Theo ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, “dự thảo lần 7 của Nghị định về hoạt động biểu diễn vẫn đang tiếp thu ý kiến để hoàn thiện, nhưng xu hướng là sẽ có các hình thức xử phạt sao cho có hiệu lực”. Vì theo ông, “thực tế lâu nay mức phạt không đủ tính răn đe, nên chúng tôi đang xem xét lại. Có lẽ không chỉ dừng ở phạt tiền mà còn cấm biểu diễn”.
Đánh trống bỏ dùi
Hát nhép bị phạt từ 3-5 triệu đồng (Nghị định 56/2006/NĐ-CP), rồi tăng lên từ 3-6 triệu (Nghị định 75/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa), nhưng từ khi ban hành đến nay, chưa thấy trường hợp nào bị phạt, dù ca sĩ hát nhép tràn lan và không ít người bị lộ, bị “chỉ điểm”.
Nếu cấm hát nhép được, có lẽ đến 80% ca sĩ thất nghiệp vì họ không đủ thực lực để hát live
|
|
Ca sĩ Quang Linh |
Ê chề nhất có lẽ là trường hợp rớt micro mà tiếng hát vẫn vang lên của người đẹp Quỳnh Nga cách đây 2 tháng. Clip này bị tung lên mạng và nhận vô số lời bình luận đến… muối mặt. Quỳnh Nga sau đó lên tiếng xin lỗi khán giả, nhưng không quên kèm lời thanh minh vì lý do mất điện, ban tổ chức yêu cầu nhép để tránh những trục trặc kỹ thuật! Tiếp ngay đó, ca sĩ Thu Thủy cũng bị rớt micro khi đang hát, nhưng vì giọng hát vẫn văng vẳng nên hôm sau báo chí cũng phản ảnh ngay.
Vậy là, giống như nhiều trường hợp nhép bị lộ tẩy trước đó, ca sĩ xin lỗi xong rồi thôi, mọi bức xúc, lên án, kêu gọi tẩy chay, phạt tiền… chỉ dừng lại trên con chữ! Vậy là, nghị định của Chính phủ sau bao nhiêu lần sửa đổi, tăng tiền phạt xem ra chỉ ban hành cho có lệ.
|
Chỉ còn cách cấm biểu diễn
Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thế Thanh, Tổng giám đốc SaiGon Media, khi góp ý về hình thức xử phạt. Bà nói: “Nếu phạt tiền mà vẫn chẳng ăn thua gì, vẫn không ngăn cấm được thì chỉ còn cách không cho biểu diễn”. Bà nhấn mạnh: “Phải xử phạt luôn những người phụ trách kỹ thuật âm thanh, không cho phép họ hỗ trợ ca sĩ hát nhép (không chấp nhận dùng đĩa có cả giọng hát) và phạt nặng đối với công ty tổ chức chương trình cho phép hát nhép. Cuối cùng, báo chí phải lên án mạnh mẽ hơn, đừng cổ vũ cho các ca sĩ kém thực lực… Khi chúng ta tẩy chay đồng loạt thì hiệu quả sẽ khác ngay”. Còn ca sĩ Quang Linh nhận định: “Nếu cấm hát nhép được, có lẽ đến 80% ca sĩ thất nghiệp vì họ không đủ thực lực để hát live”.
Hiện nay, để đảm bảo uy tín cho thương hiệu của mình, một số đơn vị đã kiểm soát chặt chẽ hơn những đĩa nhạc nền của ca sĩ tham gia. Chẳng hạn, với những chương trình không có ban nhạc, “chúng tôi yêu cầu ca sĩ đưa đĩa nhạc từ ngày tập để chúng tôi tập hợp, quản lý, vừa thuận tiện cho bộ phận kỹ thuật trong liên kết đường dây, vừa tránh được tình trạng… đánh tráo của ca sĩ, lúc tập thì đưa đĩa chỉ có nhạc, nhưng khi vào show thì đưa đĩa có luôn tiếng hát”, ông Thái Huân, Giám đốc Công ty Sao Nhạc Việt cho biết. Thế nhưng, trong hàng trăm công ty tổ chức biểu diễn, có được mấy công ty nghiêm túc với tiêu chí nói không với hát nhép? Bởi, nói như ông Lê Quang Vy, Giám đốc VLT Lawyers, một luật sư có thâm niên trong nghề lẫn có uy tín trong ngành giải trí, “ngay cả các đài truyền hình, cũng là một cơ quan truyền thông, vẫn lấy lý do đảm bảo an toàn cho việc truyền sóng mà chấp nhận cho ca sĩ hát nhép, có khi toàn bộ chương trình, thì làm sao ngăn chặn triệt để vấn nạn này”.
Nguyên Vân
Bình luận (0)