Gián điệp Trung Quốc săn bí mật Mỹ

19/06/2011 23:05 GMT+7

Giới phản gián Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tăng cường chi tiền và lôi kéo tay trong nhằm thu thập thông tin mật của nước này.

Tính từ năm 2008, đã có 56 trường hợp bị truy tố tại Mỹ về tội làm gián điệp cho Trung Quốc hoặc cố tình chuyển thông tin nhạy cảm cho cơ quan tình báo, công ty nhà nước, công ty tư nhân hay cá nhân của Bắc Kinh, theo AP. Trong số đó có 9 nghi phạm đang chờ xét xử, 2 người đã bỏ trốn và những bị cáo còn lại đã bị kết tội.


J-20 bị nghi sử dụng công nghệ tàng hình Mỹ - Ảnh: Nhân dân Nhật Báo

Phần lớn các vụ này ít thu hút sự chú ý của công chúng, đặc biệt là so với vụ 10 gián điệp Nga bị giới chức Mỹ bắt và trục xuất hồi năm ngoái. Trong một thời gian dài, dư luận và giới truyền thông bàn tán xôn xao về các điệp viên Nga, nhất là về nữ đặc vụ quyến rũ Anna Chapman, chứ ít ai nói về các bị can gián điệp Trung Quốc. Điều trớ trêu là theo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder thì các điệp viên Nga hầu như không thu thập được thông tin gì quan trọng, trong khi Washington đã bị rò rỉ nhiều dữ liệu nhạy cảm và cả công nghệ quốc phòng cho Bắc Kinh.

“Mối đe dọa không dứt”

Trong thời gian qua, Mỹ phải đối phó với mối đe dọa gián điệp không dứt từ Trung Quốc. Trước đây, chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến tình trạng như vậy.

Joel Brenner, cựu Giám đốc điều hành phản gián quốc gia Mỹ

AP dẫn lời giới chuyên gia nhận định các vụ án nói trên cho thấy Trung Quốc là nước tích cực hoạt động gián điệp nhất tại Mỹ hiện nay với cấp độ ngày càng cao và tinh vi. Ông Larry Wortzel, một cựu quan chức tình báo, phân tích trước đây Trung Quốc thường chọn người gốc Hoa, người thuộc các cộng đồng thiểu số hoặc những người có cảm tình với mình để làm gián điệp. Trong khi đó, thủ phạm trong nhiều vụ án gần đây không chỉ là người gốc Trung Quốc. Họ có thể là người Mỹ chính gốc hay là người đã nhập tịch từ những nước và vùng lãnh thổ khác. Gián điệp Trung Quốc thời nay là giáo sư, kỹ sư và doanh nhân. Có vị trí quan trọng trong xã hội Mỹ, những người này dễ dàng chào bán công nghệ quốc phòng tuyệt mật hay tuồn thông tin quan trọng cho các viện nghiên cứu Trung Quốc, thông qua nhiều khâu trung gian như các công ty ma do nhân viên tình báo Bắc Kinh dựng lên. Cựu Giám đốc điều hành phản gián quốc gia Mỹ Joel Brenner nhận định với AP: “Trong thời gian qua, Mỹ phải đối phó với mối đe dọa gián điệp không dứt từ Trung Quốc. Trước đây, chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến tình trạng như vậy”.

Trong khi đó Bắc Kinh khăng khăng bác bỏ mọi cáo buộc. Khi được hỏi về các vụ gián điệp gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp: “Rất vô lý khi lôi kéo Trung Quốc vào các vụ việc bị cho là hoạt động gián điệp tại Mỹ”.

Bán công nghệ tàng hình

Một trong những vụ án gián điệp kéo dài và phức tạp nhất là vụ cựu kỹ sư chế tạo máy bay ném bom tàng hình B-2 Noshir Gowadia giúp Trung Quốc thiết kế tên lửa hành trình tàng hình. Giới điều tra Mỹ phải mất nhiều năm mới thu thập đủ bằng chứng truy tố ông Gowadia và các phiên xử kéo dài nhiều tháng, các công tố viên phải hết sức cẩn trọng khi trưng ra nhiều thông tin quân sự tuyệt mật tại phòng xử công khai. Các luật sư biện hộ nói ông Gowadia chỉ cung cấp cho nước ngoài những “chất liệu cơ bản” dựa trên thông tin không thuộc dạng mật và công chúng có thể tiếp cận. Đến tháng 1.2011, ông Gowadia bị tuyên án 32 năm tù giam. Trợ lý Bộ trưởng Tư Pháp David Kris nhận định: “Ông Gowadia đã cung cấp cho nước ngoài một trong những thiết kế liên quan tới vũ khí nhạy cảm nhất của quốc gia”.

Ông Gowadia, cư dân Mỹ gốc Ấn, làm việc cho Tập đoàn Northrop Grumman, nhà thầu sản xuất máy bay B-2, từ năm 1968-1989 trong khuôn khổ một chương trình cực kỳ bí mật. Sau đó, ông đại diện Northrop tham gia nghiên cứu tên lửa và máy bay cho Lầu Năm Góc, và làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos vào thập niên 1990 trước khi mở công ty tư vấn riêng. Ông bị bắt vào năm 2005 vì bị tình nghi bán bí mật quân sự cho Trung Quốc. Giới công tố cáo buộc trong giai đoạn 2003-2005, ông Gowadia nhận ít nhất 110.000 USD để giúp Trung Quốc thiết kế bộ tiêu âm xả cho tên lửa, giúp né tránh radar hồng ngoại và vô hiệu hóa tên lửa tầm nhiệt của Mỹ. Trong các phiên tòa hồi cuối tháng 7.2010, công tố viên liên bang Ken Sorenson nói ông Gowadia “bán mình” cho Bắc Kinh để có tiền trả khoản thế chấp hằng tháng 15.000 USD cho một ngôi nhà sang trọng ở Hawaii.

Bên cạnh đó, ông Sorenson cũng nêu khả năng máy bay tàng hình J-20, vừa được Trung Quốc thử nghiệm lần đầu hồi tháng 1, có liên quan đến các hoạt động phạm pháp của ông Gowadia. AP dẫn lời Ông Sorenson nhấn mạnh: “Trung Quốc luôn tìm kiếm công nghệ quốc phòng Mỹ. Gần như chắc chắn Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã tranh thủ tiến hành thiết kế máy bay tàng hình trong lúc ông Gowadia thường xuyên đến nước này trong giai đoạn 2003-2005”.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.