện bảo quản…
Vì cá ngừ là một loại thực phẩm tốt nên việc chẩn đoán cơ thể dị ứng cá ngừ cần phải cẩn trọng, không nên lo sợ hay kiêng cữ quá đáng. Có rất nhiều trường hợp cá ngừ bị nghi oan và chúng ta sẽ bị thiếu đi nguồn đạm và omega 3 quý giá. Vì vậy, nếu phản ứng dị ứng không nghiêm trọng, thỉnh thoảng chúng ta nên ăn cá ngừ với lượng ít.
Không ăn trùng lắp thực phẩm gây dị ứng
Khi tập cho trẻ ăn cá ngừ lần đầu tiên (khoảng 7-8 tháng tuổi), bà mẹ cần cho ăn thử một lượng nhỏ khoảng một muỗng cà phê rồi theo dõi trong vòng 1 -2 ngày xem có bị các dấu hiệu của dị ứng (nổi mề đay, khó thở, hen suyễn, tiêu chảy...) hay không. Nếu có thì ngưng ăn cá ngừ khoảng 1-2 tháng, sau đó tập ăn lại một ít và theo dõi kỹ các phản ứng dị ứng nếu có, chú ý không ăn trùng lắp với thực phẩm hay gây dị ứng khác (thịt bò, tôm, cua…).
Có thể chẩn đoán trẻ dị ứng cá ngừ nếu cả 3 lần đầu tiên ăn thử trẻ đều dị ứng. Lúc bấy giờ cần loại món cá ngừ khỏi thực đơn của trẻ cho tới khi trẻ lớn trên 1 tuổi mới có thể thử lại từng ít một. Còn nếu cũng ăn cá ngừ mà có lúc nổi mẩn ngứa, có lúc không thì chưa chắc là dị ứng cá ngừ. Trong trường hợp này, thỉnh thoảng vẫn nên cho trẻ ăn cá ngừ để không bị thiếu chất dinh dưỡng.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)