Mặc dù Sở GD-ĐT Hà Nội tuyên bố thành phố đảm bảo chỗ học tiếp cho tất cả học sinh học xong lớp 9 nhưng nhiều phụ huynh học sinh vẫn không an tâm khi biết chỉ tiêu vào trường công chỉ khoảng 65%. Mục tiêu con vào được trường công nhiều khi khiến phụ huynh cũng như thí sinh rất căng thẳng.
V.L, học sinh trường THCS Đống Đa đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Kim Liên (trường công lập thường có mức điểm chuẩn cao nhất cả nước) nên đêm nào cũng học đến khi không thể thức được mới thôi. Lý do khiến V.L càng thêm lo lắng qua hai đợt thi thử do trường THCS tổ chức, em đều chỉ đạt điểm trung bình hoặc trung bình khá hai môn Văn, Toán vì đề thi quá khó. Sách vở vì thế không rời V.L một phút, ngay cả khi bố mẹ V.L cho cả nhà ra ngoại thành chơi để em thư giãn trước ngày thi.
Theo các chuyên gia tâm lý, sai lầm đa số thí sinh mắc phải là thiếu sự nghỉ ngơi, thư giãn cần thiết vào đêm trước của ngày thi đầu tiên trong các kỳ thi quan trọng. “Việc học hành khiến các em căng thẳng trong khi đêm trước ngày thi là thời điểm các em cần được nghỉ ngơi. Tinh thần thoải mái thì khi đi thi các em mới vui vẻ, tự tin. Do đi thi các em phải dậy từ lúc 5-6 giờ sáng nên buổi tối hôm trước, các em cố gắng đi ngủ trước 10 giờ là tốt nhất”, PGS TS Trần Văn Dần, trường ĐH Y Hà Nội tư vấn.
Để có kết quả thi tốt nhất, lãnh đạo Phòng Quản lý thi, Sở GD-ĐT lưu ý: tối hôm trước, học sinh cần bỏ phiếu dự thi vào túi để tránh trường hợp bị quên vì đây là giấy tờ bắt buộc để học sinh được vào phòng thi. Phiếu dự thi hợp lệ là “Phiếu báo thi vào lớp 10 THPT” do Phòng GD-ĐT cấp, trong đó ghi đầy đủ thông tin, không tẩy xóa, có chữ ký và dấu của Trưởng phòng GD-ĐT, có dán ảnh cỡ 3x4cm và có dấu giáp lai của cơ sở giáo dục trên ảnh.
Về kỹ năng làm bài thi, trao đổi với PV Thanh Niên, các giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong việc ôn thi vào lớp 10 đều có chung một lời khuyên: các em không nên mất quá nhiều thời gian vào những câu hỏi khó mà tập trung làm trước những câu hỏi dễ để chắc chắn có điểm, tránh bị mất điểm do không còn thời gian làm bài.
Đặc biệt, một giáo viên của trường THPT Việt Đức còn đưa ra lời khuyên: “Các em không nên bị ảnh hưởng bởi kết quả thi thử nếu nó thấp quá so với lực học của các em. Trên thực tế, vì lo xa, đề thi thử thường được các trường THCS, ra khó hơn khá nhiều so với mức độ của đề thi thật vào trường THPT”.
Theo các chuyên gia tâm lý, phụ huynh học sinh cũng không nên tỏ ra quá quan tâm, sốt sắng với kết quả thi của con. Việc hỏi han quá nhiều, nhắc nhở con lên mạng xem điểm sớm, việc để lộ thất vọng... khiến con bạn lo lắng, sợ sệt hơn. Mặt khác, các chuyên gia cũng khuyên các gia đình cần chuẩn bị trước tinh thần cho con và cả cho mình nữa. “Chẳng hạn, nên nói với con rằng, trong tình huống xấu nhất là không đỗ, cũng không có gì phải buồn, bởi chủ trương của Sở GD-ĐT là không thiếu chỗ học, nếu không vào được trường theo nguyện vọng 1 thì sẽ còn nhiều cơ hội khác như các trường tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3”, một chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm nói.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)