Trên quê hương Azit Nexin: Từ Hierapolis đến Ephesus

05/07/2011 00:33 GMT+7

Từ Capadocia, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình bằng đường bộ đến vùng Pamukale và Kusadasi ở tây nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có 2 thành phố thời cổ đại: Hierapolis và Ephesus.

Thành phố chết, nhưng không chết

Trên cuộc hành trình dài 600 km, cô hướng dẫn người Thổ Nhĩ Kỳ Ilknur Ozdemir cho biết sẽ đưa chúng tôi về một thành phố... chết. Nghe mà tưởng tượng ra cảnh vắng tanh, thê lương đã phát ớn lạnh.

Buổi tối ở Pamukale quả là buồn. Khách sạn vắng vẻ, ngoài 10 người Việt của đoàn chúng tôi, thì thêm một đoàn khách Nhật lèo tèo cũng mươi người, nên điệu múa bụng và tiếng đàn guitar của một ca sĩ cũng không đủ giữ chân mọi người trong một quầy bar ngoài trời tại khách sạn. Cô hướng dẫn Ilknur Ozdemir cho biết Pamukale đã bị người Thổ và cả thế giới quên lãng cho mãi đến năm 1988, khi UNESCO công nhận Hierapolis là di sản văn hóa thế giới, thì người ta mới biết ở nơi này từng có một trong những thành phố vĩ đại nhất của thời Hy Lạp - La Mã.

 
Tác giả trước thư viện cổ còn sót lại của Ephesus - Ảnh: C.M.H

Hierapolis, theo tiếng Hy Lạp cổ đại có nghĩa là Thành phố thần thánh (hoặc Thành phố của các vị thánh), được người Hy Lạp cổ đại xây dựng trên những sườn đồi từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên cạnh một vùng suối nước khoáng rộng lớn. Có lẽ người Hy Lạp cổ đại cũng “đi trước thời đại” của chúng ta khi hưởng thụ loại hình spa như hiện nay. Họ đã biến những suối nước khoáng thiên nhiên (mà người ta tin là có thể trị được bá bệnh) thành những spa thiên nhiên và hoang dã. Hierapolis chỉ còn là những phế tích hoang tàn (đúng nghĩa đen là một thành phố chết), nhưng dòng người vẫn lũ lượt đến vùng đất này chỉ vì muốn hưởng thụ những spa thiên nhiên với những hồ nước nóng trong xanh tầng tầng lớp lớp, nhìn như những lâu đài bông thật sự. Điều lý thú là giữa cái nắng của mùa hè, giữa cái bao la hoang phế của Hierapolis - thành phố chết, thì sự sống đang cuồn cuộn chảy với những mạch nước ngầm như tuôn ra bất tận từ hơn 2.000 năm qua khi con người phát hiện ra nó. Người Iran, và đặc biệt là người Nga hình như tràn ngập cả một  phần vùng Pamukale này. Đến nỗi đi đâu bạn cũng có thể nghe những lời chào bằng tiếng Nga. Họ mê mẩn và đắm mình trong những dòng nước, những nam thanh, nữ tú sẵn sàng phô diễn nét đẹp của cơ thể mình mỗi khi có ai đó đưa ống kính máy ảnh hướng về phía họ. 

“Hierapolis đã hồi sinh từ trong ký ức để rồi biến thành sự sống của người Thổ Nhĩ Kỳ khi mỗi năm vùng đất này đón nhận gần 300 ngàn du khách” - cô hướng dẫn viên Ilknur Ozdemir tự hào chia sẻ. Cô còn cho biết thêm Thổ Nhĩ Kỳ có 9 di sản văn hóa được UNESCO công nhận và mỗi năm đất nước nằm giữa 2 châu lục Á - u này đón đến 32 triệu du khách. Quả là con số ước mơ cho Việt Nam khi chúng ta cũng có 7 di sản (cả văn hóa và thiên nhiên) đã được UNESCO công nhận.


 Vết tích còn lại của một hí trường khổng lồ tại Ephesus - Ảnh: C.M.H

Ephesus - những đền đài hoang phế

Tôi như ngẩn ngơ khi đặt chân đến Ephesus và thật sự kinh ngạc về sự vĩ đại của nó. Thành phố có hơn 2.000 năm tuổi từng được xem là những kinh thành xinh đẹp thời cổ đại của đế chế La Mã với 250 ngàn cư dân nằm bên bờ Địa Trung Hải này giờ chỉ còn là phế tích. Dẫu vậy, thời huy hoàng của nó vẫn như hiện hữu qua từng phế tích ở đây. Một hí trường Miletus ngoài trời bằng đá với 25 ngàn chỗ ngồi không thua kém so với đấu trường ở Roma (Ý). Ở đây, cũng chính là nơi có một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại: đền thờ Artemis. Những gì còn sót lại của đền thờ nữ thần săn bắn này cũng đủ làm cho những nhà kiến trúc hiện đại thán phục về cái đầu của bậc tiền nhân khi họ đã tái hiện trên màn hình một Artemis bề thế, với lối kiến trúc độc đáo, dù bây giờ kỳ quan này chỉ còn duy nhất... một cây cột bằng đá cẩm thạch trắng. Những di tích còn lại trải dài trên con đường chính Curetes với vô số những tượng đài, đền thờ hai bên đường. Có những tượng đã mất đầu, mất tay, nhưng sức sống của nó thì vẫn như hàng ngàn năm trước. Sự vĩ đại của Ephesus giờ còn lại là những hàng cột vươn cao với những chạm khắc tinh tế của kiến trúc La Mã - dấu tích của một thư viện khổng lồ 2 tầng nằm ở cuối con đường.  

Ephesus nổi tiếng vì đây cũng chính là nơi Thánh Phaolô từng truyền đạo và cũng bị chính cư dân của thành phố này phản đối khi tập trung tại hí trường hò hét suốt 2 giờ đồng hồ vì cho rằng thánh truyền bá tà đạo. Giờ đến Ephesus, bạn sẽ “gặp” được Thánh Phaolô qua những  diễn viên đóng vai và nói chuyện bằng... tiếng Anh trong chương trình tham quan thành phố.

Cách Ephesus không xa trên một ngọn đồi còn có một di tích mà rất nhiều người công giáo hành hương, đó là nhà tưởng niệm Đức mẹ Maria mà người ta tin rằng Đức mẹ đã sống và qua đời tại đây. Cô hướng dẫn cho biết thêm là đã có 2 giáo hoàng đến thăm nhà tưởng niệm này. Có thể nói Ephesus và nhà tưởng niệm cùng với Goreme open Air Museum ở Capadocia là những thánh địa lâu đời của Cơ đốc giáo ở một đất nước Hồi giáo. Đó cũng là nét độc đáo của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.  

Lang thang trên những con đường của Ephesus, di sản  này xứng đáng để cho tôi chiêm nghiệm và thán phục về nền văn hóa lâu đời của một đất nước từng là một đế chế hùng mạnh trên thế giới, dù bây giờ người ta chỉ còn biết qua những bộ phim và sách vở.

Cao Minh Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.