Đạo diễn làm “cò”
Một vài đạo diễn tâm sự thật ngỡ ngàng khi ngày càng nhiều nhà sản xuất biết rõ có đạo diễn đưa phim cho trợ lý thực hiện nhưng vẫn mời đạo diễn đó ký hợp đồng. Đạo diễn H.P nhận định: “Để đảm bảo chất lượng phim và tôn trọng khán giả thì không ai giao cho trợ lý, phó đạo diễn điều khiển cả đoàn phim vì có thể họ là dân tay ngang, hoặc non tay nghề, không thể chỉ đạo diễn viên diễn xuất theo yêu cầu, đặc biệt là các ngôi sao”. Yếu nghề, dĩ nhiên những trợ lý hay phó đạo diễn này không thể ra lệnh cho quay phim, thiết kế bối cảnh, trang phục thực hiện theo đúng ý đồ kịch bản. Vì vậy, phim truyền hình đầy “sạn” là điều khó tránh.
|
Nhiều đạo diễn mở công ty làm hậu kỳ phim, bao thầu từ A đến Z công đoạn sản xuất phim. Nhà sản xuất chỉ việc chi tiền. Hiện nay, trung bình một đạo diễn (tùy theo tên tuổi) nhận thù lao từ 8 - 10 triệu đồng/tập phim. Giá “cò” của đạo diễn là 2 triệu đồng/tập. Một bộ phim 30 tập, đạo diễn bỏ túi ngon ơ 60 triệu mà không phải làm gì, chỉ bán “thương hiệu”.
39 ngày quay xong 30 tập phim
Hàng loạt đạo diễn tên tuổi từng nhận rất nhiều phim một lúc rồi giao cho trợ lý thực hiện và chỉ kiểm tra qua loa. Cũng có trường hợp nhận liên tục nhiều phim và thực hiện trong thời gian cực ngắn, khiến những người trong nghề không thể không tự hỏi, thời gian đâu để họ suy nghĩ, nghiền ngẫm về kịch bản và bộ phim sắp ra đời của mình. Năm 2010, Đ.L.V.B nhận làm hàng loạt phim Vũ điệu tình yêu, Thụy khúc, Lặng lẽ yêu em, Mẹ chồng nàng dâu, 30 ngày làm cha, Sóng ngầm..., trong đó phim Sóng ngầm giữ “kỷ lục” về tốc độ làm phim: 39 ngày quay xong 30 tập phim. Đạo diễn C.Đ, cuối năm 2010 và đầu 2011, làm Hoàng tử ăn mày, Gọi nắng, Gieo gió; Đ.Đ.L cũng không thua kém khi làm một loạt phim: Nợ đa tình, Thẩm mỹ viện, Công ty thời trang, Cuộc chiến hoa hồng, Sứ trắng... Nhìn danh sách phim của đạo diễn Tr.D phát sóng trong nửa năm 2011 đã “phát hoảng”: Tình như tia nắng, Pha lê không dễ vỡ, Một thời ta đuổi bóng, Người hoàn hảo, Cơn đau ngọt ngào...
Các đài truyền hình hiện cần hơn 5.000 tập phim trong một năm. Với số lượng diễn viên, đạo diễn, nhân viên kỹ thuật, thiết kế... có hạn, đủ thấy đội ngũ làm phim hiện nay đang khủng hoảng nhân sự. Diễn viên đóng vài phim đã kiêm chức trợ lý hay phó đạo diễn, rồi lên đạo diễn. Đội ngũ đạo diễn hiện nay còn có người từng là cascadeur, sau một thời gian ngắn làm phó, đã nghiễm nhiên trở thành đạo diễn chính. Cộng thêm nạn “cò” đạo diễn như đã nói thì việc nâng cấp chất lượng phim truyền hình Việt quả là “đường xa vạn dặm”.
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)