Theo AFP, Thượng viện Mỹ hôm 27.6 (rạng sáng qua, giờ VN) thông qua nghị quyết S.Res.217 do Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương Jim Webb, đại diện một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng đệ trình trước đó một tuần. Nội dung nghị quyết có đoạn: “Thượng viện Mỹ lên án việc sử dụng vũ lực của các tàu dân sự và quân sự Trung Quốc trên biển Đông”, đồng thời kêu gọi tìm kiếm một giải pháp đa phương và hòa bình cho tranh chấp trong khu vực.
|
Nghị quyết trên được đưa ra sau một loạt các hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc đối với các tàu Việt Nam và Philippines trên biển Đông trong thời gian qua. Theo báo The Hill, nghị quyết cũng nhấn mạnh sự ủng hộ các lực lượng vũ trang Mỹ tiếp tục hoạt động nhằm góp phần bảo vệ quyền tự do hàng hải tại vùng biển quốc tế ở biển Đông.
“Ngày càng nhiều quốc gia xung quanh biển Đông bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động của Trung Quốc”, Văn phòng của ông Webb ra thông cáo sau khi Nghị quyết S.Res.217 được Thượng viện thông qua. Trước đó, AFP dẫn lời ông Webb cho hay bản nghị quyết sẽ làm rõ lập trường của Thượng viện Mỹ về vấn đề này.
Hôm qua, Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích Mỹ “đã quá vô lý” khi đưa ra nghị quyết trên. Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói các nghị sĩ Mỹ nên tìm cách khác để thúc đẩy hòa bình và ổn định của khu vực hơn là lên tiếng đôi co với Bắc Kinh. Ông Hồng lặp lại quan điểm trước nay của Trung Quốc rằng tranh chấp tại biển Đông phải được giải quyết song phương giữa các bên liên quan và bác bỏ sự can dự của Washington.
Máy bay không người lái của Trung Quốc lộ diện Cũng trong hôm qua, tạp chí The Diplomat, có trụ sở tại Tokyo, dẫn lại một số website an ninh và quân sự của Nhật Bản đề cập một loại máy bay không người lái của Trung Quốc. Chiếc máy bay này, tương tự như chiếc RO-2 Pioneer của Mỹ trong thập niên 1980, được phát hiện bay trên đầu tàu khu trục lớp 053HG của Trung Quốc, một trong số 11 tàu tham gia cuộc diễn tập hồi đầu tháng 6. Theo các nguồn tin của Nhật, máy bay không người lái của Trung Quốc đóng vai trò do thám và tìm kiếm mục tiêu cho các tên lửa chống hạm của tàu chiến Trung Quốc. Trong một diễn biến khác, Nhật Bản cũng vừa chính thức phản đối việc một tàu thám hiểm đại dương của Trung Quốc hoạt động bên trong Vùng đặc quyền kinh tế của Nhật hôm 23.6, theo AFP. Tuy nhiên, ông Hồng Lỗi hôm qua khẳng định con tàu trên chỉ đi ngang vùng biển trên chứ không hề dừng lại. |
Thụy Miên
Bình luận (0)