Từ "Trường làng tôi" đến "Mùa thu không trở lại"

01/07/2011 23:48 GMT+7

Hẳn trong ký ức nhiều người vẫn còn nhớ nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu - “Quả chôm chôm biết hát” ngoại hình râu tóc lởm chởm của ông, và nhất là yêu thích những bài hát của ông: Trường làng tôi, Mùa thu không trở lại…

Từ Trường làng tôi...

Năm 1998, người viết được tháp tùng một đoàn gồm: các cô chú trong Ban Liên lạc cựu tù chính trị Côn Đảo, nhà thơ Kiên Giang, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà thơ Nguyễn Bạch Dương, nghệ sĩ Ngô Đình Long… đi thăm gia đình nhà thơ Truy Phong (tác giả trường ca Một thế kỷ, mấy vần thơ) đang sống ở cù lao Quới Thiện (Vĩnh Long).

Từ TP.HCM đi xe về đến Bến đò Vũng Liêm rồi bỏ xe lại, xuống ghe bầu vượt sông Cổ Chiên vào cù lao. Lượt về, vừa bước chân lên bến đò, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã kéo tay tôi và anh Đoàn Thạch Biền: “Đến coi chỗ này, chính là ngôi trường trong bài hát Trường làng tôi của tao!”. Đó là trường Tiểu học Vũng Liêm nằm cách bến đò khoảng trăm mét. Chỉ xa có chừng đó nhưng nhìn anh Phạm Trọng Cầu chống gậy đi khá khó khăn (anh có một chân giả), chúng tôi thật ái ngại… Đến cổng trường, anh đứng làm mẫu để chúng tôi chụp vài tấm hình. Ngôi trường trước mắt chúng tôi trông khang trang, bề thế chứ không như trong bài hát của anh Cầu, nhưng chúng tôi vẫn đồng thanh hát vang: “Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh, muôn chim hót vang lên êm đềm. Trường làng tôi con đê bé xinh xinh, len qua đám cây xanh nhẹ lướt… Trường làng tôi hai gian lá đơn sơ, che trên miếng sân vuông mơ màng. Trường làng tôi không giây phút tôi quên nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh...”.

Trong nhạc Việt, có khá nhiều bài ca nhắc đến ngôi trường cũ nhưng hầu như chỉ duy nhất bài hát này, nhạc sĩ đã dùng trọn tác phẩm để nói về ngôi trường thời thơ ấu của mình. Một bài hát tuyệt vời.

... đến Mùa thu không trở lại

Dịp ấy, Phạm Trọng Cầu còn tiết lộ anh là tác giả ca khúc Mùa thu không trở lại. Tôi cãi, bởi vì trước năm 1975, tôi có tập nhạc 12 bài ca quen thuộc trên đất Pháp (trong đó có ca khúc Mùa thu không trở lại) của tác giả Phạm Trọng. Anh cười xác nhận, sau ngày giải phóng miền Nam, anh mới thêm vào chữ “Cầu” cho tên anh được đầy đủ như trong giấy khai sinh.

 
Bìa minh họa cho bản nhạc Em ra đi mùa thu

Nhạc sĩ cho biết: anh sinh đúng vào ngày Noel (25.12.1935) tại Phnom Penh (Campuchia). Cha anh là trắc địa sư Phạm Văn Lạng, vốn gốc Hà Nội, nhưng đang làm việc tại đây (thời Pháp thuộc, những công chức có thể được điều chuyển khắp Đông Dương: Việt Nam, Campuchia, Lào) nên năm 1943, đã đưa gia đình về Sài Gòn và mẹ của anh (bà Đào Thị Ngọc Thư) mở một nhà hàng ca nhạc mang tên Aristo. Tại đây, Phạm Trọng Cầu được tiếp xúc với những ban nhạc Philippines và một số nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong nước. Anh cũng bắt đầu học chơi đàn mandoline… Tuy nhiên, thời gian này khá ngắn ngủi - chưa tới 2 năm thì chiến cuộc lan tràn, gia đình anh phải tản cư lên Biên Hòa. Sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh, gia đình anh trở về Sài Gòn, rồi chuyển dần xuống miền Tây Nam Bộ.

Ở Vĩnh Long, anh theo học trường Tiểu học Vũng Liêm và tham gia vào Đội tuyên truyền xung phong huyện. Năm 1948, Phạm Trọng Cầu trở lại Sài Gòn, tham gia phong trào xuống đường đấu tranh của sinh viên, học sinh. Một thời gian sau, ông thoát ly và vào bộ đội Tiểu đoàn 308, rồi Trung đoàn Cửu Long. Sau đó, ông bị thương phải cưa chân, mẹ ông đã tìm cách đưa ông vào Sài Gòn cứu chữa. Năm 1953, Phạm Trọng Cầu thi vào trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, và chàng trai 18 tuổi, nhớ về thời thơ ấu cắp sách đã sáng tác ca khúc Trường làng tôi… Tốt nghiệp xong, đến năm 1962 Phạm Trọng Cầu lại thi vào Nhạc viện Paris (Pháp).

Tại Paris, anh đã viết 12 bài ca quen thuộc trên đất Pháp, trong đó có Mùa thu không trở lại… Với ca khúc này, Phạm Trọng Cầu tâm sự: “Dạo ở Paris, mình gặp và yêu một cô gái Việt Nam có mái tóc đen dài, đôi mắt buồn vời vợi. Tình yêu đang độ trăng rằm thì nàng phải về nước và không bao giờ trở lại Paris nữa. Chúng tôi chia tay vào mùa thu - khung cảnh mùa thu ở châu u rất đẹp, nhưng nếu phải chia ly trong một cái nền như vậy thì nó lại trở nên thật tê tái: “Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại. Em ra đi mùa thu, sương mờ giăng âm u. Ngày em đi, nghe chơi vơi não nề. Qua vườn Luxembourg. Sương rơi che phố mờ, buồn này ai có mua? Từ chia ly, nghe rơi bao lá vàng, ngập dòng nước sông Seine. Mưa rơi trên phím đàn, chừng nào cho tôi quên?... Em ra đi mùa thu, mùa thu không còn nữa. Đếm lá úa mùa thu, đo sầu ngập tim tôi…”.

Tôi hỏi anh có phải cô ấy tên Thu không mà anh cứ lặp lại câu điệp khúc “Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại”? Anh trầm ngâm: “Đối với tôi... là một mối tình xa xưa thời còn trai trẻ. Gặp nàng vào mùa xuân, mùa hạ tình nồng cháy và mùa thu nàng ra đi. Hôm tiễn nàng ra sân bay, tôi trở về nhà phải đi ngang qua khu vườn Luxembourg. Khu vườn đó, khi đi ngang, tôi chợt nhận ra mùa thu, vì chân mình đá rất nhiều lá vàng, trong tôi tự nhiên vang một giai điệu "Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại...". Dù là mùa thu ở Paris rất đẹp, nhưng mà từ mùa thu đó, với tôi, mùa thu không bao giờ trở lại nữa, chỉ có thế thôi”.

Sau chuyến đi cù lao Quới Thiện về được khoảng 2 tháng thì anh Phạm Trọng Cầu đột ngột qua đời… 

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.