Dữ liệu cá nhân bị rao bán tràn lan

15/07/2011 18:00 GMT+7

(TNO) Thông tin chi tiết của cá nhân đang được rao bán đầy rẫy trên mạng internet. Chỉ cần vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng, người mua dễ dàng nắm được "sơ yếu lý lịch" của những người chưa hề quen biết.

"Bán" người không quen

Trên trang rao vặt www.rongbay..., một thành viên đã đăng tải lời chào mời hấp dẫn rao bán thông tin dữ liệu của 70.000 khách hàng cá nhân bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại di động, số điện thoại bàn.

Đặc biệt, thành viên này cho biết, dữ liệu có cả thông tin tài chính của khách hàng và nhấn mạnh thích hợp đối với hoạt động Telesales (bán hàng qua điện thoại - PV) trong ngành ngân hàng, bảo hiểm, tài chính.

Lần theo từ khóa liên quan đến việc rao bán dữ liệu thông tin cá nhân, PV Thanh Niên Online tìm thấy lời mời chào của thành viên website www.raovatmienphi... có tên “tonngock...” với nội dung: “Hiện nay tôi đang có danh sách thông tin (file Excel đính kèm) về số điện thoại các nhân viên làm việc trong các công ty, cơ quan giữ chức vụ cao như trưởng phòng, phó phòng, giám đốc, phó giám đốc và nhiều thông tin giá trị khác. Ai có nhu cầu cần mua thông tin hãy gọi theo số máy: 0942.885... Giá cả: thương lượng”.


H. - một trong số những người rao bán dữ liệu cá nhân tràn lan hiện nay - Ảnh: Trần Duy

Chuyên nghiệp hơn, một người có tên N.Đ.H (địa chỉ email: vnn880@..., điện thoại: 0906640...) còn rao rõ “bán dữ liệu cá nhân” với “hai gói” dịch vụ giá từ 240.000 - 400.000 đồng/gói.

Theo đó, gói 240.000 đồng gồm thông tin của 70.000 doanh nghiệp tại TP.HCM, 10 triệu email dùng để gửi đồng loạt... Gói dịch vụ có giá 400.000 đồng được giới thiệu là kèm theo một số “tiện ích”, trong đó có 8.000 thông tin cá nhân, bao gồm tên, số di động, email cá nhân, công ty (được quảng cáo là “đã kiểm chứng”) của các cá nhân hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, chức vụ từ trợ lý, phụ trách, phó phòng và cao nhất là CEO...

Theo dấu kẻ rao bán dữ liệu

Lần theo một mẩu quảng cáo bán dữ liệu “10.000 thông tin chi tiết về giám đốc tại TP.HCM, 30.000 địa chỉ email, 120.000 thông tin về doanh nghiệp...”, chúng tôi hẹn gặp H. (điện thoại 01223719...) tại một quán cà phê ở Q.1, TP.HCM.

Theo thỏa thuận qua điện thoại từ trước, H. chốt giá với chúng tôi gói dữ liệu này là 500.000 đồng và một mực không giao dịch nếu cứ lần lữa.

Khi trực tiếp gặp mặt, H. còn rất trẻ và tự xưng là sinh viên của một trường ĐH tại TP.HCM, đang ở trọ ở Q.Gò Vấp, TP.HCM. Sau khi cắm USB mang theo vào máy tính của chúng tôi, H. chỉ rõ về “cái độc”, “không đụng hàng” của dữ liệu mà cậu ta bán.

H. cho biết, nhóm của H. gồm 4 người đang theo học các trường ĐH khác nhau. Gói dữ liệu mà H. bán do một người trong nhóm lấy cắp được từ một công ty chuyên cung cấp dữ liệu mà người này từng có thời gian tham gia vào dự án.

H. cam đoan với chúng tôi: “Anh cứ sử dụng thoải mái dữ liệu của em, có chuyện gì em sẽ chịu trách nhiệm. Không có chuyện gì xảy ra với anh đâu... Từ đầu tháng đến nay, em đã bán cho 4 khách hàng làm việc cho các ngân hàng rồi”.

Để kiểm chứng “cái độc” của thông tin mà H. bán, chúng tôi bấm một vài số điện thoại có trong file dữ liệu “10.000 giám đốc trẻ” được lưu dưới dạng Excel. Nhiều người đã rất ngạc nhiên khi chúng tôi đọc vanh vách địa chỉ nhà, email cá nhân, điện thoại nhà...

Sau khi giải thích rõ chúng tôi gọi đến chỉ để kiểm tra tính xác thực về thông tin mà một người bán dữ liệu đã cung cấp, nhiều người cho biết chưa hề công khai thông tin về bản thân.

Dữ liệu tự động biến mất

Ngày 12.7, H. - người bán dữ liệu cho PV Thanh Niên Online đã copy dữ liệu từ USB vào máy tính cá nhân cho phóng viên, dữ liệu có dung lượng gần 1GB kèm theo xác nhận viết tay về việc bán dữ liệu. Thế nhưng ngày 15.7, thư mục dữ liệu mà H. copy cho chúng tôi chỉ còn là thư mục rỗng, dữ liệu hoàn toàn biến mất.

Cùng ngày, gọi điện thoại đến số mà H. cho (01223719...), về việc này, H. cho rằng mình vô can. Sau đó chuyển máy cho một người khác. Những cuộc điện thoại sau, khi chúng tôi gọi đến, H. từ chối tiếp chuyện... Một chuyên viên về công nghệ thông tin cho rằng, có khả năng H. đã cài virus máy tính kèm theo các file dữ liệu.

Gói dữ liệu mà H. bán còn kèm theo hướng dẫn chi tiết để tiến hành gửi spam (thư rác) vào hộp thư đến của 10 triệu địa chỉ email kèm theo.

Có thể khởi kiện…

Trao đổi với PV Thanh Niên Online về tính pháp lý của tình trạng rao bán dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay, luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng Luật sư Người nghèo, Q.10, TP.HCM) cho biết, tuy pháp luật dân sự chưa có văn bản giải thích rõ thế nào là bí mật đời tư của cá nhân, nhưng cũng có thể hiểu theo hướng đơn giản, đó là những thông tin, tư liệu gắn liền với cá nhân mà cá nhân đó không muốn cho người khác biết. Đây là một trong những quyền nhân thân của cá nhân được tôn trọng và được Bộ luật Dân sự bảo vệ.

Theo luật sư Thanh, viêc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trong trường hợp người đó chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con hoặc người đại diện của người đó đồng ý…

Như vậy, một khi quyền bí mật đời tư của cá nhân bị xâm phạm, ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, thì họ có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết để bảo vệ quyền lợi của mình.

Đây là loại vụ kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà cụ thể là bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín.

Tùy từng trường hợp căn cứ vào mức độ thiệt hại, mức độ lỗi của người vi phạm, tòa án có thể buộc người vi phạm bồi thường các chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại về thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu…

Cảnh báo về sơ suất của người dùng internet làm lộ bí mật cá nhân khiến những người khác khai thác, trục lợi, sử dụng vào mục đích cá nhân, kỹ sư Hồ Cường Nguyên, Giám đốc Công ty Con ong chúa cho rằng, không nên công khai địa chỉ điện thoại, email, địa chỉ nhà, thói quen, sở thích, nhật ký... lên các diễn đàn, mạng xã hội.

Theo kỹ sư Nguyên, đó là “con dao hai lưỡi” dễ khiến một số đối tượng bất hảo có ý định sử dụng thông tin cá nhân vào mục đích xấu. “Giới trẻ, đặc biệt là các teen nữ thường có nhu cầu bộc lộ bản thân nên rất dễ bị lợi dụng” - kỹ sư Nguyên nói.

Trần Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.