Dù không phải là của một trong những người thống trị quyền lực nhất Ai Cập cổ đại, nhưng ngôi mộ của pharaoh Nepkheperura Tutankhamun (gọi tắt là vua Tut, 1341-1323 trước Công nguyên) là nổi tiếng nhất với những cổ vật gần như còn nguyên vẹn sau hàng ngàn năm và cũng vì tin đồn về lời nguyền bí hiểm của nó.
Ngôi mộ của vua Tut tọa lạc tại Thung lũng của các vị vua tại Luxor (tên cổ là Thebes). Theo website Egyptiandreams.co.uk, không ai biết đến sự hiện diện của ngôi mộ cho đến khi chuyên gia khảo cổ người Anh Howard Carter phát hiện ra nó vào ngày 4.11.1922.
|
Ngôi mộ của vua Tut nhỏ hơn các ngôi mộ hoàng gia khác. Bên trong phòng tiền sảnh là những đồ nội thất và những chiếc xe ngựa dát vàng. Phòng mai táng chứa quan tài 3 lớp với lớp trong cùng được làm từ hơn 100 kg vàng ròng, nhiều tượng vàng, những chiếc hòm chứa đầy những món trang sức vô giá. Tổng cộng, theo website King-tut.org.uk, ông Carter đã thu thập gần 3.000 món cổ vật khác nhau bên trong mộ và ông mất đến 10 năm để thu dọn và phân loại chúng.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể xác định chính xác giá trị của những châu báu tìm thấy trong ngôi mộ vua Tut, vốn đang được cất giữ tại Bảo tàng Cairo.
Lời nguyền của pharaoh
Sau khi đoàn thám hiểm của ông Carter tìm thấy ngôi mộ của vua Tut, thế giới rộ lên những lời đồn về "lời nguyền của pharaoh". Ngày 22.12.1922, tờ The New York Times đăng bài về chuyện con chim cảnh của ông Carter bị rắn hổ mang cắn chết. Rắn hổ mang là biểu tượng vương quyền của các pharaoh Ai Cập và những người mê chuyện thần bí lập tức nghĩ đến một lời nguyền.
Cái chết của Huân tước Carnavon, người tài trợ và tham gia cuộc tìm kiếm mộ vua Tut vào năm 1923 càng làm niềm tin vào lời nguyền của pharaoh thêm mãnh liệt. Nhà văn nổi tiếng Arthur Conan Doyle, "cha đẻ" của nhân vật thám tử lừng danh Sherlock Holmes, khi đó còn cho rằng Huân tước Carnavon chết vì bị những linh hồn bảo vệ nơi yên nghỉ của vua Tut trừng phạt.
|
Trong thực tế, bá tước
Carnavon chết vì nhiễm trùng từ một vết muỗi cắn và chỉ có 6 trong số 10 người có mặt lúc cửa hầm mộ mở qua đời trong vòng 10 năm sau đó. Nếu thật sự có lời nguyền thì đáng lẽ nhà khảo cổ Carter phải là người hứng chịu nặng nề nhất. Tuy nhiên, ông sống đến năm 1939 và qua đời vì ung thư ở tuổi 64.
Chuyên gia Ai Cập học Dominic Montserrat đã tiến hành một nghiên cứu toàn diện và kết luận rằng ý niệm "lời nguyền của pharaoh" thật ra bắt đầu từ thế kỷ 19. "Công trình nghiên cứu của tôi cho thấy tin đồn về lời nguyền của xác ướp xuất hiện trước khi phát hiện mộ vua Tut", ông Montserrat nói với tờ The Independent trong một cuộc phỏng vấn thực hiện vài năm trước khi ông qua đời vào năm 2004.
Trong những năm gần đây, nhiều chuyên gia cố gắng tìm lời giải khoa học cho cái gọi là lời nguyền của pharaoh. Đài National Geographic dẫn lời một số nhà khoa học cho rằng hầm mộ đóng kín có thể chứa nhiều loại vi khuẩn gây bệnh chết người.
Hầm mộ không chỉ chứa xác chết mà còn cả thực phẩm với niềm tin để người chết dùng dưới suối vàng. Các cuộc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy một số xác ướp Ai Cập cổ có nhiều loại mối nguy hiểm có thể gây sung huyết hoặc chảy máu phổi. Những vi khuẩn gây hại cho phổi như Pseudomonas và Staphyloccus cũng có thể sinh trưởng trên các bức tường trong mộ. Tuy nhiên, nhiều giáo sư dịch tễ học bác bỏ lập luận trên. F.DeWolfe Miller, giáo sư dịch tễ học thuộc Đại học Hawaii (Mỹ) nói nếu đúng trong mộ có vi khuẩn độc hại thì tại sao phần lớn chuyên gia khảo cổ và cả du khách vẫn an toàn?
Dù có thật hay không thì lời nguyền của vua Tut vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho những ai thích chuyện ly kỳ và đã nhiều lần được đưa vào phim ảnh, văn học… Hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm du khách xếp hàng vào ngôi mộ của vua Tut để chiêm ngưỡng xác ướp của vị pharaoh này. Trong khi đó, kho báu mà đoàn thám hiểm của ông Carter phát hiện cũng liên tục chu du qua nhiều nước trong những cuộc triển lãm lớn. Hàng ngàn năm sau ngày băng hà, vua Tut và những đồ tùy táng vô giá của ông tiếp tục làm thế giới phải trầm trồ ngưỡng mộ.
Trùng Quang
Bình luận (0)