Trong số các sinh vật cũng được xếp vào dạng to mồm về khoản decibel (đơn vị đo cường độ âm thanh), phải kể đến cá nhà táng với khả năng phát ra âm thanh 236 decibel. Tuy nhiên, nếu tính theo kích thước, cá nhà táng cũng đành chào thua rệp nước, tên khoa học là Micronecta scholtzi, về khoản hát hò lớn tiếng trong mùa giao phối, đặc điểm vô cùng quan trọng để con đực thu hút bạn tình. Có chiều dài chỉ khoảng 2 mm, nhưng rệp nước tại Pháp lại có khả năng phát ra âm thanh mạnh đến 99,2 decibel, tương đương với âm thanh mà người ngồi hàng ghế đầu nghe được khi đi xem opera trong nhà hát lớn. Như vậy tỷ lệ giữa decibel với trọng lượng cơ thể của loài Scholtzi là 31,5, gấp 4 lần tỷ lệ bình thường và bỏ xa loài đứng thứ hai, tôm S. Parneomeris với tỷ lệ chỉ là 19,63.
|
"Điều vô cùng ấn tượng là dù 99% âm thanh bị thất thoát khi truyền từ nước tới không khí, bài ca của rệp nước lớn đến nỗi một người đi ngang qua vùng ao, hồ cũng có thể nghe được giọng của chúng đang ngân nga từ dưới đáy sông”, Reuters dẫn lời nhà nghiên cứu James Windmill, kỹ sư điện tử thuộc Đại học Strathclyde ở Glasgow (Anh). Giai điệu của bài hát do rệp nước đực phát ra có tần số khoảng 10 kilohertz, trong tầm nghe của người. Càng bất ngờ hơn nữa khi chúng tạo ra âm thanh bằng cách chà xát bộ phận sinh dục vào các kẽ hở trên bụng, tạo ra một dàn hòa âm phối khí trong nhóm các rệp đực để kêu gọi sự chú ý của rệp cái. Ngạc nhiên hơn là khu vực dùng để chà xát chỉ rộng khoảng 50 micron, bằng phân nửa sợi tóc người, khiến các nhà khoa học bó tay chẳng hiểu vì sao rệp nước có khả năng tạo ra âm thanh to như vậy.
Một số chuyên gia nghi ngờ rằng bí mật có thể nằm trong lớp không khí mà rệp nước dùng để thở. Sinh vật này một phần được bao phủ bởi một lớp nước, và lớp nước đó có thể đóng vai trò trong việc khuếch đại âm thanh. Nhưng đây cũng chỉ mới là suy đoán mà thôi, theo giải thích của Jerome Sueur, chuyên gia nghiên cứu âm thanh trong giới sinh học thuộc Trung tâm quốc gia Pháp về nghiên cứu khoa học tại Paris. Việc giải mã được bí mật này có thể dẫn đến sự ra đời của những thiết bị nhỏ xíu nhưng âm lượng cực lớn, chẳng hạn như hệ thống siêu âm trong y học. Đó là chưa kể những đóng góp lớn vào công cuộc nghiên cứu môi trường nước, trong việc xác định đa dạng sinh học cũng như phát hiện được độ ô nhiễm của nước.
Nghiên cứu trên của các chuyên gia Sueur, Windmill và đồng sự đã được đăng tải trên chuyên san PLoS ONE số mới đây.
Hạo Nhiên
Bình luận (0)