Gián điệp Trung Quốc săn bí mật Mỹ: Đánh cắp công nghệ nhạy cảm

23/06/2011 01:28 GMT+7

Một số công ty được thành lập ở Mỹ để tìm cách xuất khẩu trái phép các sản phẩm liên quan đến quân sự hoặc bị cấm tới Trung Quốc.

“Nếu bạn có khách hàng ở Trung Quốc, xin hãy hợp tác với chúng tôi. Ở Trung Quốc, không phải công ty nào cũng được mua hàng trực tiếp từ Mỹ. Chúng tôi có thể làm người trung gian cho bạn”.

Đó là lời quảng cáo của Alex Ngô, một cựu giáo viên phổ thông tại Trung Quốc và từng học tại ĐH Harvard của Mỹ, sau khi Công ty điện tử Chitron của ông mở văn phòng đại diện ở bang Massachusetts vào năm 1996. Có trụ sở chính tại Thâm Quyến, bề ngoài, Chitron tìm kiếm các công ty linh kiện điện tử ở Mỹ để làm trung gian xuất hàng sang Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chức liên bang phát hiện công ty này là một khâu chính trong đường dây tuồn công nghệ quốc phòng từ Mỹ tới các viện nghiên cứu liên quan đến Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, theo AP.

 
Alex Ngô bị phạt 8 năm tù vì xuất khẩu trái phép công nghệ cấm - Ảnh: Deseret News

Ông Ngô đã bị tuyên án 8 năm tù giam vào tháng 1.2011 về tội âm mưu xuất khẩu công nghệ cấm. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, những công nghệ sản phẩm được ông này đưa cho Bắc Kinh rất cần thiết cho chiến tranh điện tử, radar quân sự và liên lạc vệ tinh. “Với những công nghệ này, Trung Quốc có thể nghiên cứu ra cách đánh bại hệ thống vũ khí của Mỹ”, Ban An ninh công nghệ quốc phòng của Lầu Năm Góc đánh giá.

Mỹ cấm xuất khẩu vũ khí và một số sản phẩm công nghệ nhạy cảm cho Trung Quốc và sử dụng các công ty hợp pháp làm bình phong là cách phổ biến để Bắc Kinh “vượt rào”. “Những công ty tư nhân ở Trung Quốc được chi tiền để làm việc này và họ nhận được sự khích lệ  rất lớn “từ trên”, AP dẫn nhận định của Steven Pelak, chuyên viên kiểm soát xuất khẩu quốc gia của Bộ Tư pháp Mỹ.

Lập công ty ma

Mới đây, một tòa án liên bang cũng tuyên phạt công dân gốc Hoa William Tsu 3 năm tù giam do xuất khẩu trái phép hàng trăm mạch tích hợp cho Công ty Dimagit Science & Technology, có trụ sở ở Bắc Kinh. Các nhà điều tra cho biết mạch tích hợp này có nhiều ứng dụng, bao gồm sử dụng trong hệ thống radar quân sự. Theo Đài MSNBC, trong số những khách hàng của Dimagit có một viện nghiên cứu liên quan tới Tập đoàn công nghệ và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc.

Theo hồ sơ vụ án, để có được những linh kiện bị cấm xuất, Tsu đã thành lập công ty ma tên Cheerway Trading và dùng địa chỉ của một người bạn ở bang California để chuyển hàng. Sau đó, Tsu cung cấp thông tin giả về khách hàng tới những nhà phân phối và cam kết những linh kiện mà mình mua chỉ dùng trong nước. Nếu nhà phân phối đòi hỏi thêm thông tin, Tsu sẽ lập luận rằng điều khoản trong hợp đồng với khách hàng không cho phép ông ta tiết lộ chi tiết.

 
Mỹ vẫn hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm công nghệ cao tới Trung Quốc - Ảnh: Americanprogress.org

Chiêu thức tương tự cũng được sử dụng trong một vụ án đang chờ tuyên án ở thành phố Seattle. Hồi cuối tháng 3, Dương Liêm, cựu kỹ sư của Tập đoàn Microsoft, đã nhận tội cố ý mua công nghệ bị cấm cho một “đối tác” ở Trung Quốc, bao gồm 300 thiết bị bán dẫn được sử dụng trong vệ tinh. Dương thành lập một công ty ma ở Mỹ để đăng ký là nơi cuối cùng sử dụng những linh kiện mua được. Ông ta bị bắt hồi tháng 12.2010 khi chưa kịp chuyển số hàng trên. Bị cáo khai dự định mang hàng sang Canada rồi bay sang Trung Quốc để phân phối các linh kiện. Dự kiến, Dương Liêm sẽ bị tuyên án vào ngày 30.6.

Tranh cãi về chính sách xuất khẩu

Nhận định về vụ án Dương Liêm, công tố viên kết luận: “Hành vi của bị cáo góp phần tạo nên một kiểu gián điệp đặc trưng của Trung Quốc trong thời đại mới”. Tuy nhiên, luật sư bào chữa phản biện rằng các vụ xuất khẩu trái phép không liên quan gì đến gián điệp hoặc cố ý lách luật mà là hệ quả từ những chính sách xuất khẩu không rõ ràng của Washington.

Trong vụ Chitron, các luật sư bào chữa cho Alex Ngô lập luận rằng những quy định xuất khẩu của Mỹ không nói rõ những gì được và không được xuất khẩu. “Ông  Ngô và những người khác tại công ty của ông ta không nhận được sự đào tạo cần thiết để hiểu những luật kiểm soát xuất khẩu cực kỳ phức tạp của Mỹ”, luật sư Michael Schneider nói. Đáp lại, Trợ lý công tố liên bang Stephanie Siegmann, khẳng định có bằng chứng rõ ràng cho thấy bị cáo nhận thức rõ hành vi phạm pháp của mình. AP dẫn biên bản tại tòa cho hay các nhà điều tra đã phát hiện trên bàn của Ngô một tờ giấy ghi: “Lợi nhuận gộp cho những linh kiện quân sự bị cấm xuất khẩu của Mỹ”. Ngoài ra, ông ta thường chỉ dẫn nhân viên qua thư điện tử: “Không được nói mình xuất khẩu linh kiện mà nói là người môi giới”.

Theo hồ sơ vụ án, để lách luật, các nhân viên Chitron ghi trên giấy tờ những mặt hàng liên quan đến quốc phòng là “những linh kiện điện tử” và xếp vào loại “Không cần giấy phép”. Chitron cũng tạo hồ sơ giả để lừa nhà chức trách rằng các công ty trung chuyển tại Hồng Kông là nơi sử dụng sản phẩm cuối cùng.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.