Cá linh... giả

07/07/2011 10:18 GMT+7

Các kỹ sư thủy sản khẳng định cá linh non đang được bày bán tràn lan tại các chợ ở TP Long Xuyên (An Giang) là... cá trôi Ấn Độ!

Gần đây, cá linh non được bày bán tràn lan tại các chợ ở TP Long Xuyên, với số lượng ước tính hàng tấn mỗi ngày. Mặc dù giá bán lên đến 150.000 đồng/kg nhưng người ta vẫn thi nhau mua, vì cá linh non từ lâu đã trở thành là món khoái khẩu của người dân xứ này, và chúng chỉ xuất hiện mỗi năm một lần vào đầu mùa nước nổi. Tuy nhiên,  việc cá linh non xuất hiện khi mùa nước nổi chưa về và sớm hơn mọi năm đến cả tháng trời như hiện nay đã khiến nhiều người hoang mang.

Ông Huỳnh Công Hiến, cán bộ hưu trí: “Nếu biết rõ không phải cá linh non thì dù có bán với giá 20.000-30.000 đồng/kg tôi vẫn không mua cá này vì ăn chẳng ngon lành gì. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để ngăn chặn hành vi gian lận, lừa gạt nêu trên. Đừng nghĩ đây là chuyện nhỏ, bởi người mua bị gạt đến hơn 100.000đồng/kg do sự nâng khống giá”.

Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang: “Chỉ khi nào có người dân khiếu nại, tố cáo đã bị lừa mua nhầm loại cá không phải cá linh non thật, thì lúc đó Chi cục Thủy sản  mới có thể tiến hành kiểm tra”.

Chưa thể có cá linh non

Tuần trước, ông Huỳnh Công Hiến, một cán bộ hưu trí ở P.Mỹ Bình (TP Long Xuyên) chạy ra chợ mua cá linh non về chiên bột, rồi gọi mấy ông bạn già đến nhà lai rai. Ông Hiến nói, ông mua cá của một người quen và người này quả quyết đây là cá linh non ngoài tự nhiên, bán với giá 150.000 đồng/kg.  Tuy nhiên, khi về đến nhà chuẩn bị chế biến món ăn, ông mới thấy… chẳng giống chút nào. “Cá linh non đầu mùa gì mà to quá cỡ, nhiều con bằng ngón tay áp út. Thịt cá không thơm, không ngọt, còn xương và đầu thì cứng hơn cá mùa trước rất nhiều”, ông Hiến mô tả.

Ông Nguyễn Văn Tám, ngư dân hàng chục năm làm nghề đặt lọp cá linh ở xã Phú Hữu (H.An Phú), cũng khẳng định: “Nước lũ chưa về, các cánh đồng ở nước bạn Campuchia vẫn còn khô cạn, thì  làm gì có cá linh non? Tôi dám chắc, thứ cá mà người bán bán gọi là cá linh non ấy là đồ dỏm”. Còn ông Chín Kỳ (ở xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu) - người có hơn 30 năm đặt dớn cá linh mùa nước nổi, cũng cho rằng may ra đến đầu tháng 8 tới mới có cá linh non xuất hiện ngoài tự nhiên.

Cá trôi Ấn Độ 

Sáng 1.7,  sau khi xem qua mớ cá linh non mà PV Thanh Niên vừa mua ở chợ Mỹ Bình, kỹ sư thủy sản Triệu Thị Yvane, Trung tâm giống thủy sản An Giang (TTGTSAG), nói ngay: “Đây là cá trôi Ấn Độ (tên khoa học là Labeo rohiat, tên tiếng Anh là Rohu), không phải cá linh non. Cá trôi khi còn nhỏ (cỡ đầu đũa) nhìn na ná như cá linh non, song với người chuyên môn thì sẽ nhận ra ngay. Cá trôi có đầu to, mình dẹp, vây kỳ màu đỏ, đuôi màu đen, hàng vảy trên sống lưng màu sậm đen; trong khi cá linh ống thì đầu mình thon tròn, vây kỳ và cả mình đều màu trắng. Người không thường xuyên tiếp xúc với cá thì khó phân biệt”.

 
“Cá linh non” được bày bán tại các chợ ở TP Long Xuyên mấy ngày qua với giá 150.000 đồng/kg - Ảnh: Bảo Vân

Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Phó giám đốc TTGTSAG, cho biết cá trôi có giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với cá linh. Cá trôi khi trưởng thành có thể đạt trọng lượng đến vài trăm gam/con, trong khi cá linh chỉ vài gam/con. “Khi cá còn nhỏ thì hơi khó phân biệt, chứ khi lớn cá trôi và cá linh có hình dạng hoàn toàn khác nhau. Lợi dụng điểm này người ta đã đem cá trôi bán nhưng lại cho là cá linh non để nâng giá, kiếm lời”, ông Tuấn nói.

 Bà Phan Thị Ngọc Trinh, Giám đốc TTGTSAG, cho biết hiện chỉ có đơn vị của bà sản xuất con giống cá linh ống nhân tạo cung ứng cho một số nơi nuôi thương phẩm, nhưng số lượng vẫn còn rất ít, mới chỉ ở dạng mô hình nuôi thử nghiệm. “Trung tâm cũng chỉ mới xuất chuyến hàng cá linh giống cho thị xã Tân Châu vào sáng 30.6 nên không thể có chuyện cá linh nuôi đem ra chợ bán. Hơn nữa, cá linh non đầu mùa thì không thể to quá cỡ như những con cá được bán tại cá chợ hiện nay”, bà Trinh nói.

Bảo Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.