Nhân viên điện lực đang thu dọn cáp viễn thông - ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Trên thực tế, từ cách đây 2 năm, khi bắt đầu triển khai kế hoạch chỉnh trang lưới điện, nhiều khách hàng đã bức xúc chuyện cắt nhầm cáp viễn thông, gây ảnh hưởng sinh hoạt. Sau đó, Sở Thông tin - Truyền thông (TTTT) đã ban hành quy chế phối hợp giữa điện lực và viễn thông nhằm chấn chỉnh tình trạng "mạnh ai nấy làm". Tuy vậy, thực tế phối hợp giữa các đơn vị này thời gian qua còn chệch choạc khiến người dân tiếp tục than phiền.
Bỗng dưng... bị cắt
Theo thống kê của ngành điện, đến 60% cáp thông tin trong tình trạng hư hỏng hoặc vô chủ. Đây chính là "rác" mà nhiều đơn vị viễn thông sau khi sử dụng xong đã "bỏ quên" trên lưới điện |
Hôm qua 5.7, khi điện lực tiến hành thu gọn dây thông tin trên đường Cống Quỳnh (Q.1) đã làm gián đoạn việc sử dụng internet, điện thoại của nhiều khách hàng trên tuyến đường này. Tương tự, ngày 30.6, người dân ở đường 41 (P.6, Q.4) cũng bị mất tín hiệu internet, điện thoại, truyền hình cáp và sau khi khắc phục thì đến ngày 4.7 tình trạng này lại tái diễn.
Trước đó, nhiều khách hàng trên đường Võ Văn Tần (Q.3), Phạm Thế Hiển (Q.8), Trần Chánh Chiếu (Q.5)... cũng gặp các sự cố tương tự khi ngành điện tiến hành thu gọn dây thông tin qua đây. Trong đó, không ít trường hợp bị ảnh hưởng nghiêm trọng việc kinh doanh do thường phải giao dịch qua điện thoại và internet, nhưng cũng chẳng biết "bắt đền" ai. "Đáng nói là chúng tôi không hề được báo trước kế hoạch chỉnh trang để có phương án chuẩn bị, cũng chẳng biết vì sao xảy ra sự cố gián đoạn, chỉ đến khi gọi điện cho đơn vị viễn thông thì mới được khắc phục" - anh Hoàng Anh Tuấn (ngụ số 11, đường 41, P.6, Q.4) than phiền.
Theo ông Phạm Quốc Bảo - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP, công tác thu gọn cáp thông tin nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị khu vực nội thành đến năm 2015 của UBND TP. Dự kiến trong năm nay, ngành điện tiến hành thu gọn dây thông tin trên 446 đoạn, tuyến đường với tổng chiều dài 630 km. Để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, ngành điện đã tổ chức khảo sát và thống kê thực tế các điểm có nguy cơ mất an toàn cho người dân, thông báo đến các nhà mạng viễn thông và tổ chức họp thống nhất nội dung cũng như tiến độ phối hợp xử lý.
Trước khi ngành điện tiến hành bó gọn dây thông tin thì các đơn vị viễn thông có 15 ngày để đưa dây sang vị trí mới đã được đơn vị điện lực lắp sẵn. Theo quy chế phối hợp, trong lúc ngành điện cắt cáp thì các đơn vị viễn thông phải cử nhân viên đến hiện trường túc trực để phối hợp xử lý, tái lập dây thông tin bị cắt kịp thời cho người dân.
Tuy vậy, nhiều đơn vị viễn thông lại cho rằng do thiếu nhân lực nên không theo kịp tiến độ thu gọn cáp thông tin của ngành điện. Do đó, thay vì chủ động di dời cáp và xử lý trước dây cáp bị cắt thì nhiều đơn vị viễn thông đợi khách hàng than phiền rồi mới cử nhân viên đến khắc phục. Các đơn vị chủ quản dây thông tin như FPT, VNPT cam kết khắc phục sự cố trong vòng 24 giờ sau khi khách hàng thông báo nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của khách hàng.
Chấn chỉnh từ gốc
Sở TT-TT TP.HCM đã yêu cầu việc thực hiện chỉnh trang, bó gọn dây thông tin phải đảm bảo duy trì ổn định các tín hiệu liên lạc, internet của người dân. Nhà mạng nào để xảy ra tình trạng gián đoạn cung cấp dịch vụ cho khách hàng phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp bị thiệt hại do gián đoạn cung cấp dịch vụ thì khách hàng có thể dựa theo hợp đồng yêu cầu nhà mạng bồi thường hoặc kiện ra tòa. |
Theo thống kê của ngành điện, đến 60% cáp thông tin trong tình trạng hư hỏng hoặc vô chủ. Đây chính là "rác" mà nhiều đơn vị viễn thông sau khi sử dụng xong đã "bỏ quên" trên lưới điện. Tình trạng "xả rác" cáp viễn thông tồn tại nhiều năm nay, và bi hài tới mức có đơn vị không kiểm soát được cáp do mình quản lý, không bấm thẻ nhận diện trên đường dây; chỉ đến khi bị cắt, mất tín hiệu, khách hàng phản ánh thì mới biết đó là cáp của mình. Nhiều dây điện thoại, truyền hình cáp vô tư mắc “lậu” trên trụ điện theo kiểu mạnh ai nấy mắc, dây này xoắn lấy dây kia, chẳng theo một nguyên tắc nào. Đây là nguyên nhân của những búi dây bùng nhùng, chằng chịt, võng xuống gây mất mỹ quan nghiêm trọng, mà dư luận phải dùng từ "mạng nhện" để gọi tên.
Chính bởi không được quản lý chặt nên nhiều điện lực khu vực khi tiến hành cắt bỏ cáp thông tin không đeo thẻ đã cắt nhầm phải các cáp vẫn đang hoạt động. Hậu quả của tình trạng "xả rác" trên cột điện càng nghiêm trọng hơn, khi trong vài tháng qua, TP.HCM và một số địa phương ghi nhận nhiều vụ chết người vì vướng dây cáp viễn thông. Những sợi dây tưởng chừng vô hại đã trở thành hung thủ giết người do kiểu treo, mắc vô trách nhiệm của đơn vị quản lý.
Theo TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON), đến nay vẫn chưa có một cơ chế quản lý hay xử phạt nào buộc các đơn vị viễn thông phải có trách nhiệm hơn đối với mạng lưới cáp do mình quản lý và đối với không gian cộng đồng. Nếu không chấn chỉnh từ gốc, có lẽ sau đợt "dọn rác" lần này, sẽ tiếp tục có những đợt "xả rác" khác gây mất mỹ quan và an toàn đô thị. Và khách hàng vẫn cứ là người chịu thiệt trước kiểu "mạnh ai nấy làm" của các đơn vị liên quan.
Phương Thanh
Bình luận (0)