Thiết kế ga số 5 trên đường Lê Đức Thọ - ảnh: Cơ quan tư vấn thiết kế dự án |
Chậm tiến độ
Tháng 9.2010, dự án metro đoạn Nhổn - ga Hà Nội chính thức được khởi công, với mục tiêu đưa dự án vào hoạt động năm 2015. Trước đó, năm 2006, khu depot (ga chờ) đã được khởi công, tức là phải mất tới 4 năm, dự án mới chính thức được khởi công.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí sáng 7.7 tại Hà Nội, bà Marie Cecile Tardieu Smith, Trưởng đại diện cơ quan kinh tế Đại sứ quán Pháp, cho biết tháng 4.2011, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng phần ngầm, tiếp theo đó, bản tiến độ tổng thể của dự án đã được thiết lập. Mục tiêu của dự án là đưa công trình vào hoạt động ngày 31.12.2016, với các mốc cụ thể: tháng 11.2011 xây các công trình kiến trúc depot, tháng 2.2012 xây phần thi công trên cao và tháng 11.2012 bắt đầu xây công trình ngầm. Cũng theo bà Marie Cecile Tardieu Smith, công tác khảo sát địa chất để chuẩn bị thiết kế kỹ thuật cho các ga ngầm, đường hầm thuộc phần ngầm của tuyến đang được thực hiện.
Đoạn đi ngầm gồm 2 ống hầm, mỗi ống hầm rộng khoảng 6,3m, nằm cách nhau chừng 16m. Tùy địa chất của từng khu vực mà hầm có thể nằm cách mặt đất 15-30m. Hai ống hầm sẽ nằm ngay dưới đường phố, còn các ga nằm trên các phố.
Quy mô của metro Dự án metro đoạn Nhổn - ga Hà Nội thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3: Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai. Dự án có chiều dài 12,5 km, lộ trình từ Nhổn - Cầu Diễn - Mai Dịch - Cầu Giấy - Kim Mã - Núi Trúc - Giảng Võ - Cát Linh - Quốc Tử Giám và kết thúc tại ga Hà Nội (điểm cuối nằm trên đường Trần Hưng Đạo), và đi qua các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy và huyện Từ Liêm. Trong đó có 4 km đi ngầm (đoạn từ Thủ Lệ đi ga HN) với 12 nhà ga, trong đó có 8 ga trên cao, và 4 ga ngầm. Đoạn tuyến này có ga trung chuyển Cầu Giấy, kết nối tuyến 3 với các trạm xe buýt chính, ga Cát Linh sẽ kết nối tuyến 3 với tuyến UMRT Hà Nội - Hà Đông, và tại ga Hà Nội sẽ kết nối tuyến 3 với tuyến 1. |
Việc chậm đưa vào thi công đã đội chi phí dự toán ban đầu của dự án tăng lên rất nhiều so với tổng mức đầu tư đã được duyệt. Trước đó, tổng mức đầu tư dự tính ban đầu của dự án là hơn 18.000 tỉ đồng, sử dụng nguồn vay ODA và vốn đối ứng trong nước. Thừa nhận việc chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến chi phí dự án, bà Marie Cecile Tardieu Smith cho biết vẫn chưa có con số tổng mức đầu tư mới, do tư vấn chung đang nghiên cứu các chi phí đội giá ảnh hưởng thế nào đển tổng mức đầu tư. Đại diện tư vấn Systra thì cho rằng có thể khắc phục việc đội giá bằng một số biện pháp kỹ thuật, chẳng hạn mỗi ga có một cầu thang đi bộ và thang máy thì chỉ xây dựng cầu thang đi bộ để giảm chi phí!
Nguy cơ ngập úng?
Theo khẳng định của đại diện tư vấn Systra, liên quan đến thiết kế thi công các ga ngầm và phần hầm, sẽ sử dụng máy đào hầm với công nghệ hiện đại, trong một ngày có thể vừa đào hầm vừa xây dựng. Cũng theo Systra, việc sử dụng công nghệ hiện đại sẽ giảm ảnh hưởng bề mặt trên mặt đất, nhà cửa của người dân xung quanh khu vực thi công sẽ không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ băn khoăn dự án sẽ giải quyết ra sao với vấn đề úng ngập và sụt lún của 4 km đi ngầm dưới lòng đất. Theo Systra, phương án thiết kế sẽ tính đến xây dựng trong hầm hệ thống giếng thu nước mưa và đường ống, khi có nước mưa sẽ đưa ra để thải ra sông hồ. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi phương án thiết kế có tính đến trường hợp xảy ra trận mưa kỷ lục như năm 2008 tại Hà Nội hay chưa, đại diện tư vấn cho biết, chưa tính hết các khả năng này.
Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nếu không đưa ra được phương án giải quyết úng ngập hiệu quả, chắc chắn tuyến đường sắt thí điểm này khi đi vào hoạt động sẽ bị ngập. Hầm đường bộ Kim Liên dù có hệ thống bơm tự động, nhưng vẫn từng xảy ra tình trạng ngập khi mưa to, bởi không có nơi để bơm nước khi tất cả các hồ đã đầy.
Mai Hà
Bình luận (0)