"Thần hộ mệnh" của ông Strauss-Kahn

03/07/2011 23:13 GMT+7

Trong những thời khắc đen tối nhất của cựu Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn, vợ ông, bà Anne Sinclair vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc nhất.

Khi ông Strauss-Kahn bị bắt hồi tháng 5 vì nghi án tấn công tình dục cô hầu phòng của khách sạn Sofitel New York (Mỹ), bà Sinclair đã chuẩn bị một chiến dịch quy mô lớn để bảo vệ chồng: mời những luật sư hàng đầu, thuê các nhà điều tra lừng danh thu thập thông tin về nguyên đơn..., theo tờ Le Monde. Chiến dịch này đã thành công bước đầu sau khi cựu lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) được miễn quản thúc trong lúc chờ xét xử. Ngoài ra, việc cảnh sát Mỹ “bất ngờ” phát hiện nhiều chi tiết đáng nghi trong lời khai và nhân thân của cô hầu phòng cũng được cho là có phần góp tay từ các thám tử tư của bà Sinclair.

Đây không phải lần đầu tiên bà Sinclair chứng tỏ mình là “luật sư bào chữa” tích cực nhất của chồng. Năm 2008, khi ông Strauss-Kahn bị nghi ngờ quan hệ thân mật và thiên vị một nhân viên IMF, bà vẫn khẳng định: “Sự cố này đã là quá khứ, chúng tôi vẫn yêu nhau như ngày đầu”.

Giàu có và quyền lực

Cơ hội tái xuất chính trường

Theo thăm dò đăng hôm qua trên tờ Le Parisien, 49% người được hỏi ủng hộ việc ông Dominique Strauss-Kahn trở lại chính trường Pháp nếu ông thật sự trắng án, so với 45% phản đối và 6% không trả lời. Ngoài ra, nhiều người ủng hộ đảng Xã hội mong muốn đảng này dời lịch chọn đại diện tham gia ứng cử Tổng thống Pháp 2012 để chờ ông Strauss-Kahn.

Trước khi lui về hậu phương để vun đắp cho sự nghiệp của chồng, Anne Sinclair được xem là tên tuổi sáng giá bậc nhất trong giới truyền thông Pháp. Bà được báo chí tặng đủ mọi mỹ từ: “Biểu tượng của màn ảnh nhỏ”, “Ngôi sao tối chủ nhật”... Trong suốt 13 năm, từ 1984-1997, Anne Sinclair là linh hồn của chương trình 7 sur 7 trên sóng truyền hình TF1 về những vấn đề chính trị, xã hội nóng bỏng trong tuần. Với tài năng của mình, có lúc bà khiến hơn 12 triệu khán giả phải dán mắt vào màn ảnh, một con số đáng mơ ước đối với mọi chương trình truyền hình.

Tờ L’Express dẫn lời các cựu lãnh đạo Đài TF1 kể: “Những chính trị gia nổi nhất vào thời đó đều muốn xuất hiện trên 7 sur 7. Bà Sinclair nhận được hằng hà sa số những lời mời, cuộc gọi...”. Là một trong những nhà báo Pháp quyền lực nhất vào thập niên 1990 nhưng bà Sinclair chưa từng bị tai tiếng gì. Bà luôn từ chối những khoản quà cáp hấp dẫn từ giới chính trị gia và doanh nhân.

Chưa bao giờ tiền bạc là mối quan tâm của bà Sinclair. Trong thời gian chủ trì 7 sur 7, lương tháng của bà khoảng 33.000 euro. Chưa hết, bà còn là cháu ngoại của Paul Rosenberg, nhà sưu tầm và buôn bán tranh nổi tiếng nhất nhì thế kỷ 20. Ông Rosenberg là một trong những người đầu tiên giới thiệu tác phẩm của các tên tuổi lớn, khi ấy vẫn còn vô danh, như Braque, Léger, Matisse... và đặc biệt là Picasso. Một số chuyên gia hội họa thậm chí còn nhận định nếu không có Rosenberg, có thể Picasso đã không nổi tiếng như ngày nay.

Chưa có thống kê chính xác nào về mức độ giàu có của bà Sinclair và truyền thông Pháp chỉ có thể “đoán già đoán non” tài sản của bà có thể lên đến 55 triệu euro, thậm chí còn hơn thế.

Tình yêu tuyệt đối

Có mọi thứ trong tay, bà Anne Sinclair lại sẵn sàng đánh đổi tất cả vì “tình yêu tuyệt đối” dành cho ông Strauss-Kahn. Cùng 62 tuổi, tiếng sét ái tình đến với hai người trong một chương trình truyền hình năm 1989 do bà Sinclair thực hiện. Ông Strauss-Kahn là một trong những khách mời phụ của chương trình. Khi ấy, ông là người đứng đầu Ủy ban Tài chính tại Hạ viện của đảng Xã hội, vẫn còn là “lính mới” trên chính trường trong khi bà Sinclair đã là nhà báo nổi tiếng nhất nước. Hai năm sau cuộc gặp gỡ ấy, họ cưới nhau. Đó đều là lần kết hôn thứ hai của cả hai người.

Tại trường quay 7 sur 7, Anne Sinclair từng có dịp gặp gỡ hầu hết các chính trị gia quyền lực nhất vào giai đoạn ấy, trong lẫn ngoài nước, cánh tả lẫn cánh hữu... Với các mối quan hệ của mình, bà trở thành “chiến lược gia”, từng bước đánh bóng tên tuổi của Dominique Strauss-Kahn. Ông càng nổi bật, bà càng lui về hậu phương, chấp nhận hy sinh vì sự nghiệp của chồng. Khi ông Strauss-Kahn trở thành Bộ trưởng Kinh tế Pháp năm 1997, bà Sinclair quyết định rút khỏi chương trình 7 sur 7 để tránh mọi nguy cơ xung đột quyền lợi và những lời bán tán. Bà bỏ hẳn nghề báo để theo ông Strauss-Kahn sang Mỹ năm 2007.

Những người thân quen của vợ chồng Strauss-Kahn đều khẳng định: Anne Sinclair bình thường là người rất nhu hòa, tử tế, nhưng chớ ai dại dột đụng vào người chồng mà bà thường gọi bằng cái tên trìu mến là “Domi”. Bà từng nổi trận lôi đình với chủ bút tờ Le Monde Jean-Marie Colombani vì tờ báo có bài viết làm ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp của chồng mình.

Trở lại với nghi án tấn công tình dục của cựu Tổng giám đốc IMF, tờ The New York Times dẫn lời một số thanh tra cao cấp của Mỹ tiết lộ kết quả giám định cho thấy ông Strauss-Kahn thật sự có quan hệ tình dục với cô hầu phòng. Chỉ chưa biết đây là đồng thuận hay cưỡng ép. Dù vậy, hơn một tháng qua, bà Sinclair vẫn chứng tỏ tình yêu và niềm tin vào chồng khi không tiếc thời gian, công sức và tiền bạc, tìm mọi cách tránh cho ông Strauss-Kahn khỏi vòng lao lý.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.