Vị thuốc từ ngó sen

25/06/2011 19:11 GMT+7

Theo lương y Vũ Quốc Trung, trong y học cổ truyền, ngó sen được xem là vị thuốc có tên gọi là “liên ngẫu”. Ngó sen có vị ngọt, tính hàn (lạnh), có tác dụng thanh nhiệt, sinh dịch, giúp mát huyết (máu), cầm máu...

Một số cách chế biến vị thuốc ngó sen trong điều trị bệnh như dưới đây: Chữa kinh nguyệt không đều thì dùng 20g ngó sen, đem phơi khô, rồi cùng 12g củ gấu (rang cháy hết rễ và lông) tán nhỏ, rây bột mịn, rồi trộn với mật ong hoặc nước đường làm thành viên to bằng hạt đậu xanh. Ngày dùng hai lần, mỗi lần 50 viên như thế với nước ấm.

Để thanh nhiệt, giải trừ cái nắng nóng của mùa hè thì dùng 200-250g ngó sen (loại tươi) cắt thành đoạn ngắn rồi cùng 10g lá đạm trúc diệp cho vào nồi, đổ nước nấu lấy nước uống thay nước trà trong ngày. Để trị tình trạng nhiệt phiền khát (hay uống nước) thì dùng khoảng một lạng ngó sen tươi đem giã dập rồi vắt lấy nước, cùng với 60g mật ong, trộn đều để uống trong ngày. Cũng có thể lấy một ít ngó sen tươi rửa sạch, và một ít đậu xanh hột (rửa sạch ngâm nước cho nở ra), rồi đem cả hai hấp cho chín để ăn.

Nếu hay bị chảy máu cam thì dùng khoảng 200g ngó sen tươi rửa sạch, giã lấy nước uống trong ngày; hoặc đem ngó sen cắt khúc nấu canh để ăn; hoặc lấy một ít ngó sen tươi cùng với một ít lá hẹ, giã nát, vắt lấy nước nhỏ vào mũi để cầm máu.

Lâu lâu bị tình trạng biếng ăn, có thể lấy ngó sen tươi rửa sạch, chẻ mỏng rồi đem nấu cháo cùng gạo tẻ, nấu chín thật nhừ và ăn với đường lúc cháo còn âm ấm. Nếu bị viêm tiết niệu có thể dùng ngó sen tươi (một lượng tùy dùng) đem cắt nhỏ cho vào tô rồi đổ nước mía vào cho ngập để đó ngâm ngó sen trong một ngày, sau đó lấy ngó sen ra để ép lấy nước dùng.

Dân gian còn dùng ngó sen tươi, rau má (cùng 30g), và 20g mã đề đem sắc uống trị bệnh sốt xuất huyết. 

Khánh Vy
(ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.