Cạnh tranh gay gắt trên thị trường di động

10/07/2011 18:09 GMT+7

Cuộc cạnh tranh trên thị trường mạng điện thoại di động đang hứa hẹn nhiều gay cấn, khi một số mạng tuyên bố tăng đầu tư.

Liên doanh GTel Mobile (mạng điện thoại di động Beeline) vừa chính thức công bố có tổng giám đốc mới điều hành khu vực Đông Dương đồng thời công bố việc tăng vốn đầu tư thêm 500 triệu USD.

Mạng di động Beeline chính thức ra mắt vào giữa năm 2009 nhưng kết quả đạt được sau đó không như mong muốn. Trong một năm qua, nhà mạng này đã dừng mọi hoạt động kinh doanh để dành sức cho việc đàm phán với đối tác về nguồn vốn. Tổng giám đốc mới Michael Sasha Cluzel khẳng định đang đẩy mạnh hình ảnh của mình tại Việt Nam. Sau một thời gian dài vắng mặt, Beeline giờ đặt ra mục tiêu rõ ràng trở thành nhà mạng lớn thứ 4 trên thị trường, tăng thị phần bằng các hoạt động phục vụ khách hàng, và quan trọng hơn cả là tập trung cải thiện mạng lưới phủ sóng, chất lượng và giá trị sản phẩm.  Trong tương lai gần, Beeline quyết tâm tăng số trạm BTS (phát sóng) lên 5.000 vào năm tới.


Sau một thời gian khó khăn, S-Fone đang rục rịch tăng tốc - Ảnh: Diệp Đức Minh

Mạng di động S-Fone cũng chính thức tung ra gói cước gọi nội mạng 0 đồng kể từ ngày 1.7 cho khách hàng mua bộ sản phẩm Eco trị giá từ 190.000 đồng được miễn phí cuộc gọi thứ 2 trở đi trong vòng 6 tháng. Ông Phạm Tiến Thịnh - Giám đốc điều hành S-Fone - cho biết tháng 7 là sinh nhật của S-Fone nên gói cước đó xem như một lời tri ân và chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên bên cạnh đó, ông Thịnh thừa nhận đây cũng là một hành động bước đầu trong kế hoạch để S-Fone trở lại thị trường với những chiến lược cạnh tranh mới. Ông Thịnh giải thích: Vì việc thay đổi mô hình từ hợp tác kinh doanh (BCC) sang mô hình cổ phần đến nay vẫn chưa hoàn tất nên thời gian qua S-Fone thiếu hành lang pháp lý để có thể công bố những dự án đầu tư mới. Do đó với số vốn ban đầu 260 triệu USD đã được giải ngân hết từ năm 2006 thì thời gian qua xem như S-Fone khó phát triển hơn, nhất là xây dựng mạng lưới phủ sóng. “Tôi hy vọng trong tháng này S-Fone sẽ hoàn thành thủ tục chuyển sang công ty cổ phần và sẽ triển khai được các dự án đầu tư mới. Số tiền đầu tư mới dự kiến trong thời gian tới để chúng tôi triển khai việc phủ sóng trên toàn quốc, đảm bảo chất lượng dịch vụ với giá cước hợp lý cũng sẽ không thấp hơn khoản đầu tư mới của Beeline”, ông Phạm Tiến Thịnh nhấn mạnh. Trong khi đó, EVN Telecom vẫn chỉ tập trung vào việc phát triển dịch vụ điện thoại cố định và di động nội vùng. Riêng mạng Vietnamobile cũng trung thành với chính sách khuyến mãi giá sốc khi liên tục tung ra thị trường các gói cước siêu rẻ như gọi 1 phút tặng phút tiếp theo.

Nhìn chung,  thách thức lớn nhất của các nhà mạng mới hiện nay là làm thế nào để có được một lượng khách hàng cố định và trung thành khi 3 nhà mạng dẫn đầu gồm Vinaphone, MobiFone và Viettel đã “thâu tóm” gần hết thị phần này. Bà Nguyễn Thu Hồng - phụ trách truyền thông của Vinaphone - cho rằng hiện giá cước của các mạng di động đã tương đương nhau và cũng cận với mức giá sàn. Vì vậy, chủ yếu các nhà mạng sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ như đưa ra nhiều gói cước khuyến mãi tập trung cho từng đối tượng khách hàng cụ thể; đa dạng hóa dịch vụ nội dung gia tăng tiện ích cho người dùng.

Có một thực tế là những mạng đến sau như Beeline, S-Fone, Vietnamobile... sẽ rất khó khăn nếu muốn có thêm khách hàng. Bởi  đặc điểm Việt Nam chưa có quy định cho phép người dùng khi thay đổi mạng di động vẫn được giữ nguyên số di động của mình nên khó để khách hàng chọn lựa các nhà mạng đến sau.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.