“Buông” vỉa hè

11/07/2011 03:47 GMT+7

Theo quy định của pháp luật, vỉa hè là để cho người đi bộ. Thế nhưng, thực tế rất nhiều đoạn vỉa hè bị lấn chiếm công khai, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.


Vỉa hè thành bãi giữ xe. Ảnh chụp trước cổng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Q.5 - Ảnh: Giang Phương

Lấn chiếm tràn lan

Từ sáng đến tối mịt, trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh (P.12, Q.5) lúc nào cũng náo nhiệt. Hàng loạt quán xá từ cơm, bún, hủ tiếu, cà phê… mọc lên như nấm, dựng lều tạm bợ buôn bán trên vỉa hè khiến cảnh quan nhếch nhác, giao thông lộn xộn.

Cách đó không xa, cũng trên đường Nguyễn Chí Thanh (P.4, Q.11), chúng tôi thấy lực lượng chức năng P.4 đang làm nhiệm vụ dẹp bán hàng rong, chiếm dụng lòng lề đường. Thấy công an, các xe đẩy di chuyển đi chỗ khác. Thế nhưng, trên vỉa hè các quán xá trong nhà bày bàn ghế, hàng hóa, thức ăn lấn chiếm toàn bộ phần đường dành cho người đi bộ thì vẫn “bình an vô sự”. Chúng tôi đem thắc mắc này hỏi một cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tại đây thì vị này lắc đầu: “Trách nhiệm này của trật tự đô thị phường”.

Tại những tuyến đường xung quanh các bệnh viện khác trên địa bàn TP, như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Đại học Y Dược, Ung Bướu, Chấn thương chỉnh hình…, hằng ngày vẫn luôn trong cảnh xô bồ, nhếch nhác bởi hàng rong, quán cơm, bãi giữ xe chiếm dụng hết lề đường, đẩy người đi bộ xuống lòng đường “đồng hành” cùng các loại phương tiện giao thông khác... Tương tự, các tuyến đường xung quanh chợ Bến Thành như Lê Thánh Tôn, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Trương Định…, dù đã được cơ quan chức năng địa phương kẻ vạch trắng phân rõ làn đậu xe, nhưng vẫn bị lấn chiếm làm nơi buôn bán, giữ xe.


Thanh thiếu niên đánh bài trên vỉa hè gần trụ sở Công an P.Nguyễn Thái Bình, Q.1 - Ảnh: Công Nguyên

Việc vỉa hè bị lấn chiếm, đẩy người đi bộ xuống lòng lề đường làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Điển hình là trường hợp bà Nguyễn Thị Sanh, ngụ P.4, Q.Gò Vấp, buổi tối đi bộ ở Công viên Gia Định, do tránh những “quán ăn di động” trên vỉa hè đường Hoàng Minh Giám đã bị xe máy đâm gãy chân, chấn thương ở đầu, phải nằm viện hơn một tháng.

Trở lại Công viên Gia Định vào tối cuối tuần đầu tháng 7, chúng tôi nhận thấy tình trạng hàng quán lấn chiếm lòng lề đường Hoàng Minh Giám ngày càng trầm trọng. Người dân thường đến vui chơi tại công viên này nhiều lần chứng kiến những hình ảnh cười ra nước mắt. Khi bị bảo vệ công viên đẩy đuổi, những người bán hàng rong chỉ cần di chuyển hàng quán xuống đường là bảo vệ không làm gì được. Bi hài hơn, khi bị lực lượng của P.3, Q.Gò Vấp đuổi thì họ chạy sang phía bên P.9, Q.Phú Nhuận và ngược lại rồi đứng… cười. Cứ thế, việc đẩy đuổi như trò… “cút bắt”!

Đùn đẩy trách nhiệm

Theo Nghị định số 34 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, hành vi chiếm dụng đường phố để kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày bán hàng hóa, kinh doanh, buôn bán, giữ xe… có thể bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng. Tại TP.HCM, việc quản lý lề đường được giao cho các địa phương, với rất đông các lực lượng xử phạt hành vi lấn chiếm như cảnh sát trật tự, công an phường, thanh tra xây dựng quận - phường… nhưng thực trạng lấn chiếm lòng lề đường vẫn gây nhiều bức xúc.


Lề đường bị các hàng quán chiếm dụng để buôn bán. Ảnh chụp trên đường Pasteur, Q.1 - Ảnh: Công Nguyên

Trao đổi với chúng tôi, một số lãnh đạo địa phương đều phân bua rằng công tác lập lại trật tự lòng đường, hè phố là việc làm dài hơi; việc áp dụng Nghị định 34 của Chính phủ để xử phạt hành vi chiếm dụng đường phố đối với những người bán hàng rong là… khó khả thi, bởi mức phạt rất cao trong khi tài sản của họ chẳng đáng bao nhiêu nên nhiều người vi phạm sẵn sàng bỏ phương tiện hành nghề khi bị tịch thu…; thiếu nhân sự, kinh phí đẩy đuổi, chốt giữ…

Ông Trần Văn Hưởng, Chánh thanh tra xây dựng Q.10, sau khi nhìn nhận quy định chế tài hành vi lấn chiếm lòng lề đường cao nhằm mang tính răn đe là tốt thì nại: “Do mức phạt quá cao nên công tác đốc thu việc nộp phạt rất chật vật, nhiều người vi phạm tìm đủ mọi cách không nộp phạt, như kéo dài thời gian đóng phạt, khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính…” và cho rằng “cấp phường phải có trách nhiệm quản lý địa bàn, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm…”.

Ở cấp phường, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó chủ tịch UBND P.12, Q.5, địa bàn có tình trạng lấn chiếm lòng lề đường khá phức tạp bởi sự hiện diện của nhiều bệnh viện lớn hiện hữu (Chợ Rẫy, Hùng Vương, Đại học Y Dược, Răng Hàm Mặt...), phân bua dù phường đã tổ chức ra quân giữ gìn trật tự, đảm bảo việc lưu thông, sắp xếp các bến bãi đậu xe, hàng rong, nhưng tình hình chỉ giảm chứ không chấm dứt hẳn. Theo ông Hiếu, muốn dẹp hẳn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường phải làm lâu dài và đồng bộ giữa các ban ngành, một mình phường “chỉ như muối bỏ bể", không thể kiểm soát hết…

Quyết là làm được!

Trong khi nhiều địa phương khác than thở về việc khó xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường do mức phạt theo Nghị định 34/CP quá cao, thì ông Trần Minh Khiêm, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết mức phạt này đã có tác dụng răn đe hiệu quả. Theo ông Khiêm, thời gian qua, quận đã tiến hành vẽ vạch sơn (tính từ tường nhà dân ra vỉa hè 1,5m) trên nhiều vỉa hè các tuyến đường để tạo điều kiện cho các hộ dân kinh doanh, mua bán có nơi đậu xe, chừa lối đi bộ cho khách bộ hành. Lực lượng thanh tra xây dựng quận và các tổ thanh tra xây dựng ở các phường hằng ngày đi kiểm tra, xử phạt các hộ vi phạm. “Ban đầu chúng tôi chỉ lập biên bản nhắc nhở, nếu tái phạm lần 3 mới xử phạt theo Nghị định 34. UBND quận đã bác nhiều đơn xin cứu xét giảm mức phạt hoặc miễn phạt. Vì vậy, công tác lập lại trật tự lòng lề đường tại nhiều tuyến đường trên địa bàn quận đang dần ổn định”. Từ đầu năm 2011 đến nay, quận đã ban hành hơn 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính các hộ kinh doanh, đơn vị lấn chiếm lòng lề đường, với mức phạt từ 20 - 25 triệu đồng/trường hợp. Các trường hợp này đều nộp phạt đầy đủ.

Cũng theo ông Khiêm, khó khăn hiện nay là nhiều trường hợp bán hàng rong biết rõ quy định về ranh giới hành chính, lực lượng của phường này không thể sang phường khác thu giữ, xử phạt các trường hợp vi phạm nên thường tập trung ở những địa bàn giáp ranh để kinh doanh, nhằm tiện bề né lực lượng chức năng. Để giải quyết tình hình này, ông Khiêm cho biết UBND quận đã chỉ đạo Thanh tra xây dựng quận phối hợp các phường trên địa bàn tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm bất kỳ trên địa bàn phường nào. Mặt khác, quận cũng ký kết liên tịch với các quận giáp ranh như Q.6 và H.Bình Chánh, nhằm dẹp chợ tự phát, lập lại trật tự lòng lề đường... 

Minh Nam

M.Nam - Đ.Huy - C.Nguyên - G.Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.