>> Thành nhà Hồ trở thành di sản văn hóa thế giới
Theo sử sách ghi lại, Thành nhà Hồ còn có các tên gọi như Thành An Tôn, Thành Tây Đô, Thành Tây Kinh, Thành Tây Giai, Thành Thạch Thành, được Hồ Quý Ly khi đó là Phụ chính Thái sư dưới triều Trần Thuận Tông (1388 - 1398) cho xây dựng từ tháng giêng đến tháng ba năm Đinh Sửu (1397). Năm 1400, khi Hồ Quý Ly lên ngôi, Thành An Tôn chính thức trở thành kinh đô nước Đại Ngu từ năm 1400 - 1407, với tên gọi Thành Tây Đô.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: Thành Tây Đô có La thành, Thành nội và Hộ thành hào. Ngày nay còn nhận thấy một phần La thành là đê đất đắp nối liền những gò đồi tự nhiên chạy theo hữu ngạn sông Bưởi, cách Thành nội hai cây số, và một phần Hộ thành hào bao quanh bốn phía tường Thành nội.
Theo Ban quản lý di tích Thành nhà Hồ, Thành nội được xây dựng trên bình đồ vuông: cạnh đông - tây dài 877 mét, nam - bắc dài 880 mét, trên diện tích 771.760 mét vuông. Phần tường thành phía ngoài xây bằng 7 hàng đá xếp ngang, 2 hàng đá chìm dưới làm thành móng, 5 hàng nổi trên mặt đất, kích thước trung bình của 5 lớp đất đá nổi trên mặt đất kể từ trên xuống là 0,4 mét, 0,6 mét, 0,8 mét, 1 mét, 1,1 mét. Các phiến đá nặng trung bình từ 10 - 20 tấn, ước tính toàn bộ phần tường đá có khối lượng 25.000 mét khối, phần tường đất khoảng 80.000 mét khối.
Thành nội nhà Hồ có bốn cổng: Nam, Bắc, Đông, Tây. Cổng Nam là cổng tiền được xây ba cửa, còn các cổng khác chỉ xây một cửa.
Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, trong Thành nội có các công trình kiến trúc như điện Hoàng Nguyên, cung Nhân Thọ, cung Phù Cực, Đông Cung, Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu. Đôi rồng thềm bậc cửa bằng đá bị mất đầu, của một trong các kiến trúc trên, nằm ven đường từ cổng phía Bắc xuống cổng phía Nam, là di vật hiện còn duy nhất trong Thành nội.
Các cuộc khai quật khảo cổ gần đây đã phát hiện một phần nền móng kiến trúc trong Thành nội như đường lát đá Hoa Nhai, khuôn viên cửa Nam và nhiều hiện vật đặc trưng của văn hoá thời kỳ Trần - Hồ.
Khu di tích Thành nhà Hồ đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích quốc gia từ năm 1962. Ngày 23.9.2008, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý trình hồ sơ khoa học Khu di tích Thành nhà Hồ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
Nhân sự kiện Thành nhà Hồ vừa được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, xin mời bạn đọc cùng khám phá địa danh nổi tiếng này qua những bức ảnh ghi lại gần đây:
|
Phạm Ngọc Bằng
(thực hiện)
Bình luận (0)