Tân Hoa xã tuần trước đưa tin Công ty M.Berthelot Quảng Châu đâm đơn kiện SFDA lên Tòa án Nhân dân Bắc Kinh với cáo buộc vi phạm nhiều quy định trong quá trình cấp giấy cho phép thí nghiệm và lưu hành thuốc. Theo đơn kiện, SFDA đã bác đơn xin thí nghiệm lâm sàng một loại thuốc của M.Berthelot Quảng Châu nhưng không đưa ra được lời giải thích hợp lý. Đây là vụ “dân kiện quan” đầu tiên trong lịch sử ngành dược Trung Quốc nhưng không phải bê bối đầu tiên của SFDA.
|
Chấn động vì thuốc giả
Sở dĩ Công ty M.Berthelot Quảng Châu bực tức kiện cáo như vậy vì trước đây việc giám định thuốc mới của SFDA luôn rất dễ dãi, phê chuẩn tràn lan và gây nhiều hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Ngày 29.5.2007, cựu Cục trưởng Trịnh Tiêu Du bị kết án tử hình do lợi dụng chức quyền, biến việc giám định thuốc thành vùng giao dịch quyền lực và tiền bạc trong giai đoạn tháng 6.1997- 12.2006, bỏ túi hơn 6,5 triệu nhân dân tệ (20,8 tỉ đồng). Khi đó, các cơ sở sản xuất chỉ cần bỏ tiền là mua được giấy phép và không ít sản phẩm do Trịnh đồng ý cho thông qua là thuốc giả.
Riêng trong năm 2004, SFDA đã thụ lý hết 10.009 đơn xin giám định thuốc mới trong khi cùng thời gian đó Cơ quan Quản lý giám định dược - thực phẩm quốc gia Mỹ chỉ thụ lý 148 loại thuốc. Năm 2005, SFDA giám định xong hơn 26.000 loại thuốc mới. Trong đó Tào Văn Tráng, Chủ nhiệm Phòng Đăng ký đơn giám định, làm việc “năng suất cao” tới mức trong một ngày đã phê duyệt cho hơn 1.000 loại thuốc mới ra thị trường.
Hành động vô lương tâm của Trịnh Tiêu Du, Tào Văn Tráng... đã liên tục khiến nhiều bệnh nhân Trung Quốc phải trả giá. Năm 2006, loại thuốc tiêm Armillarisin do một xưởng sản xuất ở tỉnh Hắc Long Giang bỏ 100.000 nhân dân tệ mua giấy kiểm định bị phát giác là nguyên nhân khiến 11 bệnh nhân suy thận dẫn tới tử vong. Ngoài ra, loại thuốc này bị cáo buộc gây bệnh và biến chứng cho vô số người do nó được đưa vào sử dụng công khai trong hệ thống các bệnh viện nhà nước ở rất nhiều tỉnh thành lớn trước khi bị thu hồi. Cùng năm 2006, ít nhất 11 người chết sau khi sử dụng một loại thuốc tiêm chống dị ứng nhãn hiệu Hân Phật. Tháng 1.2007, nhà chức trách cũng ra lệnh thu hồi và cấm sử dụng vắc-xin Globulin của Công ty dược Bách Dị Quảng Đông do khiến bệnh nhân mắc bệnh viêm gan siêu vi C.
Chưa hết bê bối
Sau khi Trịnh Tiêu Du và đồng bọn sa lưới, SFDA tỏ ra dè dặt hơn trong việc thẩm định thuốc, chỉ nhận 3.357 đơn và chỉ phê chuẩn 2.208 loại thuốc trong năm 2009. Tuy nhiên, Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Hội đồng quản trị Bội Khánh Sinh của Công ty M.Berthelot Quảng Châu nhận định đây không phải là tín hiệu khả quan cho ngành dược Trung Quốc. Ông Bội nói: “Khi bọn Trịnh Tiêu Du, Tào Văn Tráng còn tại chức, đút tiền thì được kiểm đơn giám định nhanh, không có tiền thì giám định chậm. Nay SFDA tỏ ra liêm chính hơn nhưng lại sợ trách nhiệm nên tốt nhất là chả phê duyệt gì. Như vậy khác nào tước bỏ quyền lợi của doanh nghiệp dược”.
Hồi tháng 4, SFDA lại “đau đầu” khi nhận đơn khiếu nại của người nhà bệnh nhân Lý Trung, 57 tuổi, tố cáo Bệnh viện Đồng Nhân ở Bắc Kinh hướng dẫn mua nhầm thuốc giả khiến ông Lý thiệt mạng sau khi sử dụng. Vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. SFDA đang phải khổ sở khôi phục lại hình ảnh của mình, nỗ lực thanh lọc thuốc giả. Tuy nhiên ngoài danh sách 12 loại thuốc giả vừa công bố vào cuối tháng 6, xem ra cơ quan này vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Nguyễn Lệ Chi
Bình luận (0)