Cơm nắm đắt khách

07/07/2011 22:14 GMT+7

Cơm nắm, món ăn dân dã đang được nhiều người ưa chuộng, nhất là trong những ngày nắng nóng.

Cơm nắm đã có ở Hà Nội từ rất lâu, nhưng giờ đây, những mẹt cơm nắm đang xuất hiện nhiều hơn trên những tuyến phố chính, trước cổng bệnh viện, cơ quan nhà nước hay trên những con phố cổ. Trên đoạn đường chạy dài từ Chùa Bộc, Thái Hà hay Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh… không khó để thấy những người phụ nữ ngồi ngay vỉa hè đường bán cơm nắm. Quán hàng của họ là một cái thúng đựng những nắm cơm trong giấy mỏng, kèm theo là ruốc, chả và muối vừng, mỗi nắm cơm khoảng 4.000 đồng. Buổi sáng đi làm, chỉ cần dừng chân đôi phút là có thể mua được những nắm cơm trắng ăn với muối vừng cho bữa sáng hoặc bữa trưa văn phòng.

 
Người Hà Nội ăn cơm nắm ở lễ hội Đền Gióng - Ảnh: Ngọc Thắng

Chị Hường, ở thôn Ngọc, xã Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên là người đã có thâm niên bán cơm nắm trên 10 năm. Trước đây, chị bán trên phố cổ, thời gian gần đây, chị về bán trên đường Thái Hà. Hằng ngày, chị cùng với một chị cùng xã đi xe máy ra Hà Nội, bán hàng trưa rồi quay về. Chị Hường cho biết, phụ nữ trong xã hầu như ai cũng đi bán cơm nắm. Thu nhập không cao nhưng nhu cầu tiêu thụ hiện nay tăng lên nên đời sống của những người bán cơm nắm cũng khá hơn.

Một người bán cơm nắm khác là chị Thanh, người cũng có thâm niên bán cơm nắm tại Hà Nội cho biết: “Không chỉ là người Hà Nội hay cán bộ văn phòng mà còn có cả những công ty du lịch hoặc một số cơ quan đi tham quan đặt mua cơm nắm với số lượng lớn. Họ bảo ăn cơm nắm vừa rẻ, lại ngon, và không sợ bị chặt chém tại điểm tham quan. Mỗi lần có hợp đồng đặt hàng như thế coi như mình trúng quả rồi”.

Gặp chị Nguyễn Thị Lan đang ngồi bán cơm nắm trước cổng bệnh viện Việt Đức, chị cho hay, mỗi ngày bán được khoảng 30 nắm cơm, “nhưng cũng tùy hôm, nếu gặp phải trời mưa là coi như hôm đó mang cơm về”, chị nói. Cùng nghề với chị Lan nhưng chị Trần Thị Hoa chọn phố cổ là nơi có nhiều du khách, vì thế nắm cơm của chị thường có giá bán đắt hơn một chút: 5.000 đồng/nắm, chị hồ hởi khoe: “Tây cũng rất thích cơm nắm, họ đứng ngay giữa phố cầm từng miếng cơm chấm muối vừng ăn ngon lành".

Xã Lạc Đạo kể trên chính là “quê hương” của cơm nắm. Cách Hà Nội khoảng 20 km, nghề làm cơm nắm thời gian gần đây phát triển hơn chính vì “phong trào” ăn cơm nắm của người Hà Nội. Thông thường những người đi bán cơm nắm ở Hà Nội lấy hàng tại những lò chuyên làm cơm nắm trong xã, nhưng cũng nhiều gia đình tự làm rồi mang sang Hà Nội để bán.

Tuy nhiên, để cho ra lò những nắm cơm trắng tinh và dẻo thơm thì không hẳn gia đình nào cũng làm được vì nó đòi hỏi kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Theo như chia sẻ của chị Hường nói trên thì: “Nhìn những nắm cơm đơn giản là thế nhưng khi làm mới thấy khó khăn. Trước tiên là khâu chọn gạo, vo gạo và canh lửa cho cho thật chuẩn, nếu cơm nhão quá thì cũng không nắm được, cơm khô thì coi như bỏ, nếu để cơm nhiều cháy thì lời lãi chả còn bao nhiêu”. Mỗi ngày, vợ chồng chị phải nấu từ tối hôm trước rồi đợi cơm nguội thì cùng nhau nắm tới sáng rồi giao cho người đến lấy hàng. thì những người đi lấy hàng. Phần còn lại mới tự đem đi bán. Cứ thế, từ Lạc Đạo những nắm cơm dân dã, đời thường tỏa đi khắp phố phường Hà Nội và trở thành một nét văn hóa ẩm thực độc đáo giữa thời hiện đại.

Linh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.