Nỗi ám ảnh nhà vệ sinh công cộng

05/07/2011 00:53 GMT+7

Lắp đặt thùng rác, nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) chỉ là việc thủ công nhưng dù đã triển khai 3 năm nay trong chương trình “Nếp sống văn minh đô thị", đến nay, bạn vẫn không dễ kiếm những thứ này khi có nhu cầu.

 

Nhà vệ sinh công cộng kiêm quầy tạp hóa trên đường Hoàng Sa, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Kimchu Chao 

Bí kíp... đi vệ sinh

Không đủ, lắp đặt thiếu khoa học, bẩn... là những nguyên nhân khiến thùng rác và nhà vệ sinh tại TP.HCM có hẳn một diễn đàn trên trang mạng tư vấn du lịch quốc tế nổi tiếng Tripadvisor. Nhận xét chung của tất cả các thành viên của diễn đàn này là “nhà vệ sinh ở TP.HCM rất tệ, dơ bẩn, hôi hám". Cũng vì thế, có nhiều "tư vấn thiết thực" của các thành viên với nhau như một "bí kíp" khi có nhu cầu đi vệ sinh khi tới TP.HCM. "Hãy đi vệ sinh ở các khách sạn trước khi ra đường. Nếu có nhu cầu đột xuất, hãy đi nhờ ở các khách sạn lớn” - một thành viên tên Henry2008 viết. Nhiều thành viên khác còn chỉ cách là nên đi vào quán cà phê, hoặc vào siêu thị, không quên dặn dò "nhớ mua một cuộn giấy vệ sinh, vì NVS siêu thị không có sẵn". Chị Dung, nhân viên lâu năm của một khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân, cho biết: “Mỗi ngày, có hàng chục khách vào khách sạn để đi nhờ NVS, chúng tôi không nỡ cản họ”. 

"Giữ gìn vệ sinh, văn minh đô thị không thể chỉ hô hào suông mà được, chúng ta không thể đòi hỏi người dân giữ vệ sinh khi không tạo được những điều kiện tối thiểu cho họ thực hiện" - Kiến trúc sư Võ Kim Cương

KTS Võ Kim Cương (Hội Kiến trúc sư TP.HCM) cho rằng rất nhiều nơi công cộng như bến xe, công viên tại TP.HCM có nhà vệ sinh hay nhiều tuyến đường có lắp thùng rác nhưng rất dơ bẩn, bốc mùi khiến người dân hãi hùng không muốn sử dụng. Ngoài ra, không ít NVS bị chiếm dụng buôn bán hoặc thành nơi tệ nạn; nhiều thùng rác bên trong trống không nhưng bên ngoài vương vãi rác. Việc tiếp cận cũng khó khăn bởi nhiều NVS, thùng rác đặt ở góc khuất, cách xa đường, lối vào không thông thoáng, khó nhận ra nên người dân không biết đến để sử dụng... Theo ông Cương, Nhà nước tốn không ít tiền của lắp đặt các thùng rác, NVSCC, song chưa ai nghĩ đến chuyện tìm cách thu hút người sử dụng. NVSCC hay thùng rác cũng cần có thiết kế đẹp, kiểu dáng dễ nhận biết, có biển báo từ xa có thể thấy cả về ban đêm. Quan trọng nhất là cần có người quản lý và cả chế độ hợp lý cho người quản lý để giữ vệ sinh sạch sẽ, thu hút người sử dụng. "Việc giữ gìn vệ sinh, văn minh đô thị không thể chỉ hô hào suông mà được, chúng ta không thể đòi hỏi người dân giữ vệ sinh khi không tạo được những điều kiện tối thiểu cho họ thực hiện. Nhiều khi hiệu quả của một chủ trương trên thực tế lại xuất phát từ những điều rất nhỏ mà chính quyền hoàn toàn có thể làm được" - ông Cương nói.

 

Thiếu nhà vệ sinh công cộng, nhiều người phải tiểu tiện ngoài đường - Ảnh: Diệp Đức Minh 

Thiếu trầm trọng

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP, tổng số thùng rác cộng cộng mà TP hiện có trên 8.000 thùng. Năm 2009, TP đã lắp đặt thêm khoảng 150 NVSCC. Còn theo thạc sĩ Lê Thị Kim Oanh, giảng viên khoa Môi trường -  trường Đại học Văn Lang, hiện TP.HCM có tổng cộng chưa đến 200 NVSCC, quá thấp so với nhu cầu. Chúng tôi đã thử đi từ đầu đến cuối đường Hùng Vương (Q.5, Q.10) đông đúc, chỉ thấy duy nhất NVSCC đặt phía sau chợ An Đông. NVS này bị bao vây bởi hàng rong, xe cộ. Suốt tuyến đường dài này chỉ thấy có một thùng rác nhỏ cũ kỹ nằm khuất trên vỉa hè gần Công viên u Lạc. Trong khi đó, rác được đổ đầy các gốc cây bên đường, rất bẩn thỉu. Thiếu NVSCC, Công viên Hòa Bình ở góc đường Hùng Vương - Nguyễn Chí Thanh được nhiều người dân chọn làm nơi "trút bầu tâm sự". Hay tại Q.2, đường Trần Não là một trong những đường đẹp nhất quận nhưng cũng chỉ có một thùng rác nhỏ xiêu vẹo, đặt trước số nhà 56. Nhiều tuyến đường sầm uất như Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), An Dương Vương (Q.5), Lê Thánh Tôn (Q.1)... không có NVSCC.

Thất bại do làm theo hình thức

Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch UB MTTQ TP.HCM, cho rằng mặc dù đợt vận động "Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị" đã được HĐND thông qua nghị quyết, UBND TP phát động thực hiện rầm rộ nhưng đến nay dường như đã bị lãng quên, nhất là các phường, xã. Ngay cả Q.10 là quận trọng điểm thực hiện chương trình này, hiện cũng vậy. Ông Đằng cho rằng nhiều chương trình của TP, như việc lắp đặt thùng rác và NVSCC, vận động dân đi xe buýt... tình trạng chung là phát động rầm rộ rồi sau đó lãng quên. Hiệu quả thực tế không có do làm theo hình thức, theo ý chí và lòng mong muốn, trong khi lẽ ra phải xuất phát từ thực tế.

Ông Phan Văn Hiền (người dân ngụ số 9/24 Nguyễn Thái Sơn, P.3, Q.Gò Vấp) cho rằng nhiều NVS, thùng rác công cộng hiện nay "có cũng như không". NVS và thùng rác phải đặt ở những nơi có nhiều khách vãng lai và ở các mặt tiền đường chính, để tiện dụng cho khách sử dụng, tránh suy nghĩ vì sợ làm xấu cảnh quan mà phải đặt ở góc khuất, trong hẻm như hiện nay. Bởi nếu thiết kế đẹp và giữ vệ sinh sạch sẽ thì cũng không ảnh hưởng tới mỹ quan.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, NVS là chuyện “nhỏ nhưng không nhỏ”. Chuyện nhỏ là bởi chấn chỉnh hoặc đầu tư mới không quá tốn kinh phí và công sức. Nếu các địa phương thiếu vốn để đầu tư thì kêu gọi xã hội hóa. Còn không quyết liệt làm tới nơi tới chốn, chuyện nhỏ này sẽ thành chuyện lớn. Đối với du khách nước ngoài, NVS là vấn đề quan trọng hàng đầu. Khi bước vào một nhà hàng hay phòng khách sạn, cái mà họ kiểm tra đầu tiên là NVS như thế nào. Khách Việt Nam cũng đã thay đổi, không còn giống trước. Cho nên, nếu NVS dơ bẩn, hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ mất điểm. “Việc NVS đã được nêu ra, nhưng đánh trống bỏ dùi, do những nhà quản lý chưa thật sự tâm huyết. Tôi từng phàn nàn với lãnh đạo ngành du lịch một số địa phương là NVS ở nhiều trạm dừng chân bẩn thỉu quá, thì làm sao khách dám mua quà lưu niệm, làm sao du lịch địa phương phát triển được”, ông Mỹ phát biểu.

N.Đ.Mười - T.Đạt - N.T.Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.