Biến nước mặn thành nước ngọt

19/06/2011 13:21 GMT+7

(TNO) Với đề tài Bước đầu xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng những vật liệu phế thải như cát, gáo dừa, tre..., 3 học sinh của trường THPT Nguyễn Huệ gồm Trần Thị Phước Huyền (lớp 11A4), Võ Thị Ngọc Tiên và Phạm Bảo Ngọc (lớp 11A5) đã đoạt được giải Nhì tại Hội thi Intel ISEF toàn quốc năm 2011.


Ba thành viên Trần Thị Phước Huyền, Võ Thị Ngọc Tiên và Phạm Bảo Ngọc - Ảnh: Minh Phương

Trưởng nhóm Trần Thị Phước Huyền kể: "Nước ngọt đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt cũng như duy trì sự sống của con người. Thế nhưng những năm gần đây, sự nóng lên của Trái đất khiến nguồn nước ngọt bị thiếu hụt nghiêm trọng do bị xâm lấn của nguồn nước mặn. Vào mùa nắng nóng, hầu như tất cả các nguồn cung cấp nước ngọt cho người dân bị nhiễm mặn nặng nề do sự xâm lấn của nước biển. Chính điều này đã gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt của con người. Do vậy, tụi em đã suy nghĩ đến các giải pháp để xử lí nước mặn thành nước ngọt nhằm mục đích phục vụ con người trong hoàn cảnh thiếu nước ngọt bằng các vật liệu có sẵn trong tự nhiên".

Phương pháp lọc nước này được nhóm của Huyền thực hiện khá đơn giản, dễ thực hiện. Các vật dụng cần thiết bao gồm cát, gáo dừa hoặc tre, ống nhựa đường kính 2 cm, vòi phun mưa, thùng 50x30x70 cm được làm sạch. Cát có tác dụng lưu giữ lại những chất hữu cơ, hạt bám dính, chất vi sinh, clo, mùi hôi và các ion kim loại nặng; có tác dụng cơ học, loại bỏ cặn bẩn, huyền phù, cặn lơ lửng. Tre, gáo dừa được carbon hóa bằng cách đốt đỏ rồi ủ trong cát. Cách làm như trên với mục đích biến tre, gáo dừa ban đầu thành than có tính chất tương tự như than hoạt tính để phục vụ vào việc lọc nước mặn.


Mô hình xử lý nước mặn thành nước ngọt của nhóm

Sau khi đã xử lý tre (hoặc gáo dừa) thành than, cát và than được xếp thành 5 lớp xen kẽ nhau, mỗi lớp dày 5 cm. Ở đáy thùng có đặt ống nhựa, trên đó có khoan các lỗ nhỏ, xung quang ống nhựa này được bọc lớp bông gòn với mục đích ngăn không cho cát, than theo ống ra ngoài. "Ưu điểm của phương pháp này là có giá thành rẻ, vật liệu dễ kiếm do có sẵn trong tự nhiên. Các vật liệu trên được thu thập rồi đưa vào gia công thành hệ thống xử lí nước mặn với hi vọng là phương pháp xử lí rất đơn giản, rẻ tiền và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, nhất là ở các vùng bị nhiễm nước mặn và các vùng hải đảo", Phạm Bảo Ngọc cho hay.


Thử nghiệm mô hình lọc nước mặn thành nước ngọt - Ảnh: Minh Phương

Võ Ngọc Tiên cho biết. "Tuy đã đạt được kết quả khả quan, nhưng hiện tại nhóm cần có nhiều thời gian cũng như cần thêm nhiều điều kiện khác để tiếp tục tiến hành kiểm tra các chỉ tiêu khác về nước sạch để phục vụ sinh hoạt của con người; đặc biệt là điều kiện thu thập mẫu nước mặn trong điều kiện thường để khẳng định thêm các ưu điểm của hệ thống xử lí và các chỉ tiêu như lưu lượng nước lọc được trên một đơn vị thời gian, bộ xử lí có thời gian làm việc tối ưu...".

Minh Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.