Mình đến dự lễ vì tình đồng hương chứ không hề quen biết cụ. Nhà mình với nhà cụ đối diện nhau qua sông Gianh. Nếu vạch một đường vuông góc với sông Gianh từ nhà cụ thì đường đó băng qua nhà mình ở bên kia bờ. Cụ rời nhà đi làm cách mạng từ khi mình chưa đẻ làm sao mình biết được cụ. Mình rất tự hào được là đồng hương của cụ, dù cụ ở huyện Bố Trạch nhưng lúc nào mình cũng coi cụ cùng làng cùng xóm với mình. Anh Lưu Trọng Văn, con trai cụ, gọi điện cho mình, nói chết quá mày ạ, cuốn tuyển tập Lưu Trong Lư in lộn huyện Bố Trạch quê tao ra huyện Quảng Trạch quê mày, dân Bố Trạch đang phản đối ầm ầm. Mình nhăn răng cười he he, nói rứa thì dân Quảng Trạch lời to.
|
Thật sự nể anh em Lưu Trọng Văn quá, chả cần biết nhà nước có nhớ hay không, tự mình tổ chức một lễ kỹ niệm cho cha thật sang trọng và ấm áp, khách dự toàn những người nổi tiếng nhất làng văn nghệ trong thành phố. Có cả cụ Phạm Duy, chị Trà Giang. Cụ Nguyễn Văn Tý đi đứng không còn vững nữa cũng cố lết đến, thật cảm động. Chẳng bù con cái những cụ khác, chết là hết, nhà nước có làm gì thì làm chứ họ chẳng bao giờ nghĩ tới. Có một nhà văn cực nổi tiếng, viết sách rất nhiều, nhưng khi cụ mất đi con cháu trong nhà không hề có ý thức thu gom bản thảo, sách vở của cụ để lưu giữ. Mình muốn tái bản một cuốn sách của cụ, khi hỏi các con cụ thì ai cũng lắc đầu cười trừ, họ chẳng biết cuốn đó giờ nằm ở phương nào. Thế mới biết anh em Lưu Trọng Văn thật có hiếu.
Nhưng buổi lễ dài quá, có lẽ nó lẫn giữa hội thảo với lễ kỹ niệm, càng về cuối càng không biết cái lễ này sẽ kết ra làm sao. Trần Tiến bấm nháy mình chuồn, nói đi ra từng thằng một nhé, đừng để Lưu Trọng Văn thấy, nó buồn. Mình ngồi nghe cũng đã nản, nghe anh rủ là đi liền. Anh khoác vai mình ra xuống cầu thang, nói vẫn biết mình bỏ dở cuộc này là rất tệ nhưng cái tính tao thế, đứng đắn một lúc thì được chứ đứng đắn dài dài là chịu không thấu. Mình cười hì hì, nói anh em mình giống nhau.
Mình quen Trần Tiến từ năm 1987, khi anh kéo băng nhạc Rock đen trắng ra Huế diễn hai đêm, đêm nào người xem cũng chật rạp. Diễn xong anh kéo mình với anh Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) nhậu nhẹt thâu đêm. Chả hiểu sao đêm thứ hai Thanh Lan bỏ đoàn vào Sài Gòn, một mình Trần Tiến gánh cả chương trình hai tiếng đồng hồ, chương trình vẫn sôi động như thường. Khán giả vô cùng hào hứng, tuyệt không một ai bỏ về.
Khả năng tự tung tự tác của Trần Tiến thật phi thường. Năm 1992, anh với Hồng Ngọc ghé qua nhà mình ở Quảng Trị, nói tao thấy cái xe Jeep ở Lao Bảo thích quá mà không đủ tiền, mày bày trò cho tao kiếm tiền đi. Mình cười hề hề, nói xong ngay. Nhưng anh tính hát vo à. Anh nói chỉ cần mày kiếm cho tao cái ghi ta thùng là được. Mình ok liền, mượn ngay rạp hát Quảng Trị, rồi lên đài truyền thanh thị xã loan báo, nói a lô a lô nhạc sĩ Trần Tiến và ca sĩ Hồng Ngọc rất cảm động khi đi qua Quảng Trị, mảnh đất 81 ngày đêm máu và nước mắt, đã quyết định dừng chân lại nơi đây, thực hiện một chương trình ca nhạc Tình yêu và Đất nước…hi hi. Bà con thị xã Quảng Trị kéo đến chật kín rạp, chưa bao giờ rạp này khách đông đến thế. Với một cái ghi ta thùng, Trần Tiến và Hồng Ngọc chơi trọn một chương trình rất hấp dẫn, dân Quảng Trị sướng ngây ngất. Mấy năm sau hãy còn nhắc.
Trần Tiến kiếm tiền rất dễ nhưng chưa bao giờ thấy anh giàu. Kiếm bao nhiêu anh nhậu bấy nhiêu, nhậu đến xu cuối cùng, chẳng cần biết ngày mai rồi sẽ sống ra sao. Hôm về Huế diễn, anh nhậu với mình đến sáng. Anh gọi bia rượu đồ mồi tơi tới cho hơn chục người nhậu nhẹt say sưa. Mình say, ngủ tới trưa mới tỉnh thì nghe nói anh bắt xe tải vô Sài Gòn rồi. Chả hiểu sao anh không đi tàu lại đi xe tải, mình đoán chắc ông này lãng tử thích đi xe tải vi vu thỏa chí tang bồng, đâu biết anh vét hết tiền nhậu đêm đó, đến nỗi không có tiền mua một cái vé tàu. Năm sau gặp, hỏi thì anh cười khì, nói khổ thân tao, đã không tiền phải xin đi nhờ xe tải, vào đến Bình Thuận xe tải đâm phải một xe tải khác, thằng xế gãy chân, tao nằm đói một ngày trời mới xin được xe khác vô Sài Gòn.
Năm 1996 anh sang Nga, du ca khắp nước Nga. Lúc về gặp mình ở Hà Nội, chỉ thấy anh đứng nói suông không hề kéo mình vào quán như mọi lần. Mình trêu anh, nói bác bây giờ khẳm tiền rồi, chắc đang ở tình trạng thiếu năm phân đầy trăm cây, tiết kiệm ghê quá. Anh moi ra một rúp, nói thu nhập chuyến du ca của tao đây này. Mình chả tin. Anh cười, nói người ta du ca, tao du côn ca. Kiếm được đồng nào nhậu và yêu đồng đó, bò về tới đây được là phúc. Cái kiếp du côn ca của tao thật chán mớ đời.
Hi hi… nghĩ cái số kiếp Trần Tiến cũng hay. Thuở bé nhạc nhẽo chả quan tâm, chỉ chúi mũi học giỏi cả toán lẫn văn, thế rồi bỗng trở thành nhạc sĩ. Trần Tiến học cấp 2 trường Trưng Vương Hà Nội, trường này trước 1962 toàn con gái, sau mới tuyển cả học sinh nam. Anh khoe, nói tao là lứa đầu tiên vác cu về trường Trưng Vương đấy nhé. Cấp 2 anh giỏi văn nổi tiếng trường, đã giỏi văn lại hát hay, mấy em học cùng trường mê tít. Lên cấp 3 lại học giỏi toán cực kỳ, giải nhất toán Miền Bắc năm 1963 hay 1964 chi đó. Anh nói chiến tranh đã biến số kiếp tao thành kiếp du côn ca, nếu không có chiến tranh rất có thể tao làm toán giỏi như Ngô Bảo Châu, hèn ra cũng viết văn được như mày.
Đúng vậy. Tốt nghiệp phổ thông vừa lúc chiến tranh phá hoại miền Bắc bùng nổ, Trần Tiến đi TNXP vào tận Bố Trạch, Quảng Bình “phá đá mở đường Trường Sơn”. Từ đó mới tòi ra bài hát TNXP ra tiền tuyến, sau sang Lào anh có thêm bài Cô gái Sầm Nưa. Trần Tiến trở thành nhạc sĩ lừng danh từ khi nào không biết. Hồi bé mình nghiện bài Cô gái Sầm Nưa, hát đi hát hát lại cả trăm lần nhưng chả biết tác giả là ai. Một hôm rượu say với anh, mình trương gân cổ hát rống lên mấy câu, sai nhịp lạc phách tùm lum. Anh trợn mắt lên nhìn mình, nói này thằng kia, đừng có xúc phạm bài hát của tao. Khi đó mới biết Trần Tiến có những bài hát rất nổi tiếng từ tuổi hai mươi. Phục lăn.
Năm 1979 chiến tranh biên giới, khi đó mình đang học năm cuối Bách Khoa, có một nhóm ca khúc chính trị biểu diễn ở sân trường. Ba cô gái rất xinh ôm ghi ta hát bài Những đôi mắt mang hình viên đạn xúc động đến nỗi mình đã bật khóc, cả ngàn sinh viên đêm ấy đứng lặng ngắt, nước mắt rưng rưng. Chả hiểu sao mình cứ đinh ninh bài ấy là của Phan Nhân, mới hôm qua đây thôi mình ớ người, té ra là của Trần Tiến.
Cuộc nhậu ở nhà Nguyễn Mạnh Tuấn kéo dài tới ba giờ chiều, nói đông nói tây cuối cùng cũng quay về câu chuyện biển Đông đang nổi sóng. Trần Tiến có khá nhiều ca khúc chính trị nổi tiếng nhưng anh rất ghét phải ngồi nghe chuyện chính trị. Ngồi nhậu đâu hễ người ta bàn chuyện chính trị là anh kiếm cớ chuồn liền. Có lẽ duy nhất buổi nhậu hôm qua là anh không bỏ về. Anh ngồi im nghe anh em bàn tán, mặt mày buồn xo.
Bất chợt Trần Tiến cất tiếng hát. Anh hát bài Những đôi mắt mang hình viên đạn. Lúc đầu còn hát nhỏ sau anh hát to, rất to. Sự bùng nổ cảm xúc cố kìm nén hiếm hoi của Trần Tiến: Đoàn quân lặng im, nhìn đàn em bé, từng đôi mắt đen xoe tròn, từng đôi mắt mang hình viên đạn, từng đôi mắt sáng lên cháy lên như ngàn viên đạn, từng đôi mắt quê hương trao cho đoàn quân/ Người chiến sĩ hãy giữ lấy… Anh đột ngột dừng lại giữa chừng, ngồi rũ ra không nói gì. Rất lâu sau anh ngước lên rưng rưng nhìn mình, nói biển Đông đang nổi sóng mà tao già mất rồi mày ạ. Khốn thế.
Nguyễn Quang Lập
Bình luận (0)