Ghép giác mạc

21/06/2011 17:09 GMT+7

Trước đây, nhiều bệnh nhân phải cam chịu bị mù do các sự cố viêm loét, sẹo giác mạc, và bác sĩ cũng không thể can thiệp được. Hiện nay với tiến bộ trong lĩnh vực nhãn khoa, nhiều trường hợp mù đã thấy được ánh sáng.

10 năm trước, bà Nguyễn Thị L. (80 tuổi, nhà ở TP.HCM) có phẫu thuật thay thủy tinh thể cho mắt phải; nhưng vài năm sau đó, thủy tinh thể này gây các biến chứng: rách giác mạc, viêm. Các biến chứng khiến thị lực giảm dần gần như không nhìn thấy (chỉ còn 4/10). Điều này rất khó chịu cho sinh hoạt vì làm gì bà cũng chỉ nhìn bằng một mắt lành. Cùng với thay giác mạc nhân tạo, các bác sĩ cũng đã lấy bỏ thủy tinh thể nhân tạo hỏng, thay thủy tinh thể mới cho bà L.

 
Kiểm tra mắt cho bệnh nhân cần ghép giác mạc - Ảnh: L.C 

Một bệnh nhân nữ khác, 39 tuổi, bị mù hai mắt đã 4 năm do hội chứng Steven Johnson, bệnh khởi phát đột ngột bắt đầu bằng sốt cao, nhức đầu, mệt mỏi, đau viêm họng miệng, niêm mạc mắt, bọng nước, tình trạng ngày càng nặng, có thể tử vong. Khi vào viện bệnh nhân này trong tình trạng giác mạc bị sẹo dày, hai mắt mờ đục. Vết loét trên bề mặt giác mạc khiến tế bào giác mạc bị bào mòn. Bên mắt phải, góc giác mạc bị xuyên thủng. Bác sĩ đã tiến hành tái tạo bề mặt mắt và thay giác mạc bị hỏng bằng giác mạc nhân tạo, tái cấu trúc toàn bộ bề mặt mắt bằng cách lấy đi các tế bào bệnh và ghép tế bào gốc màng ối. Tiếp đó, giác mạc bị hỏng được lấy bỏ và thay bằng giác mạc nhân tạo.

Khi nào cần ghép giác mạc nhân tạo?

Theo bác sĩ Leonard Ang, một chuyên gia về cấy ghép giác mạc của Singapore, ghép giác mạc nhân tạo chỉ định cho các bệnh về mắt phức tạp. Với phương pháp ghép giác mạc nhân tạo mới, mảnh ghép này làm bằng chất liệu đặc biệt, hầu như không bị thải ghép. Đó là dụng cụ đặc biệt hình nút áo đặt lên tế bào giác mạc. Phương pháp này giúp phục hồi thị lực với bệnh nhân bị mù nặng do hư giác mạc.

Hiện tại với phương pháp ghép mới, có thể áp dụng cho trường hợp bệnh nhân từng ghép giác mạc không thành công. Sau ghép giác mạc bệnh nhân không phải uống thuốc chống thải ghép, chỉ cần nhỏ thuốc mắt thông thường để chống khô mắt, chống sưng viêm phù nề. Dù không phức tạp nhưng cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Trong vòng 2-4 tuần đầu sau ghép, bệnh nhân cần được theo dõi các biến chứng như: viêm, phù nề, tăng nhãn áp. Bệnh nhân mắc các bệnh nguy hiểm khi gây mê trong quá trình phẫu thuật như tim mạch, hen... sẽ được cân nhắc khi chỉ định ghép.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.