Đề Lý dài nhưng không quá khó

04/07/2011 13:45 GMT+7

(TNO) Chiều nay 4.7, các thí sinh (TS) đã hoàn tất môn thi thứ 2 của đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2011. Tại TP.HCM, nhiều TS cho biết đề Lý không quá khó và hi vọng đạt điểm cao hơn môn Toán thi vào buổi sáng.

>> Gợi ý giải đề thi môn Toán (khối A)
>> Nhiều thí sinh than đề Toán khó
>>
Nên mang theo áo mưa khi đi thi đại học
>> Làm gì để giúp con giải tỏa áp lực thi cử?
>> Chuẩn bị thi ĐH-CĐ: Bí quyết làm bài thi môn năng khiếu
>> "Nóng" ở ga tàu, bến xe
>> Để đạt điểm tốt các môn học thuộc bài
>> Thí sinh “ảo” thấp
>> Lo kẹt xe ngày thi
>> Thi tuyển sinh ĐH đợt 1
>> Coi chừng vì “dế” bỏ lỡ kỳ thi!

Theo tin từ Bộ GD-ĐT, ngày thi đầu tiên đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót; không có hiện tượng tung tin thất thiệt về đề thi.

Công tác coi thi được thực hiện nghiêm túc, không khí trường thi trật tự, an toàn. Tình hình giao thông tại các thành phố lớn không có hiện tượng ùn tắc giao thông, TS đến dự thi đảm bảo thời gian qui định. Cung cấp điện, nước ổn định ở tất cả các hội đồng thi, không có sự cố mất điện, mất nước.

Tỷ lệ TS dự thi/số đăng kí dự thi: buổi sáng, môn Toán: 76,92% và buổi chiều, môn Vật lí: 76,34%.

Toàn ngày thi có 60 TS vi phạm Quy chế tuyển sinh bị xử lý kỷ luật (khiển trách 22; cảnh cáo 9; đình chỉ 26 và 3 TS đến muộn không được dự thi).

Hà Nội: Thí sinh than đề Lý dài

Chung tâm trạng với sáng nay, buổi chiều, nhiều TS rời phòng thi môn Lý với tâm trạng chán nản vì không làm được bài.

Đề dài, nhiều câu quá sức với những TS có học lực vừa là nhận xét của không ít TS tại nhiều hội đồng thi (HĐT) ở Hà Nội trong buổi chiều hôm nay.

Nguyễn Văn Thắng, thi vào khoa Địa chất, ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội tại HĐT THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết: "Đề Lý dài, cả hai phần lý thuyết và bài tập cùng khó. Vừa phát đề, em vội cắm đầu làm ngay mà đến cuối giờ cũng không giải xong tất cả các bài. Có những câu thật sự hóc búa đối với những học sinh chỉ học lực khá như em”, Cường chia sẻ.


Các thí sinh tại Hà Nội trao đổi bài Vật lý ngay sau khi ra khỏi hội đồng thi - Ảnh: Ngọc Thắng

Không chỉ tại những điểm thi của những trường “top dưới”, ở nhiều trường “tốp trên” cũng có nhiều TS nhăn nhó vì không làm được bài. Nguyên nhân cũng vì đề Vật lý khá dài và khó so với các năm trước. TS Nguyễn Thị Thu Hương, dự thi ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết. Theo TS này, cấu trúc đề thi nặng, có nhiều bài tập nên với 90 phút, không đủ để có thể giải quyết hết đề môn Vật lý.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các điểm thi tại trường ĐH Kiến trúc và Học viện Bưu chính viễn thông trong môn thi chiều nay hầu như không có TS nào nộp bài ra sớm. Theo nhiều TS, đề thi Vật lý năm nay dài hơn so với năm ngoái và không có phần gỡ điểm cho TS. (Vũ Thơ - Thành Chung - Lê Quân)

Đà Nẵng: Hơn 300 TS bỏ thi môn Vật lý

Buổi chiều môn thi Vật lý tương đối dễ thở khiến TS dự thi ĐH ở Đà Nẵng tỏ ra bớt âu lo hơn. Tuy nhiên, do đề Toán buổi sáng khó, nên có đến hơn 300 TS bỏ thi môn Vật lý vào buổi chiều.

TS Huỳnh Công Tiến thi tại HĐT Kim Đồng cho biết Tiến làm bài đạt khoảng 60%. Tuy nhiên, Tiến cũng cho biết, nhiều bạn trong phòng thi của em than đề Vật lý khó.

Buổi chiều thi môn Vật lý, TS Lê Thị Giang, thi ở điểm thi ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng trước giờ bóc đề đột ngột bị đau bụng, sau khi được y tế chăm sóc vẫn không thuyên giảm, nên lãnh đạo HĐT quyết định phải đưa em đi bệnh viện cấp cứu.


Với nhiều thí sinh ở Đà Nẵng, đề Lý có vẻ dễ thở hơn môn Toán - Ảnh: Diệu Hiền

Ở buổi thi môn Vật lý, có 2 TS bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi, 1 TS ở điểm thi Lê Lai, 1 TS ở điểm thi Đại học Sư phạm.

Trước HĐT Kim Đồng, nhiều tốp thanh niên bán bài giải đề thi môn Toán đã đón TS ngay trước cổng ra vào để bán với giá 4.000đ/bài giải. Nhóm thanh niên này cho biết, bài giải được tải từ các trang báo mạng xuống và in ra. (Diệu Hiền)

Đồng bằng sông Cửu Long:

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng coi thi liên trường cụm Cần Thơ cho biết cho đến kết thúc môn thi thứ 2, công tác tổ chức thi ở cụm này vẫn diễn ra an toàn. So với môn thi buổi sáng, có thêm 79 trường hợp TS vắng mặt. Như vậy, trong ngày thi đầu tiên, đã có 8.416 TS bỏ thi ở 2 môn Toán, Lý.

Ngoài ra, trong buổi chiều thi môn Vật lý, tại điểm thi Trung tâm đại học tại chức Cần Thơ (khu A), có 1 TS bị xử lý đình chỉ thi do ghi công thức vật lý vào vỏ máy tính. Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trước giờ thi, một trường hợp TS bị tai nạn. Gia đình TS đến báo và được HĐT xắp xếp chuẩn bị phòng thi riêng, nhưng cuối cùng TS này đã không thể đến điểm thi.


Thí sinh chuẩn bị thi môn Vật lý, tại điểm thi Nhà học A3 - Khoa KHXH-NV, Đại học Cần Thơ - Ảnh: Tiến Trình

Đại học Đồng Tháp: trong buổi chiều thi môn thứ hai có 5 TS bỏ thi không rõ nguyên nhân, số TS dự thi trong ngày thi đầu tiên đạt tỷ lệ trên 83,6%.

Đại học An Giang: có một TS bị đình chỉ thi do đem theo điện thoại di động. Buổi chiều thi môn thứ 2 có 12 TS bỏ thi, số TS dự thi trong ngày thi đầu tiên là 5.406, đạt tỷ lệ 86,57%.

Trong ngày thi đầu tiên một nữ sinh bị ngất xỉu trong giờ thi phải đưa đi cấp cứu, sau đó bỏ thi, một nam sinh ở HĐTsố 1 bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi. (Thanh Dũng - Tiến Trình)

Thí sinh cao 1m vẫn đi dự thi ĐH

Vương Thị Ngọc (H.Phú Xuyên, Hà Nội) là TS có chiều cao khiêm tốn nhất (1m), dự thi vào ĐH Bách Khoa Hà Nội (ảnh). Theo ông Vương Văn Cường, bố của Ngọc thì em bị dị tật bẩm sinh từ bé, ít phát triển chiều cao. Tuy nhiên, em luôn là học sinh giỏi, năm nay em tốt nghiệp phổ thông và dự thi vào khoa Công nghệ thông tin của ĐH Bách Khoa Hà Nội.


Thí sinh Vương Thị Ngọc và bố tự tin dự thi - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì những TS khuyết tật không tự phục vụ được nhu cầu cá nhân sẽ được miễn thi. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Thanh Niên chiều ngày 4.7, sau khi kết thúc thi môn Lý, ông Nguyễn Cảnh Lương - Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - cho biết nhà trường không nhận được đơn xin xét tuyển của TS này.

Ông Cường cho hay, do không biết có quy định được miễn thi nên vẫn cho Ngọc đi thi bình thường. (Vũ Thơ)

TP.HCM: TS phấn khởi hơn với môn Vật lý
 
Sau khi thi xong môn Lý chiều 4.7, nhiều TS cho biết đề Lý không quá khó và hi vọng đạt điểm cao hơn môn Toán thi vào buổi sáng.

TS Nguyễn Duy Huy Cường (quê Ninh Thuận), thi vào trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM phấn khởi nói: "Đề thi chiều nay cũng "dễ thở" hơn so với đề Toán buổi sáng, hi vọng được 7 điểm, gỡ gạc lại cho môn Toán. Sáng nay em làm bài không tốt lắm".

Đây là năm thứ hai Cường lên TP.HCM thi đại học. Theo Cường, đề Lý năm nay dễ hơn một chút so với năm ngoái.

Trong khi đó, TS Đỗ Thị Phương Trúc (ở H.Cần Giờ, TP.HCM) thì nói làm được hết 50 câu trong 90 phút, nhưng chắc chắn đúng chỉ khoảng 65%.

"Nhìn lướt qua thì thấy đề cũng dễ, nhưng em chỉ làm được tốt phần lý thuyết, còn phần tính toán thì cũng hơi phức tạp nên không đủ thời gian để xem lại kết quả", Trúc cho biết.

Còn đối với TS Phan Hồng Ý (Đồng Nai), thi vào ĐH Kinh tế TP.HCM, thì đề Lý là môn sở trường, nên làm rất tốt. "Kết quả của kỳ thi này em đặt hết vào môn Lý. Bài thi chiều nay chắc chắn em được 8 điểm trở lên", Ý tự tin nói. (Trí Quang)

"Tí hon" không cần thi vẫn đậu đại học

Đó là TS Trương Thị Thương (sinh ngày 1.1.1989, trú tại Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam), là nạn nhân chất độc da cam (chỉ cao gần 70cm), từng là nhân vật đã được viết trên Báo Thanh Niên cách đây 6 năm, bởi nghị lực phi thường và sự hiếu học. Thương đã đăng ký thi vào ngành Công nghệ thông tin, ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

Mặc dù quy chế thi áp dụng miễn thi cho TS khuyết tật, nhưng Thương vẫn đăng ký dự thi.

Chia sẻ với PV Thanh Niên Online, chị Huệ, mẹ của Thương cho hay: “Gia đình tôi không biết có quy chế ưu tiên dành cho cháu, nên cứ đăng ký dự thi. Cháu rất ham học, và luôn mong muốn được bước chân vào giảng đường đại học, nên đã đăng ký dự thi!”.


PGS-TS Trần Văn Nam, hiệu trưởng ĐH Đà Nẵng thăm hỏi TS Trương Thị Thương - Ảnh: Diệu Hiền

Trước thông báo của Hội đồng thi Lê Lai, lãnh đạo Ban Tuyển sinh ĐH Đà Nẵng đã trực tiếp gặp gỡ Thương và xem xét trường hợp này. Tuy không có đơn xin xét tuyển thẳng từ trước nhưng lãnh đạo ĐH Đà Nẵng đã quyết định miễn thi cho TS “tí hon” Trương Thị Thương. Ngay trong sáng 4.7, đại diện Ban Tuyển sinh đã hướng dẫn cho phụ huynh của Thương làm các thủ tục cần thiết để em được hưởng quy chế dành riêng cho người khuyết tật.

Vậy là sau bao nhiêu nỗ lực và cố gắng, Thương “tí hon” đã được vào đại học. (Tin, ảnh: Diệu Hiền)

Một thí sinh bỏ thi vì vết mổ ruột thừa

Sáng nay 4.7, tại điểm thi Trường Đại học Kinh tế Huế (Hội đồng thi ĐH Huế), trước thời gian làm bài môn Toán khoảng 10 phút, TS Lê Văn Toàn (thi vào ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế Huế, số BD 14969, phòng thi 1124) buộc phải ngừng thi vì lên cơn đau bụng dữ dội.

Trước đó, vào ngày 30.6, Toàn đã mổ ruột thừa tại Bệnh viện Triệu Hải (Quảng Trị), đến chiều 3.7, em xin được xuất viện để vào Huế dự thi. Do vết mổ vẫn chưa lành hẳn nên vào sáng nay, khi chuẩn bị làm bài thì vết thương bất ngờ tái phát, rỉ máu.

Các bác sĩ trực tại điểm thi đã khẩn trương cấp cứu rồi nhanh chóng đưa Toàn sang phòng riêng để chăm sóc.

 
Thượng úy Nguyễn Hữu Thanh, Tổ trưởng tổ bảo vệ điểm thi, tận tình chăm sóc em Lê Văn Toàn

Được biết, Lê Văn Toàn quê ở thôn 3, xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, gia cảnh em hết sức khó khăn.

 
Do bị viêm ruột thừa phải phẫu thuật, TS Nguyễn Thị Hà đành phải "lỡ hẹn" với kỳ thi này - Ảnh: Minh Phương

Trước đó, khoảng 22 giờ ngày 3.7, TS Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1992, SBD: 24251, quê xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An) phải nhập viện tại bệnh viện trường ĐH Y Dược Huế để phẫu thuật do bị viêm ruột thừa. Tuy sức khỏe dần hồi phục tốt, nhưng TS này đã phải "lỡ hẹn" với kỳ thi này vì phải ba ngày sau các bác sĩ mới cho Hà xuất viện.

Sáng 4.7, tại Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế (TP Huế) có 16.749 thí sinh (TS) đến làm thủ tục dự thi (chiếm tỉ lệ 86,63%). Do thời tiết nắng nóng nên nhiều phụ huynh chờ đợi các TS bên ngoài phòng thi khá vất vả. (Tin, ảnh: Hoàng Sơn - Minh Phương)

* Ghi nhận bằng hình ảnh của phóng viên Thanh Niên Online sau buổi thi môn toán sáng nay:

 
Đông đảo phụ huynh ngóng con khi giờ thi gần kết thúc - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 
TS ra khỏi phòng thi sau giờ thi toán - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 
Vui mừng khi thấy mẹ chờ sẵn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 
Hỏi nhau kết quả sau bài làm khi vừa ra khỏi phòng thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 
Đề toán được nhiều TS đánh giá là khó - Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Vì vậy, nhiều nhóm bạn tập trung lại giải bài, trao đổi những câu khó ngay tại sân trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 
Trong khi đó, nhiều TS tranh thủ ăn trưa, chuẩn bị cho buổi thi chiều - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 
TS đổ dồn ra về sau buổi thi - Ảnh: Khả Hòa

 
Cảnh sát giao thông căng sức ra điều tiết giao thông giữa dòng xe cộ tấp nập - Ảnh: Khả Hòa

 
Các sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi tại các trường ĐH cũng góp phần làm cho giao thông thông thoáng - Ảnh: Khả Hòa

 
Và cả hướng dẫn TS qua đường - Ảnh: Khả Hòa

Đại học Đà Lạt: 82,57% thí sinh dự thi

Kết thúc môn thi Toán sáng nay, tiến sĩ Nguyễn Đức Hòa, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Lạt, cho biết: “Ngày 2.7, chỉ có 2.912 TS đến làm thủ tục dự thi đợt 1, nhưng sáng nay có 3.055 TS đến phòng thi (tăng 143 TS), đạt 82,57% tổng số TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi đợt 1. Buổi thi môn toán không có TS hoặc cán bộ coi thi nào vi phạm qui chế thi. Do khuôn viên trường quá rộng, nên nhà trường bố trí xe chở một số TS đi trễ đến phòng thi để kịp giờ làm bài”.

Được biết, tuy thời gian làm bài thi môn toán là 180 phút, nhưng sau khoảng 120 phút làm bài, khá nhiều TS rời phòng thi với vẻ mặt không vui.

TS Trương Hữu Tuấn (đến từ H.Đức Trọng, Lâm Đồng) thi vào khoa Sư phạm - Tin học, than phiền: “Đề toán khó quá, em chỉ làm được 30% nội dung đề thi”.

Tương tự, hai TS Phạm Vĩnh Nguyên và Nguyễn Thị Quỳnh Chi thi vào khoa Công nghệ thông tin cho biết, chỉ làm được khoảng 15% đề thi.

Thế nhưng, khi hết giờ thi, một nhóm TS đến từ trường THPT Chuyên Thăng Long (Đà Lạt) đứng trước cổng trường phấn khởi bàn luận về đề thi. Các em cho biết đề thi khó, nhưng các em làm được khoảng 70% trở lên.

 
Nhóm TS đến từ trường THPT Chuyên Thăng Long, Đà Lạt phấn khởi sau khi thi xong môn Toán


Phụ huynh và TS nhận cơm chay miễn phí tại cổng trường ĐH Đà Lạt

Dọc đường Trần Nhân Tông (trước cổng ĐH Đà Lạt), nhiều phụ huynh thấp thỏm chờ đón con.

Tại cổng trường ĐH Đà Lạt, Ban từ thiện Vạn Hạnh, Cát Tường và một số chùa ở Đà Lạt cấp phát miễn phí 1.000 hộp cơm chay và sữa đậu nành cho các TS và phụ huynh. (Tin, ảnh: Lâm Viên)

Nhóm PV Thanh Niên Online

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.