Cắt giảm chi phí, cắt giảm nhân công, tận dụng vốn từ gia đình - người thân, thu hẹp sản xuất, bỏ nghề tay trái, quản trị lại bộ máy, tái cấu trúc doanh nghiệp... Mỗi công ty một cách phù hợp nhất với khả năng, thích ứng với khó khăn riêng, đó là cách hàng loạt doanh nghiệp đang nỗ lực để vượt khó.
|
Ông Phạm Xuân Hồng - Tổng giám đốc Công ty may Sài Gòn 3 - cho biết ngay từ đầu năm bản thân Sài Gòn 3 cũng như nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu đã tính toán các phương án để tăng năng suất, giảm chi phí. Cụ thể, Sài Gòn 3 đã đầu tư thêm thiết bị và cải tiến quy trình sản xuất, từ đó đã làm gia tăng năng suất lao động bình quân khoảng 10%/người/tháng. Ông Hồng phân tích: “Đối với những ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, việc gia tăng năng suất luôn là điều quan trọng vì điều đó sẽ góp phần làm giảm chi phí cố định phân bổ trên từng sản phẩm. Do đó trong điều kiện khó khăn như năm nay, tất cả các doanh nghiệp ngành may điều ý thức vấn đề này. Hiệp hội Dệt may TP.HCM đã tổ chức liên tục những chuyến tham quan, trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp để học hỏi và cải tiến những khâu chưa hợp lý trong quy trình sản xuất".
Tương tự, theo ông Phạm Trung Cang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tân Đại Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM thì: trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, các công ty nhựa đều chật vật. Cách mà họ lựa chọn là chủ động giảm lợi nhuận để có giá thành hợp lý hơn khi chi phí đầu vào tăng mạnh. Họ phải tính toán chi tiết, cụ thể các chi phí để cắt giảm hợp lý, khoa học. Đơn cử như chi phí nguyên liệu sẽ chiếm 60%, tiền lương lao động chiếm 25%, lãi suất vay ngân hàng chiếm từ 2 - 3%, còn lại là chi phí vận chuyển, xăng dầu… Cắt cái gì, cắt bao nhiêu đều được "cân, đo" kỹ lưỡng. Nhưng cắt giảm chi phí thôi chưa đủ, do các chi phí tăng nhưng không thể tăng giá bán tương ứng nên Tân Đại Hưng chấp nhận chi phí “xén” vào lợi nhuận của công ty. Trước đây, lợi nhuận của công ty chiếm khoảng 10% doanh thu thì nay chỉ có thể chiếm từ 5% - 6% doanh thu. Đồng thời để có thể giữ được mức lợi nhuận của công ty bằng năm trước, công ty tăng sản lượng sản xuất lên 20% so với năm trước.
Một số doanh nghiệp lại tập trung cắt giảm chi phí hàng tồn kho và chi phí lãi vay. Theo ông Đỗ Duy Thái - Tổng giám đốc Công ty Thép Việt - vì mức tiêu thụ trên thị trường thép đã giảm gần 50% nên công ty cũng chủ động giảm hàng tồn xuống khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, công ty này cũng cắt giảm các khoản vay ngân hàng xuống mức thấp nhất để giảm chi phí tài chính.
Tuy nhiên, có một điều mà nhiều doanh nghiệp lại không thể cắt giảm chính là công nhân dù nhà máy đã giảm công suất sản xuất khá nhiều. Tạm thời, nhân viên cũng chỉ có mức lương cơ bản, công ty cũng chủ động hỗ trợ thêm cho công nhân trong thời gian qua.
M.Phương - T.Xuân
Bình luận (0)