Mỹ hôm qua hoan nghênh người dân Thái Lan về “sự tham gia mạnh mẽ” vào cuộc tổng tuyển cử hôm 3.1 ở nước này, với thắng lợi thuộc về đảng Puea Thai của bà Yingluck Shinawatra. AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói Washington mong muốn làm việc với chính phủ mới của Thái Lan nhằm mở rộng và củng cố liên minh giữa hai bên.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Hor Nam-hong của Campuchia chúc mừng thắng lợi của bà Yingluck, theo AP. Ông bày tỏ hy vọng 2 nước sẽ hợp tác giải quyết những căng thẳng dọc biên giới liên quan đến ngôi đền cổ Preah Vihear, vốn đã liên tục dẫn đến giao tranh trong thời gian qua. Thủ tướng Campuchia Hun Sen được cho là có quan hệ tốt với ông Thaksin và từng mời thủ tướng bị lật đổ của Thái Lan làm cố vấn trong một thời gian ngắn hồi năm ngoái. Khi đó, việc này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Chính phủ Campuchia và Chính phủ Thái dưới thời thủ tướng sắp mãn nhiệm Abhisit Vejjajiva.
|
Lập chính phủ liên minh
Bà Yingluck, người đang trên đường trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, hôm qua tuyên bố sẽ thành lập chính phủ liên minh giữa đảng Puea Thai của bà với 4 đảng khác. Theo kết quả sơ bộ do Ủy ban Bầu cử Thái Lan công bố hôm qua, Puea Thai giành được 265 ghế trong hạ viện 500 ghế. Với việc bắt tay với 4 đảng Chart Thai Pattan, Chart Pattana Puea Pandin, Palang Chon và Mahachon, Puea Thai sẽ tạo được liên minh chiếm tới 299 ghế trong Hạ viện. Bà Yingluck cho biết mục tiêu hàng đầu của chính phủ liên minh là tiếp tục duy trì sự phát triển kinh tế, chống tham nhũng và tạo điều kiện để người dân và các đảng phái khác giám sát chính phủ. Tuy nhiên, chính phủ liên minh chỉ được hình thành chính thức sau khi cả 5 đảng hoàn tất thủ tục và được sự đồng ý của Ủy ban Liên minh Thái Lan. Giới quan sát nhận định đây là một động thái khôn ngoan của Puea Thai. Dù có thể tự thành lập chính phủ, đảng này vẫn hợp tác với các đảng khác để củng cố vị thế và tránh nguy cơ mất ghế trong trường hợp các hạ nghị sĩ của họ chạy sang phe khác hoặc có thay đổi khi kết quả chính thức được công bố trong vòng 1 tháng tới.
Cũng trong hôm qua, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Abhisit xin từ chức lãnh đạo đảng Dân chủ vì không thực hiện được lời hứa giúp đảng Dân chủ giành chiến thắng. Đảng này chỉ giành được 159 ghế trong Hạ viện và từ đảng cầm quyền trở thành đảng đối lập chính.
Thử thách phía trước
Một quan chức của EU tại Thái Lan nói với Thanh Niên rằng sự thành công của Puea Thai là một bất ngờ và chính phủ mới cần phải giải quyết hai vấn đề. Đó là kinh tế và hòa giải dân tộc. Theo ông, giá cả tăng đang làm đời sống của người dân khó khăn và xung đột giữa phe áo đỏ và phe áo vàng sẽ khiến chính phủ khó huy động nội lực. Ông nhận định thêm rằng động thái liên minh của Puea Thai là tín hiệu tích cực đầu tiên của sự hòa giải.
Nhiều ý kiến khác cho rằng chính phủ mới của Thái Lan dưới sự lãnh đạo của bà Yingluck sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, chủ yếu bắt nguồn từ sự liên hệ với ông Thaksin. Tiến sĩ Andrew Walker, một chuyên gia về chính trị Thái Lan tại Đại học Quốc gia Úc, nhận định trên đài ABC rằng bà Yingluck là người đại diện cho ông Thaksin “ở mức độ rất đáng kể”, thể hiện qua khẩu hiệu tranh cử của Puea Thai là “Thaksin nghĩ, chúng tôi làm”. Trong bài bình luận đăng trên tờ The Nation (Thái Lan), cây bút Somroutai Sapsomboon viết dư luận cũng sẽ tập trung xem trong nội các sắp tới có mặt những lãnh đạo của phe áo đỏ hay không. Phe này là lực lượng trung thành với ông Thaksin và từng tổ chức nhiều cuộc đại biểu tình dẫn đến bạo động. Nếu lãnh đạo áo đỏ cấp cao có mặt trong nội các sẽ làm phát sinh phản đối mạnh mẽ từ phe áo vàng, vốn là “kẻ thù không đội trời chung” của ông Thaksin.
Một “quả bom hẹn giờ” khác đối với chính phủ của Puea Thai, theo ông Samsomboon, chính là quan hệ với quân đội. Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm Prawit Wongsuwan hôm qua tuyên bố quân đội tôn trọng kết quả bầu cử và sẽ không can thiệp vào chính phủ mới. Ông Wongsuwan là người thân cận với các lãnh đạo quân đội tiến hành đảo chính lật đổ ông Thaksin hồi năm 2006.
Dĩ nhiên, vấn đề thu hút sự chú ý nhiều nhất trong thời gian sắp tới chính là khả năng trở về của ông Thaksin. Cựu thủ tướng đang sống lưu vong tại Dubai sau khi bị Tòa án Thái Lan kết tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Theo chuyên gia Walker, nếu bà Yingluck quyết định đưa anh trai về nước và phục hồi vai trò chính trị cho ông, điều đó sẽ phải được xử lý “hết sức cẩn thận”. Bà sẽ phải thảo luận rất kỹ với những người có thế lực trong quân đội, cùng hoàng gia và cơ quan tư pháp. “Tôi nghĩ bà sẽ xúc tiến việc đó từng bước một”, ABC dẫn lời ông Walker nhận định. Nhiều người lo ngại bạo lực sẽ lại bùng phát nếu chính phủ mới thông qua lệnh ân xá chính trị và cho ông Thaksin về nước. Tờ The Epoch Times dẫn lời một số chuyên gia nói sự trở về của ông Thaksin sẽ khiến phe áo vàng xuống đường và quân đội sẽ lại can thiệp.
Trùng Quang - Minh Quang
(VP Bangkok)
Bình luận (0)