Sau thảm họa

03/07/2011 00:30 GMT+7

Nghe đi công tác Nhật Bản, vợ tôi tỏ vẻ lo lắng: “Nghe nói ở bển đang bị nhiễm phóng xạ, sao ông dám đi, không sợ hả?”. Tôi trấn an bà xã: “Nếu nguy hiểm như vậy, chắc người Nhật đã di tản hết ráo rồi!”.

Sự thực là 130 triệu dân Nhật Bản chẳng di tản đi đâu cả. Họ vẫn sống và làm việc cật lực trên quần đảo ấy, sau thảm họa động đất và sóng thần vào tháng 3 vừa qua. Thảm họa xảy ra đúng vào mùa hoa anh đào chuẩn bị nở rộ - mùa đẹp nhất, có ý nghĩa nhất trong năm đối với những người con của Thái dương thần nữ (đất nước Mặt trời mọc). Vào thời điểm ấy, hầu hết các công ty lữ hành ở Việt Nam đồng loạt hủy bỏ tour đến Nhật. Điều đó cũng phải, vì trong bối cảnh nhà cửa tan hoang, lò phản ứng hạt nhân Fukushima bị nổ, hàng chục ngàn người chết và mất tích… thì bụng dạ nào mà đi du lịch. Hoa anh đào Nhật Bản mùa 2011 vì thế đã nở và tàn trong không khí lặng lẽ, tang thương.

 

Shinsaibashi (Osaka) 

Cuối tháng 5.2011, một đoàn 16 người (gồm 12 nhà báo, 2 đại diện của Công ty du lịch Vietravel và 2 đại diện của Vietnam Airlines) sang Nhật nhằm khởi động lại đường tour vốn rất được du khách Việt Nam ưa chuộng trước khi thảm họa xảy ra. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là mắt thấy tai nghe những sinh hoạt của người dân Nhật sau thảm họa, theo lộ trình: Tokyo - núi Phú Sĩ - Kyoto - Kobe - Osaka. Rất tiếc là khu vực Fukushima cách thủ đô Tokyo khoảng 200 km về phía bắc đã bị phong tỏa, du khách không được phép đến gần.

1 - Tokyo

Trong thế chiến thứ hai (1939-1945), nhiều khu vực của thành phố này trở thành bình địa. Sau chiến tranh, Tokyo được xây dựng lại hoàn toàn để 20 năm sau (1965) trở thành đô thị lớn nhất thế giới (qua mặt thành phố New York của Mỹ). Tokyo ngày nay là một thành phố hiện đại, đông dân cư (khoảng 13 triệu người), nhưng trật tự, ngăn nắp, sạch sẽ. Những ngày lưu trú ở đây, đoàn nhà báo chúng tôi có dịp tiếp xúc với anh chị em sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam thông qua Hội Thanh niên - sinh viên VN tại Nhật Bản. Có tổng cộng 3.700 sinh viên VN đang theo học tại Nhật, lúc thảm họa xảy ra, đại đa số vẫn bám trụ, không hốt hoảng bay về nước. Anh Nguyễn Ngọc Tú, Chủ tịch hội cho biết mọi chuyện sinh sống, học tập và lao động kiếm thêm thu nhập của SV đã trở lại bình thường. Giống như SV, hầu hết công nhân VN vẫn ở lại với nước Nhật để lao động, chẳng thấy ai di tản trong thời gian xảy ra thảm họa. Điều này đã tạo ấn tượng tốt đối với chính phủ và người dân Nhật Bản vốn rất cần nhân lực để tái thiết vùng thảm họa và cũng nhằm duy trì hoạt động của nền kinh tế.

Tokyo có nhiều điểm đáng để tham quan, trong đó phải kể đến hoàng cung - nơi ở của Hoàng gia Nhật Bản, tháp Tokyo - gần giống tháp Eiffel ở Paris nhưng cao hơn, đền Asakusa Kannon, khu thương mại Ginza và Shinjuku… Những nơi này vẫn đông đảo du khách đến thăm như nó từng diễn ra, nhất là những khu thương mại. Cũng dễ hiểu thôi, vì người Nhật vốn rất hào phóng trong chuyện shopping. Đặc biệt phố đi bộ Nakamise Dori nối liền với đền Asakusa Kannon luôn đông nghẹt người, mua sắm nhộn nhịp, ăn uống vô tư, cười nói hồn nhiên. Giới trẻ chiếm đa số trên con đường này.

Núi Phú Sĩ - biểu tượng của nước Nhật - là điểm dừng chân tiếp theo sau khi rời Tokyo. Ngày chúng tôi lên lưng chừng núi, trời đổ mưa (ảnh hưởng của cơn bão Sông Đà) và lạnh thấu xương. Mặc dù vậy, nhiều du khách vẫn tranh thủ chụp hình với những đống tuyết đặc trưng của Phú Sĩ, một niềm vui đối với du khách xứ nhiệt đới.

2 - Cố đô Kyoto

Từng là thủ đô của Nhật Bản vào cuối thế kỷ 8, tính đến nay Kyoto đã có lịch sử hơn 1.200 năm. Cố đô này có 17 ngôi chùa, đền được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, hiển nhiên trở thành một vùng đất tâm linh. Một trong số đó là chùa Kiyomizu (chùa Thanh Thủy) dựa lưng vào vách núi, thu hút khá đông du khách đến cúng kiếng và thưởng ngoạn. Đứng ở đây, bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Kyoto xa xa phía dưới.

Lúc ở thủ đô Tokyo, tôi có uống thử nước máy công cộng tại công viên sát bên hoàng cung và tự hỏi liệu nguồn nước ấy có bị nhiễm phóng xạ? Khi đến chùa Thanh Thủy, tận mắt nhìn thấy cư dân Nhật uống nước từ một dòng thác thiên nhiên mang tên Otawa No Taki, thì câu hỏi ấy đã có lời giải. Nguồn nước ấy chảy xuống theo 3 dòng mang 3 ý nghĩa: trường thọ, khỏe mạnh, thành đạt. Theo truyền thuyết, khi bạn uống cả 3 dòng nước này thì sẽ đạt được 3 điều vừa nêu. Rất nhiều du khách vui vẻ uống nước Otawa No Taki, nhất là học sinh bản xứ. Có người chỉ uống 1 dòng, có người uống 2 dòng, rất nhiều người phấn chấn uống cả 3 dòng nước ấy. Tôi tự hiểu, nếu nguồn nước này bị nhiễm phóng xạ thì chắc Chính phủ Nhật đã cấm cửa du khách từ lâu rồi.

Cùng với chùa Thanh Thủy, Kinkakuju (chùa Vàng) cũng là một địa điểm thu hút khá đông khách thập phương. Vẻ đẹp huyền bí và quyến rũ của ngôi chùa 3 tầng này từng được nhà văn Nhật Bản Yukio Mishama thể hiện qua tiểu thuyết Kim Các Tự nổi tiếng khắp thế giới. Gọi là chùa Vàng vì 2 tầng trên của chùa được dát bằng vàng lá 24K lấp lánh trong một không gian đẹp như tranh.

3 - Osaka

Dân số của Osaka gần 9 triệu người (tương đương TP.HCM), ít hơn Tokyo 4 triệu dân nhưng nhộn nhịp không thua kém. Osaka là thành phố dành cho những tín đồ shopping. Nổi bật là khu Shinsaibashi, ra đời từ thời Edo cách nay 4 thế kỷ. Quần áo, đồ điện tử, đồ gia dụng, mỹ phẩm, trang trí nội thất, nhạc cụ, đồ cổ, đồ lưu niệm… được bày bán la liệt trong khu Shinsaibashi, tha hồ cho bạn mua sắm. Chỉ có điều giá cả ở Nhật Bản không mềm chút nào nếu so với chuyện mua sắm ở các nước Đông Nam Á hoặc Trung Quốc.

Chi tiêu ở Nhật Bản thuộc vào hàng đắt đỏ nhất thế giới. Tuy vậy, nếu đến đúng vào dịp đại hạ giá, vì hấp lực của “Made in Japan”, bạn có thể không cưỡng lại được sự mua sắm thỏa thích cho đến đồng xu cuối cùng. Khi trời sụp tối, Osaka có một bộ mặt hoàn toàn khác. Bên cạnh du khách đi dùng bữa tối hoặc mua sắm, người ta dễ bắt gặp đèn màu giăng khắp lối, giới trẻ Nhật trong những bộ đồ thời thượng, những chiếc váy, chiếc quần “thiếu vải”, những cô gái tóc vàng, tóc nâu đủ kiểu tung tăng dạo phố. Những bạn trẻ làm nghề tiếp thị, mời chào khách đứng đầy đường; khu đèn đỏ tấp nập khách làng chơi…

 

Đền Asakusa Kannon (Tokyo) - Ảnh: Đoàn Xuân Hải 

Theo kết quả tổng hợp từ Cơ quan du lịch quốc gia Nhật Bản ở Tokyo, trong thời gian xảy ra thảm họa, du khách đến Nhật đã giảm khoảng 60% so cùng kỳ 2010. Thế nhưng sự giảm sút ấy chẳng ảnh hưởng gì lớn đối với nền kinh tế vì du lịch chỉ chiếm dưới 1% GDP của nước này. Tuy vậy, ngành du lịch Nhật Bản đã và đang tiến hành kế hoạch mời gọi du khách thập phương đến với quần đảo xinh đẹp này, để thấy mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường.

Toàn bộ lãnh thổ của Nhật Bản nằm trên vành đai địa chất nứt gãy của quả địa cầu, nên động đất diễn ra như cơm bữa ở mức độ thấp. Nếu động đất diễn ra ở mức độ cao thì thảm họa sẽ ập đến ngay như đã từng xảy ra ở Tokyo năm 1923, Kobe 1995 hay Fukushima 2011. Do vậy, chi bằng “sống chung với động đất” và chấp nhận thiên tai để hướng đến tương lai. Đó là cách mà người Nhật đã và đang thể hiện.

Đoàn Xuân Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.